Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak:

300 năm nữa, Việt Nam mới sạch bom, mìn?

300 năm nữa, Việt Nam mới sạch bom, mìn?
TP - Với tốc độ rà phá bom mìn, vật nổ của cả nước khoảng 20.000 ha mỗi năm, để làm sạch 6,6 triệu ha ô nhiễm bom mìn trên cả nước, cần khoảng 300 năm và trên 10 tỷ USD, đại diện Trung tâm Công nghệ Xử lý Bom mìn (BOMICEN) cho biết hôm qua tại Hà Nội.
300 năm nữa, Việt Nam mới sạch bom, mìn? ảnh 1
Chiến sỹ công binh rà phá bom, mìn tại một điểm của dự án 

Dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam (Dự án) do BOMICEN thực hiện, trong đó có sự hỗ trợ về kỹ thuật của Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) đã kết thúc.

Sau bốn năm thực hiện, từ năm 2004 đến hết năm 2008, Dự án đã bàn giao cho các địa phương sử dụng 1.300 ha đất đai ô nhiễm sau khi phát hiện và xử lý được hơn 24.000 vật nổ, bom, mìn. Tuy nhiên, 1.300 ha chỉ là một phần trong hơn sáu triệu ha đất ô nhiễm bom, mìn trên cả nước.

Lượng bom mìn, đạn và vật nổ  do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là hơn 15 triệu tấn (mật độ bình quân 46 tấn/km2), nhiều gấp 3,9 lần so với Đại chiến Thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với Chiến tranh Triều Tiên.

“Ước tính, năm 2050 mới làm sạch được một nửa diện tích ô nhiễm bom, mìn trên cả nước. Năm 2025, dự kiến đề xuất Chính phủ đầu tư ba tỷ USD cho công tác này” - Đại tá Phan Đức Tuấn, Phó Tư lệnh quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, nói.

Theo tính toán của Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc BOMICEN, kiêm Giám đốc Dự án, để dọn sạch bom, mìn trên cả nước phải mất 300 năm nếu với tốc độ 20.000 ha mỗi năm như hiện nay.

Bà Nguyễn Thu Thảo, Trưởng đại diện VVAF cho biết, mục đích của Dự án là lập bản đồ về tình hình ô nhiễm bom, mìn và các tác động của nó đối với đời sống, kinh tế, xã hội.

Với hy vọng, báo cáo kết quả của dự án điều tra, khảo sát sẽ giúp ích cho lãnh đạo chính quyền các cấp có cơ sở để xác định các giải pháp phù hợp nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một thực hiện thành công việc “điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” tại hơn 300 xã thuộc ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Thời gian tới, sẽ triển khai Kế hoạch quốc gia về lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn đối với 57 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự kiến, đến 2013 thành lập xong bản đồ ô nhiễm bom mìn. Năm 2020 sẽ lập kế hoạch cụ thể đối với từng vùng cần thực hiện.

Sáu tỉnh, nằm trong dự án khảo sát vừa kết thúc, sẽ được tiếp quản, chia sẻ thông tin về kết quả của dự án. Sau đó, họ sẽ chủ động đề xuất chính phủ hoặc tự bản thân đưa ra các dự án, đề án kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, hay sự giúp đỡ từ Chính phủ để thực hiện việc rà phá bom mìn tại địa phương họ.

Kết thúc giai đoạn hai, đã có kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của hơn 1.000 xã, phường thuộc sáu tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi với số tiền hơn hai triệu USD.

Theo kết quả khảo sát của Dự án, Quảng Trị là địa phương có diện tích và tỷ lệ bom, mìn, vật nổ cao nhất. Toàn bộ 138 xã, phường, thị trấn của tỉnh này bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Tiếp đến là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, và Thừa Thiên Huế. Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ít hơn cả.

Các loại bom mìn còn sót lại là bom phá, bom bi, các loại đạn pháo, cối, lựu đạn, mìn bộ binh, mìn chống tăng…Thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ thả xuống sáu tỉnh này gần 4,4 triệu đơn vị nổ trong đó chủ yếu là bom và hoả tiễn.

Riêng với sáu tỉnh miền Trung trong Dự án điều tra, ước tính đến năm 2015, có thể làm sạch được một phần ba diện tích ô nhiễm bom mìn. Hiện tại đang có bảy dự án cho chương trình hành động này tại sáu tỉnh, dự kiến sẽ trình Chính phủ để đưa vào các dự án kêu gọi vốn vay ODA, Đại tá Phan Đức Tuấn cho biết thêm.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak:

Vẫn sẵn sàng tài trợ cho những đề án tốt

300 năm nữa, Việt Nam mới sạch bom, mìn? ảnh 2
Ông Michael Michalak
Trong các giai đoạn tiếp sau của Dự án (Dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam do Trung tâm Công nghệ Xử lý Bom mìn thực hiện, có sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam), có hay không nguy cơ ngân sách sẽ giảm dần, thưa ông?

Ông Michael Michalak: Đúng là có việc ngân sách sẽ giảm trong những giai đoạn tiếp theo, do căn cứ vào chương trình hành động đối với các quốc gia và địa phương chịu hậu quả của bom mìn trong chiến tranh.

Ngân sách cho dự án sẽ giảm có phải đồng nghĩa với việc tình hình ô nhiễm bom, mìn, vật nổ tại Việt Nam cũng giảm dần?

Tôi không dám khẳng định điều này. Nhưng trên cơ sở hỗ trợ các bạn thực hiện dự án điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình ô nhiễm bom, mìn, vật nổ tại Việt Nam sau chiến tranh, phía Mỹ giúp Việt Nam có được bức tranh tổng quát, số liệu cụ thể nhất về những khu vực vẫn còn bom, mìn tồn tại.

Khi năng lực của các quốc gia đủ để có thể tự hành động một mình, phía Mỹ sẽ giảm dần lượng ngân sách, để dành cho các vùng khác cũng cần tới những dự án như này.

Như ông biết, để dọn sạch bom, mìn, Việt Nam phải mất 300 năm nữa. Vậy theo ông, chúng tôi cần làm gì để tiếp tục nhận được nhiều nguồn ngân sách hỗ trợ cho những giai đoạn tiếp theo?

Việc tiếp tục, thậm chí tăng nguồn ngân sách cho các giai đoạn tiếp theo tùy thuộc vào chính các bạn. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho những giải pháp, phương án tốt mà các bạn đề ra trong công cuộc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên các vùng tại quê hương các bạn.

Phía Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với BOMICEN trong công tác rà phá bom, mìn sau chiến tranh, để giúp Việt Nam trở thành một đất nước an toàn hơn cho nhân dân của mình.

 

Kiều Oanh

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.