3/10, bão cấp 12 sẽ vào từ Thanh Hóa đến Quảng Bình

3/10, bão cấp 12 sẽ vào từ Thanh Hóa đến Quảng Bình
TPO - Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết dự báo đến 3/10 bão số 5 sẽ vào đất liền với cường độ bão mạnh cấp 12. Sau khi vào bờ bão giảm xuống cấp 10 - 11,  tâm bão có thể đi vào từ vĩ tuyến 14 đến 20 (từ Thanh Hoá đến Quảng Bình).
3/10, bão cấp 12 sẽ vào từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ảnh 1
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 5 lúc 16h hôm nay. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư chiều nay, ông Tăng cũng cho biết hiện các cơ quan dự báo khí tượng quốc tế có dự báo khá khác nhau về hướng đổ bộ của bão số 5 như đều nhận định cơn bão này chắc chắn sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam vào khoảng cuối ngày 3/10.

Cơ quan khí tượng Hồng Kông dự báo cơn bão sẽ đi vào chân vĩ tuyến 18 thuộc địa phận Hà Tĩnh. Mỹ dự báo vào Quảng Bình, Nhật dự báo sẽ di chuyển trên vĩ tuyến 19 hướng vào địa phận tỉnh Thanh Hoá.

Theo ông Tăng, cơ quan dự báo khí tượng VN dự báo nhiều khả năng bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Nghệ An và vào đêm 3 rạng sáng 4/10 bão sẽ đi vào đất liền. Do diễn biến phức tạp của cơn bão nên thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được hính xác bão sẽ di chuyển chính xác vào tỉnh nào. Tuy nhiên có thể xác định được tâm bão có thể đi vào từ vĩ tuyến 14 đến vĩ tuyến 20 (từ Thanh Hoá vào đến Quảng Bình).

GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cũng cho biết do ảnh hưởng của bão, từ tối mai, 2/10 sẽ có mưa nhỏ và vừa, một số nơi mưa lớn ở Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Vùng biển Quảng Ngãi và Quảng Bình sẽ có gió giật trên cấp 10.

Cũng theo ông Tăng, dự báo đến 16h ngày mai, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120 km về phía đông nam. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km.

Đến 16h ngày 3/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ bắc; 107,9 độ kinh đông, trên vùng biển nam vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 210 km về phía đông. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11.

1 ngư dân thiệt mạng, 2 tàu chưa liên lạc được

Theo báo cáo của lực lượng biên phòng. Đến 14h hôm nay các địa phương đã kêu gọi được 25.183 tàu/164.613 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh.

Theo thống kê, khu vực từ 14 độ vĩ Bắc trở ra Quảng Ninh có 9.905 tàu/66.745 ngư dân đang di chuyển tránh bão hoặc đã vào nơi neo đậu an toàn. Khu vực nguy hiểm (Hoàng Sa đến Hải Nam có 9 tàu/134 ngư dân trong đó có 5 tàu/66 ngư dân Quảng Ngãi vào tránh bão ở đảo Trụ Cẩu (Trung Quốc). Hiện vẫn còn 4 tàu/68 ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi chưa liên lạc được.

Cũng theo báo cáo của lực lượng biên phòng lúc 22h ngày 30/9 trên tàu BT 1576TS có ngư dân Lê Văn Đẩu (SN 1966) ở Bến Tre ngồi trên thúng câu mực ở khu vực Hòn Chuối/Cà Mau bị sóng to gió lớn đánh lật thúng mất tích, hiện chưa tìm thấy xác.

Lúc 6h30 hôm nay, tàu QNg 4656 do anh Lê Quang ở Quảng Ngãi làm thuyền trưởng trên đường vào trú bão tại Thuận  An, anh Sơn, thuyền viên trên tàu bị rơi xuống biển. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng biên phòng đã tìm kiếm và đến 12h đã cứu và đưa được người vào bờ an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1 tàu của Quảng Nam  với 22 ngư dân và 1 của Quảng Ngãi với 9 ngư dân vẫn chưa liên lạc được.

Sẵn sàn phương án di dời dân khi bão vào

Tại cuộc họp chiều nay, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cần dự báo sớm địa điểm bão đổ bộ khi vào bờ cũng như những vùng ảnh hưởng của bão để có phương án đối phó. Phó thủ tướng cũng yêu cầu từ trưa mai các địa phương cấm biển không cho ra khơi đánh cá để đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng cũng nhắc các địa phương bộ ngành phải đặc biệt chú ý công tác neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền vì kinh nghiệm các cơn bão trước cho thấy dù tàu đã được neo đậu nhưng vẫn có thể bị chìm, hư hỏng và có thiệt hại về người.

Ngoài ra, các địa phương từ Thanh Hoá đến Quảng Bình phải rà soát các vùng nguy hiểm, bảo vệ người ở các đầm phá, đê điều đồng thời lên phương án chuẩn bị sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm khi bão vào bờ. Các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão cũng cần có phương án bảo vệ đường giao thông, công trình thủy điện, các bến sông, ngầm, phá trường học, và có phương án chống đói cho dân..

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đã cử hai đoàn công tác vào Hà Tĩnh và Quảng Bình để chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các địa phương mà bão có thể đi qua.  

MỚI - NÓNG