27 BOT giao thông có doanh thu tăng so với phương án tài chính

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
TPO - Chiều 18/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Về cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư sẽ được duy trì ở biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%.

Báo cáo giải trình tiếp thu về lĩnh vực đầu tư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về 5 nhóm lĩnh vực đầu tư PPP, tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tại Điều 99 cũng đã đề xuất sửa đổi một số điều khoản tại một số luật liên quan để thống nhất lĩnh vực đầu tư theo quy định của Luật PPP.

Liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều ý kiến nhất trí phải có cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư và đề nghị lựa chọn áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo phương án 1 đã trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 15 - 20% để áp dụng cơ chế chia sẻ này.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25% (tương ứng với mức tăng doanh thu từ 125% trở lên và mức giảm doanh thu từ 75% trở xuống).

Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, dự thảo Luật quy định: khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội thể hiện một phương án như dự thảo Luật và cho giữ biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội viện dẫn theo số liệu của Tổng cục đường bộ, năm 2018 trong số dự án BOT giao thông đã đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng so với phương án tài chính ban đầu (trung bình tăng khoảng 18%), 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu (trung bình giảm khoảng 26%).

Tuy nhiên, việc tăng, giảm doanh thu của các dự án này do nhiều nguyên nhân khác nhau (nguyên nhân khách quan do thị trường, lãi suất vay tăng, lạm phát tăng...) hay nguyên nhân chủ quan (tính toán sai lưu lượng, quản lý yếu kém của nhà đầu tư...), không chỉ vì nguyên nhân quy hoạch, chính sách pháp luật thay đổi như dự thảo Luật đang đề xuất. Vì vậy, các giá trị từ thực tiễn này chỉ mang tính tham khảo, cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xác định rõ hơn việc thực hiện cơ chế chia sẻ do lỗi của Nhà nước để bảo đảm tính pháp lý; đề nghị phải quy định chặt chẽ trong Luật phương thức kiểm soát doanh thu. Trường hợp thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc do những thay đổi lớn về quy hoạch thì Nhà nước phải bồi thường, đền bù cho nhà đầu tư, không phải chia sẻ theo tỷ lệ 50 % - 50%...

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, trong đó có điều kiện xác định việc giảm doanh thu phải do lỗi từ phía Nhà nước, cụ thể do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi.

Khi doanh thu giảm mà không phải do các nguyên nhân này thì không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu. Tỷ lệ 50%-50% khi chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu thể hiện đúng bản chất chia sẻ rủi ro, bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân và bảo đảm minh bạch, rõ ràng hơn so với trường hợp thực hiện đàm phán, quy ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giữa các bên. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.