2008, bãi bỏ phí an ninh trật tự, hộ tịch, hộ khẩu

2008, bãi bỏ phí an ninh trật tự, hộ tịch, hộ khẩu
TP - Đây là một trong những biện pháp sẽ được Chính phủ áp dụng trong năm 2008 nhằm góp phần ổn định đời sống, giảm tác động của việc tăng giá đến đời sống người dân. Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện trợ cước các mặt hàng chính sách và tiêu thụ sản phẩm...
2008, bãi bỏ phí an ninh trật tự, hộ tịch, hộ khẩu ảnh 1

Giá cả leo thang không biết phải ăn gì cho phù hợp túi tiền. Ảnh: Phạm Yên

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề giá cả tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đã được đặt ra tại cuộc họp báo cuối năm 2007 do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Ngay đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đã phải giải thích về việc ông từng đưa ra một cách tính về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mà theo đó CPI năm 2007 sẽ là 8,30% (đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra), chứ không phải là 12,63% (không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra) như công bố của Tổng cục Thống kê.

Ông Tá cho rằng: “Không phải tôi đưa ra phương pháp tính CPI mới, mà đưa ra 2 con số dựa trên hai cách tính khác nhau... Hiện nay các cách tính CPI đang được nghiên cứu, như vậy vẫn giữ cách tính cũ”.

Để làm rõ hơn vấn đề, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nói: “Không phải Chính phủ thấy không đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra nên mới tính lại CPI. Tôi khẳng định CPI năm nay là 12,63% như đã công bố”.

Bộ Tài chính đã thừa nhận, với “cơn bão giá” trong năm 2007, mặc dù thu nhập của một bộ phận dân cư tăng, nhưng đa số người dân có thu nhập thấp bị ảnh hưởng.    

Năm 2008, song song với chính sách, biện pháp điều hành giá cả theo định hướng thị trường, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn để góp phần ổn định đời sống, giảm thiểu tác động của việc tăng giá đến đời sống của nhân dân.

Cụ thể như sau: Đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách: Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình; có chính sách tiền lương ưu đãi nhằm thu hút tài năng trẻ và đội ngũ trí thức vào cơ quan Nhà nước; bổ sung chế độ phụ cấp công vụ...

Đối với người dân: Thực hiện cấp học bổng theo mức 1/3 lương tối thiểu (tăng theo lương); nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo; tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp; bãi bỏ các khoản phí và lệ phí như phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân cấp lần đầu, lệ phí địa chính...;

Tiếp tục thực hiện chính sách trợ cước các mặt hàng chính sách và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, sẽ xác định mức giá điều chỉnh tăng cho phù hợp trên tinh thần tiếp tục giữ giá 100 số đầu đối với giá điện sinh hoạt, không điều chỉnh giá bán điện sinh hoạt cho người dân ở vùng nông thôn;

Tiếp tục mở rộng cho vay ưu đãi; thực hiện hỗ trợ cho người dân chuyển đổi phương tiện phục vụ sản xuất (thay thế xe công nông); riêng đối với ngư dân, áp dụng các chính sách hỗ trợ để vừa đảm bảo đời sống cho ngư dân phát triển sản xuất, vừa góp phần giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền trên biển...

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc Bộ GTVT đề xuất hạn chế nhập cư vào hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, liệu có trái với quy định trong Luật Nhập cư mà Quốc hội vừa thông qua?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói: “Chúng tôi đề xuất hạn chế chứ không phải cấm, theo đó buộc người nhập cư vào Hà Nội và TPHCM phải có những điều kiện nhất định, để đảm bảo được đô thị văn minh”.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: “Theo quy định thì người dân được tự do đi lại, nhưng tôi biết trong nhiều hộ tại hai đô thị lớn này, mặc dù có nhiều người đăng ký hộ khẩu nhưng không có người ở, ví dụ tại TPHCM có những gia đình mà hộ khẩu lên tới 40 người.

Như vậy chúng ta không thể quản lý theo kiểu tháo khoán, mà phải nghiên cứu những điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, những ý kiến này mới chỉ là đề xuất, Chính phủ sẽ nghiên cứu, quyết định”. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.