26 nghìn tỷ đồng cho việc điều chỉnh địa giới hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lập mới, chia tách địa giới hành chính. Ảnh Dũng Nguyễn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lập mới, chia tách địa giới hành chính. Ảnh Dũng Nguyễn.
TPO - Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 6 đề án thành lập, mở rộng địa giới hành chính các tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện chủ trương này khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Các đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua là thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; huyện mới Phú Riềng, tỉnh Bình Phước; mở rộng thị xã Sầm Sơn và 2 thị trấn, tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến bộ máy hoạt động, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, các địa phương đã có các giải pháp bố trí, sắp xếp, điều chuyển đội ngũ cán bộ, công chức trong nội bộ tỉnh, bảo đảm đủ nguồn nhân lực cho đơn vị hành chính mới hoạt động nhưng không làm tăng tổng biên chế cán bộ, công chức do tỉnh quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh có văn bản gửi các cơ quan Trung ương có liên quan về việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan của Trung ương đặt tại địa phương theo hướng hạn chế tối đa việc tăng biên chế của ngành.

Liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện, Bộ trưởng Bình cho biết, sau khi rà soát, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị điều chỉnh vốn đầu tư cho việc mở rộng thị xã Sầm Sơn giai đoạn 2016-2020 khoảng 10.000 tỉ đồng (thay cho 31.000 tỉ đồng). Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh cần khoảng 26.000 tỉ đồng thay cho 47.000 tỷ đồng như trước đây.

Việc chia tách, thành lập mới sẽ khó tránh khỏi phát sinh chi phí và làm tăng biên chế, song đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề nghị cần hạn chế đến mức tối đa điều này. “Tăng 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 3 phường mà không làm tăng biên chế thì rất khó, nhưng cần phải hạn chế tối đa để việc tăng biên chế không nhiều quá” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Cuối buổi làm việc, 100% đại biểu có mặt đã đồng ý thông qua 6 đề án lập mới, mở rộng, chia tách địa giới hành chính.

Mặc dù đề án được thông qua, song nhiều chỉ tiêu của các địa phương vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Điển hình như thị xã Sầm Sơn, sau khi mở rộng vẫn còn 5/30 chỉ tiêu về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị chưa đạt là trung tâm văn hóa, trung tâm thương mại, mật độ đường cống thoát nước, tỉ lệ nước thải được xử lý và nhà tang lễ. Thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) có 4/30 chỉ tiêu chưa đạt là đất giao thông nội thị, mật độ đường, mật độ đường cống thoát nước, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng. Về tiêu chuẩn dân số của thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) có 109.409 nhân khẩu, so với quy định thiếu khoảng 40.600 nhân khẩu.

MỚI - NÓNG