31 bệnh viện công Hà Nội: Thoát khỏi bầu sữa mẹ

BV đa khoa Đức Giang chuyển sang tự chủ từ năm 2018.
BV đa khoa Đức Giang chuyển sang tự chủ từ năm 2018.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Huy Sáng (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2018 đã có thêm 26 bệnh viện công của thành phố chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên, nâng số bệnh viện công của Hà Nội quản lý chuyển sang mô hình này lên 31 bệnh viện. Ông Trần Huy Sáng cho hay:

Thực hiện cải cách hành chính, Hà Nội có 17 sở giảm 56 phòng, ban. Giảm nhiều nhất là Văn phòng UBND thành phố từ 14 phòng giảm xuống còn 7 phòng. Hầu hết các sở đều giảm ít nhất từ 1-2 phòng ban. Đơn vị sự nghiệp công khối sở ban ngành của thành phố giảm 47%, tương đương 121 đơn vị. Trong đó chuyển đổi theo hướng sáp nhập và tự chủ tài chính. Khối quận huyện giảm 53% số đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến hết năm 2017, ngân sách thành phố không phải “nuôi” 7.700 cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập.

31 bệnh viện công Hà Nội: Thoát khỏi bầu sữa mẹ ảnh 1

Năm 2018, Sở Y tế đã đăng ký chuyển 26 bệnh viện công sang tự chủ chi thường xuyên. Ngay từ đầu năm 2018, các bệnh viện này đã tự đăng ký hoạt động theo cơ chế tự chủ, không phải cấp kinh phí nhà nước cho chi thường xuyên.

Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính có tác động ra sao đến chất lượng phục vụ người bệnh, thưa ông?

Với 5 bệnh viện đã thực hiện tự chủ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thu nhập của cán bộ, viên chức được tăng thêm. Ví dụ như Viện Tim, Hoè Nhai, Phụ sản Hà Nội. Điều quan trọng là các bệnh viện được chủ động sáng tạo, đổi mới trang thiết bị, tiệm cận hơn với trình độ cao của thế giới. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại đã được đầu tư cho khám chữa bệnh. Nhiều nguồn lực đã được huy động cho công tác khám chữa bệnh. Trong khi đó trước đây do thiếu máy móc hiện đại, nhiều bệnh nhân đã phải ra nước ngoài chữa bệnh, rất tốn kém. Cần trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện. Dịch vụ của các bệnh viện được tự chủ đã có sự đổi mới rõ rệt, nhất là với dịch vụ chất lượng cao.

Như vậy, theo cơ chế này, những bệnh viện phục vụ kém thì có thể rơi vào tình trạng bị người bệnh quay lưng, thu không đủ chi?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên bên cạnh đó thành phố cũng có cơ chế tạm gọi như “phao cứu sinh” để hỗ trợ những bệnh viện chưa thu hút được nhiều bệnh nhân nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh.

“Phao cứu sinh” liệu có làm cho lãnh đạo các bệnh viện ỷ lại, thiếu quyết liệt đổi mới chất lượng dịch vụ, thưa ông?

Kết quả tự chủ từ 5 bệnh viện công đầu tiên của thành phố đã chứng minh là không có lãnh đạo bệnh viện nào muốn quay lại cơ chế cũ. Không ai muốn chui vào cái rọ cũ đâu! Tôi cho rằng sự hỗ trợ của thành phố sẽ không làm các bệnh viện tiếp tục sống dựa dẫm vào ngân sách mà sẽ nỗ lực hết mình để được quyền tự chủ, được chủ động sáng tạo, được làm việc hết mình, có thu nhập cao hơn, được quyền quyết định các vị trí nhân sự, quyền tuyển dụng nhân sự...

Thưa ông, giao quyền liệu có dẫn đến tình trạng độc quyền không?

Chúng ta không lo ngại điều này. Không có chuyện là bệnh viện này có dịch vụ tốt, có máy móc, thuốc tốt mà lại tự ý nâng giá cao lên. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thổi còi ngay. Quản lý nhà nước sẽ giám sát các bệnh viện về việc này. Khi giao quyền tự chủ cho các bệnh viện thì quản lý nhà nước sẽ làm tốt hơn trách nhiệm chính của mình, thanh tra, giám sát tốt hơn.

     Cảm ơn ông.

5 bệnh viện đã tự chủ từ năm 2017: BV đa khoa Xanh Pôn, BV đa khoa Hoè Nhai, BV Phụ sản Hà Nội, BV Ung bướu Hà Nội, BV Tim Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.