25.000 người sốt xuất huyết, 12 ca tử vong

Những bà mẹ lo lắng cho con trước bệnh dịch sốt xuất huyết đang gia tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Những bà mẹ lo lắng cho con trước bệnh dịch sốt xuất huyết đang gia tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, đến hết tháng 8, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 12 người tử vong do SXH. Bộ Y tế nhận định, dịch SXH đang có những diễn biến phức tạp.

Dễ nhầm SXH với bệnh khác

Theo Cục Y tế Dự phòng, số ca mắc SXH năm 2015 trên toàn quốc tính tới thời điểm này chưa phải ở mức báo động mặc dù có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng cảnh báo, dịch SXH đang bước vào thời kỳ cao điểm. Hơn nữa, SXH đang có diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa, tức tháng 10 tới. Ông Bắc cho biết thêm, trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần, nhưng hiện nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại. Nguyên nhân của thực trạng này là do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng cao hơn.

Cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh, các chuyên gia cho biết, SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới bệnh nặng. Nhiều người có biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, đối tượng mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn. Những trường hợp tử vong ở người lớn do chủ quan và nhầm lẫn triệu chứng với các bệnh lý khác (viêm đường hô hấp, sốt virus). Trước đây 80% SXH tập trung ở trẻ em (dưới 15 tuổi), đến nay SXH gia tăng ở người lớn với tỷ lệ hơn 43%. Điều này cho thấy SXH ngày càng có chiều hướng “người lớn hóa” và diễn biến khá phức tạp.

Tại Hà Nội, đang có tình trạng gia tăng bệnh nhân SXH. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 6/9, trên toàn địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 1.537 trường hợp mắc SXH, đứng thứ 6 trong toàn quốc, tăng hơn 3,5 lần so với con số 439 ca mắc của năm ngoái và hiện chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay SXH đã xảy ra tại 29/30 quận huyện của Hà Nội (trừ huyện Phúc Thọ). Trong đó Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông là những địa bàn mắc nhiều nhất. Tuy nhiên trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch lớn, nhiều nhất là 5-10 ca. Đáng chú ý, số ca mắc SXH tăng từ 359 ca trong tháng 7 lên 633 ca trong tháng 8. Ông Hạnh nhận định, trong 4 tháng cuối năm, tình hình SXH trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Chi 140-160 tỷ đồng/năm điều trị SXH

SXH đang là gánh nặng kinh tế cho người dân và cộng đồng. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bệnh SXH dengue phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc người bệnh. Chi phí cho một người bệnh SXH dengue dao động từ 900.000 đến 2.700.000 đồng, tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh.

Chỉ tính riêng số bệnh nhân nhập viện điều trị, giai đoạn 2010 - 2012, với gần 95.000 người bệnh mỗi năm, ước tính người dân đã phải chi phí khoảng 7-8 triệu đô la Mỹ tương đương 140 - 160 tỷ đồng Việt Nam một năm cho việc điều trị bệnh SXH tại bệnh viện. Ngoài ra còn một số lượng lớn người bệnh tự điều trị tại cộng đồng không đến cơ sở y tế nên chưa được thống kê. Với mức chi phí như trên, người dân sẽ giảm được gần 16 tỷ đồng chi phí cho mỗi 10.000 trường hợp mắc bệnh nếu được phòng ngừa. 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, từ đầu năm đến ngày 6/9 ghi nhận 1.333 ca mắc bệnh tay-chân-miệng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái (808 ca) và không có trường hợp tử vong. Các ca mắc tập trung vào đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi. Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, số ca mắc có dấu hiệu tăng cao vào những tháng gần đây, dự báo sẽ tiếp tục gia tăng vì đang vào đỉnh thứ 2 của năm (từ tháng 9 đến tháng 11). Bệnh sốt xuất huyết cũng có dấu hiệu tăng mạnh từ tuần 30-36 của năm.                

Thanh Trần

MỚI - NÓNG