30 năm người Việt mới cao thêm được 4 cm

TS Vũ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam chia sẻ thông tin về việc đầu tư và phát triển của ngành sữa Việt Nam.
TS Vũ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam chia sẻ thông tin về việc đầu tư và phát triển của ngành sữa Việt Nam.
TPO - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai cho biết như vậy tại Hội thảo chuyên đề về ngành sữa Việt Nam do Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam tổ chức.

Theo TS Lê Bạch Mai, hiện nay, trung bình chiều cao của người Việt Nam kém người Nhật Bản 8 cm, trong khi trước đó chúng ta thường ví người Nhật Bản là lùn. Điều đó cho thấy, dinh dưỡng tốt hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng “thấp bé nhẹ cân” chứ không phải hoàn toàn do nòi giống.

Trong dinh dưỡng, sữa là yếu tố quan trọng bậc nhất để giúp cải thiện chiều cao. Do vậy, sự phát triển của Ngành sữa Việt Nam trong những năm qua là điều kiện quan trọng để nâng cao tầm vóc người Việt.

TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, ngành sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về Công nghệ chế biến, chăn nuôi bò sữa trong những năm qua.

Ngành chế biến sữa trong nước đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại ra đời, có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới mà điển hình nhất là 2 nhà máy chế biến sữa của công ty Vinamilk.

Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng trên diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, đặt tại tỉnh Bình Dương và tập trung vào các sản phẩm sữa nước.

Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít, đây được xem là nhà máy mega có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, với hệ thống sản xuất tự động khép kín từ đầu vào đến đầu ra, robot  thông minh vận hành, hệ thống kho thông minh…

Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam cũng của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/một năm cũng được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á.

Đây là niềm tự hào của ngành chế biến sữa Việt Nam khi có được những nhà máy tầm cỡ thế giới và đứng đầu khu vực về công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, Công ty Frieslandcampina Việt Nam cũng tập trung đầu tư vào phát triển vùng chăn nuôi. Công ty CP Sữa Quốc tế IDP hỗ trợ vốn cho bà con nông dân để phát triển thêm đàn bò. Công ty Sữa Mộc Châu cũng lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng,…

Mới đây nhất, ngành sữa Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi Vinamilk đoạt giải thưởng công nghiệp Thực phẩm toàn cầu IUFoST 2014 tại Canada.

Với giải thưởng lần này, sản phẩm sữa nước của Vinamilk đã vượt qua hơn 100 sản phẩm được đề cử đến từ 70 quốc gia để lọt vào vòng chung kết và đoạt giải thưởng Công Nghiệp Thực phẩm Toàn Cầu 2014. 

Điều đáng ghi nhận là trong tất cả đề cử tranh giải từ các nước trên thế giới, chỉ duy nhất Vinamilk đến từ Việt Nam là doanh nghiệp thuộc ngành sữa đoạt giải.

Giải thưởng Công Nghiệp Thực phẩm Toàn cầu 2014 là một giải thưởng có quy mô quốc tế lớn, trong khuôn khổ hội nghị khoa học và công nghệ thực phẩm thế giới được tổ chức 2 năm 1 lần và đây là lần thứ 17, quy tụ các nhà khoa học danh tiếng toàn cầu trong lĩnh vực thực phẩm.

Theo nghiên cứu của công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, các sản phẩm sữa nước giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12 % ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15 %...là  những mặt hàng sản xuất chủ yếu trong nước.

Riêng mặt hàng sữa bột, theo thống kê của Bộ Công Thương thì 5 tháng đầu năm 2014 sản lượng  sản xuất tăng 5,52 % so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy mặt hàng này đã dần chiếm thị trường trong nước với sản lượng ngày càng tăng . Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại Châu Á có xuất khẩu sữa. 

MỚI - NÓNG