24 giờ giành giật sự sống sau cú chìm tàu kinh hoàng ở TPHCM

"Người nhái" tìm kiếm người gặp nạn. Ảnh: Ngô Bình
"Người nhái" tìm kiếm người gặp nạn. Ảnh: Ngô Bình
TP - Tàu Hoàng Phúc 18 lật úp, thuyền viên Nguyễn Trung Tường mắc kẹt bên trong, gần một ngày đêm anh lần mò trong bóng tối tìm lối thoát. Anh òa khóc khi được người nhái vào giải cứu. Hiện vẫn còn hai thuyền viên mất tích.

Sáng 1/11, anh Nguyễn Trung Tường (quê Hà Tĩnh), thuyền viên được cứu sau gần 1 ngày đêm mắc kẹt trong con tàu chìm đã được đưa vào đất liền. Tiếp xúc với phóng viên, anh Tường vẫn chưa tin mình còn sống sót sau chừng ấy thời gian mắc kẹt trong con tàu lật úp, đối diện với cái đói, rét và bóng tối.

Ngồi bần thần trong trụ sở Bộ đội Biên phòng, anh Tường cho biết, đây là chuyến đi biển đầu tiên của mình và không ngờ lại gặp nạn. Nhớ lại thời khắc con tàu lật úp, anh Tường kể, sau bữa ăn tối anh lên phòng nghỉ được một lúc thì nghe anh em thủy thủ trên tàu hô hoán tàu bị nghiêng. 

“Nghe vậy tôi chạy ra xem chuyện gì. Nhưng mới chạy đến gần cửa thì thuyền trưởng hét lớn yêu cầu mọi người rời tàu gấp. Tôi chưa kịp chạy thì con tàu lật úp. Với bản năng tự nhiên, tôi khom người ôm đầu cho nước cuốn tự do. Nhưng khi nổi lên thì mọi thứ xung quanh tối om, lúc đó tôi mới biết là mình mắc kẹt trong tàu”, anh Tường nói.

Bị kẹt trong con tàu tối om, sợ nước ngập vào khiến tàu chìm, anh Tường cố gào thét gọi mọi người nhưng đáp lại chỉ là tiếng sóng biển đập vào thành tàu và tiếng vọng của chính anh. Anh bắt đầu lặn để tìm lối ra, nhưng càng tìm càng không thấy cửa. Anh mệt lả tìm nơi khô ráo ngồi rồi thiếp đi lúc nào không biết, khi thức dậy thì vẫn thấy một màu tối đen. “Mọi nỗ lực lặn tìm cửa ra đều bất lực, tôi mệt lả rồi thiếp đi, tỉnh dậy thấy mình vẫn nằm trong tàu. Một cảm giác thật kinh khủng, xung quanh chỉ là bóng tối và mùi dầu nhớt nồng nặc. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết!”, anh Tường kể.

“Tôi tìm được khoang tàu khá cao và rộng, tự nhủ phải bình tĩnh mới sống sót được nên tôi lên cao ngồi đợi người đến cứu. Gần một ngày mà vẫn chưa thấy tín hiệu gì, tôi bắt đầu lo lắng thì có tiếng tàu máy. Nó ngày càng gần và nhiều tàu chạy xung quanh, tôi mừng lắm, cố tìm vật gì đó để gõ vào thành tàu báo hiệu cầu cứu”, anh Tường nói.

Anh Tường kể tiếp, mặc dù nghe tiếng động cơ tàu chạy lòng vòng bên ngoài và anh đã cố gắng đập vào thành tàu để báo hiệu nhưng nhiều giờ sau vẫn không thấy người vào cứu. “Tôi hoảng loạn chạy khắp nơi đập vào thành tàu, hết chỗ này đến chỗ khác. Tôi sợ nếu họ không vào kịp thì sẽ chết vì thiếu oxy. Khi thấy một ánh đèn pin từ dưới nước, tôi sung sướng trào nước mắt vì biết rằng mình đã được cứu. Rồi tôi được hai người dìu ra ngoài. Giờ nghĩ chỉ thương những anh em còn lại không biết họ còn sống hay đã chết”, anh Tường nói.

Tìm được hai thi thể

24 giờ giành giật sự sống sau cú chìm tàu kinh hoàng ở TPHCM ảnh 1

Anh Nguyễn Trung Tường kể về khoảng thời gian kẹt bên trong tàu lật.

5 giờ  sáng 1/11, hàng trăm người thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, Cảnh sát PCCC TPHCM, Bộ đội Biên phòng TPHCM, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, tàu của liên doanh Vietsovpetro, nhiều tàu cá của ngư dân, nhân viên y tế... tiếp tục bủa ra khắp nơi tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích. Diện tích tìm kiếm khoảng 70 hải lý vuông cho các tàu lớn (SAR 413, SBS 2010, tàu của lực lượng biên phòng). Các tàu cá và phương tiện nhỏ thực hiện tìm kiếm ven biển Cần Giờ và Tiền Giang. Vùng tìm kiếm ven bờ dự kiến khoảng 70- 80 hải lý vuông.

Sáng 1/11, hai thi thể được tìm thấy đang trôi dạt trên biển ở vị trí gần phao số 3, cách hiện trường con tàu Hoàng Phúc gặp nạn khoảng 4-5 hải lý. Sau khi nhận dạng, lực lượng chức năng cho biết hai thi thể trên là anh Nguyễn Văn Quảng (quê Ninh Bình) và Bùi Văn Sa (quê Khánh Hòa) - thuyền viên tàu Hoàng Phúc 18.

Tại khu vực con tàu Hoàng Phúc gặp nạn, sáng 1/11, sóng biển nhẹ, trời nắng, thuận lợi cho công tác cứu hộ. Con tàu đã bị sóng đánh trôi dạt 3 hải lý về phía Tiền Giang. Lực lượng chức năng điều sà lan cẩu ra hiện trường để trục vớt con tàu gặp nạn.

Theo nguyện vọng gia đình các nạn nhân, hàng chục người nhái của Cảnh sát PCCC TPHCM và Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL) liên tục lặn tìm nhiều giờ bên trong nhưng không phát hiện thêm người. 

Sau đó, con tàu được sà lan cứu hộ tiếp cận móc dây kéo di dời một đoạn khỏi vị trí cũ. Đến khoảng 14 giờ chiều, biển động mạnh nên công tác tìm kiếm cứu hộ gặp khó khăn, một bộ phận thợ lặn đã được đưa vào bờ, chỉ còn tàu neo và một số nhân viên cứu hộ ở lại hiện trường.

Hôm nay, 2/11, công tác tìm kiếm hai người mất tích và cứu hộ con tàu gặp nạn tiếp tục triển khai.

MỚI - NÓNG