Chiến dịch “chạy” giấy phép lái xe ô tô

Chiến dịch “chạy” giấy phép lái xe ô tô
TPCN - Từ khi việc sát hạch tay lái sắp chuyển sang hình thức chấm điểm tự động (1/4/2006), dường như có một chiến dịch chạy đua để lấy giấy phép lái xe ô tô sớm bằng mọi giá…

Trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Lỗi phần lớn thuộc về những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Dư luận không thể không đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo và cấp GPLX.

Từ những GPLX “chạy”!

Một cán bộ ở cơ sở đào tạo lái xe từng nói rằng, đào tạo và cấp bằng là chuyện của chúng tôi, còn đi được ra đường hay không là chuyện của người học. Câu này không phải là không có lý.

Hiện nay, không ít những chiếc xe ô tô do người mới nhận giấy phép lái xe (GPLX) tham gia giao thông, có trình độ, kỹ năng xử lý chưa đạt yêu cầu an toàn vẫn “gồng” lên ra đường. Các thành phần tham gia giao thông khác lại vẫn cứ nghĩ một cách ngây thơ rằng đã ngồi lên xe 4 bánh thì ai cũng điều khiển tốt!

Thế nên các xe máy cứ len lách, đánh võng, vượt phải, tạt đầu xe ô tô thường xuyên. Một đồng nghiệp - người mới nhận GPLX chưa đầy 1 tháng - mấy lần đã phải văng tục sau những pha lạnh sống lưng vì bị xe máy tạt đầu chiếc Vitara anh lái đang lúc Hà Nội giờ tan tầm: “Cứ tưởng thằng nào cũng lái giỏi à! Tan xác có ngày!”. Khổ một nỗi, trên đường Hà Nội hiện nay, không hiếm những người mới nhận GPLX như thế.

Anh Đ. bạn tôi làm trong lực lượng vũ trang, muốn học lái xe, nhưng thời gian của anh thì lại có rất ít, cuối năm 2005 đang hồi các trung tâm đào tạo lái xe quá tải, nên qua một mối quen biết, anh học lái kiểu... cóc nhảy.

Lý thuyết thì đỡ vì thi trên máy tính cứ kiếm chiếc đĩa về cài đặt, tự luyện 1 tuần với “cẩm nang” 300 câu hỏi và một số mẹo được giáo viên hướng dẫn là ổn. Còn học thực hành đâu được 5 buổi, mỗi lần leo lên xe là mồ hôi ướt đẫm lưng dù đang là những ngày rét nhất của mùa đông. 

Ấy thế mà hơn tháng sau, vào một ngày cuối năm 2005, anh vẫn đi thi (người quen đưa tận lên Trung tâm sát hạch của một tỉnh cách Hà Nội 80 cây số).

Với người thấp đậm, anh kể lại: “Do tao chân ngắn nên đạp côn không hết, xe cứ nhảy chồm chồm, ông sát hạch viên phải đỡ cho. Hết 10 bài sát hạch, ông ấy dặn anh lái kém lắm, về Hà Nội đường đông, anh phải luyện thêm nhiều nữa đấy, không thì tai nạn như chơi”.

Tất nhiên, để được “đỡ” cho như thế, ngoài tiền bồi dưỡng đóng theo nhóm ngay khi leo lên xe, anh đã kẹp trong tập hồ sơ chấm điểm (để đưa cho sát hạch viên) mấy trăm ngàn.

Đó là trường hợp còn có đôi tháng đi học. Cách đây 2 tuần, P. - một người quen do có quan hệ mà trong vòng có chưa đầy một tháng từ lúc “nhập môn” đã đi thi và thi đỗ.

P. và 3 bạn cùng nhóm chỉ tập được có 4 buổi, lang thang trên đường Láng - Hòa Lạc chứ chưa hề dám đi vào một mét nào trong nội thành, rồi đi thi. Đã được “gửi gắm” từ trên, nên lúc thi, sát hạch viên vừa khích lệ vừa đỡ lái cho nhiều và đạt.

Thi xong rồi, đang chờ nhận bằng nhưng, anh bạn P. vẫn sởn da gà, lắc đầu quầy quậy: “Em không dám bước lên xe đâu, phải luyện thêm ít nhất 30 buổi nữa, đi trong nội thành cho quen rồi mới chạy xe được, ông thầy dạy lái bảo thế”!

Một năm qua, ở Hà Nội, tỷ lệ đăng ký ô tô tăng nhanh và số vụ tai nạn ô tô cũng tăng; đa phần do lái xe không chấp hành Luật Giao thông. Một CSGT thường xuyên trực tiếp giải quyết những vụ tai nạn giao thông (TNGT) cho biết, khi nghe hỏi về một biển báo giao thông hết sức đơn giản, nhiều lái xe trực tiếp gây tai nạn... không biết.

“Những trường hợp như vậy, nếu chúng tôi kiểm tra sát hạch, chắc phải thi mấy chục lần mới có nổi bằng lái!”.

Nhận định của cả UB ATGT và CSGT TP Hà Nội đều cho rằng: TNGT xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện là chính. Việc đào tạo lái xe bây giờ dường như đang chạy theo số lượng.

Người dân lại thường có quan điểm “tập lái cho quen tay”, không chú trọng đến học luật. Cho nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông vì những nguyên nhân không đáng có đã xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân người lái không hiểu hoặc không đọc được biển báo trên đường.

“Chạy” bằng lái xe - “Chiến dịch” có thật

Đón đầu xu hướng có thể nhiều người sử dụng ô tô sau 1/5 do được nhập khẩu xe cũ, vài tuần nay, nhiều tin đồn về việc tăng phí đào tạo, hay sẽ có “cơn sốt” bằng lái cũng được tung ra tại các cơ sở đào tạo lái xe. Hà Nội hiện chỉ có 2 trung tâm sát hạch cấp GPLX và đang hoạt động hết công suất.

Chuyện đăng ký rồi chờ 4 - 6 tháng mới được học là bình thường; có trung tâm thì khai giảng, đào tạo trong vòng 4 tháng, học viên phải chờ 6 tháng sau mới được thi sát hạch để lấy bằng như một đồng nghiệp của người viết (học ở cơ sở đào tạo lái xe Hàng không) cũng là bình thường.

Tuy nhiên, thông tin từ 1/4/2006 phải thi sát hạch thực hành lái xe chấm điểm tự động khiến người học càng lo lắng. Vì độ khó sẽ tăng lên rất nhiều. Bởi vì, từ tháng 11/2005 tại TP HCM có 3 trung tâm sát hạch thực hiện chấm điểm tự động thì kết quả là: Chỉ có 53-55% số thí sinh thi đạt trước đây thầy chấm trực tiếp, tỉ lệ này trên 80-90%.

Phải thừa nhận rằng, kết quả chấm qua máy là rất chính xác, phản ánh đúng học lực, tay nghề của thí sinh. Nhưng nhiều người lại mong muốn có bằng lái xe nhanh, muốn thi sát hạch dễ dàng, và thế là phải “chạy”.

Có hai loại  “chạy”: “chạy” (chi thêm “phí”) để “mua” thời gian, thi cho nhanh; sau nữa là “chạy” khỏi khu vực thi sát hạch  chấm bằng hệ thống máy tự động, để tiếp tục được thi sát hạch chấm thủ công.

Anh H. - một người dạy lái xe có 2 chiếc xe tập lái, đóng biên chế “thày” ở một cơ sở đào tạo Hà Nội - cho biết, nếu đăng ký học ngay từ bây giờ thì đến tháng 5 vừa vặn có bằng, giá trọn gói 6 triệu đồng.

Thế thì phải thi sát hạch chấm điểm tự động à? Trượt là chắc? - chúng tôi hỏi lại.

“Đảm bảo đỗ, tôi dạy lái và đưa các anh đi thi sát hạch ở Tuyên Quang kia mà” - Anh H. trả lời - Muốn thi sát hạch ngay trong tháng 3, tôi giới thiệu cho một địa chỉ khác nhưng giá phải hơn 10 triệu kia”.

Hóa ra đó là ông Th. - một địa chỉ đào tạo lái xe “không cần treo biển” tại quận Hoàng Mai (HN) - từ vài năm nay vẫn đào tạo lái xe bằng B2 với giá trọn gói 6 triệu đồng/học viên, được thi sát hạch trong vòng 3 tháng.

Từ nửa cuối năm 2005 đến giờ ông bận rộn không ngơi nghỉ. Ông và vợ đúng là bậc thầy trong dạy lái, nhưng học sinh của ông đều được đưa lên thi để lấy bằng ở Trung tâm sát hạch của các tỉnh cách Hà Nội 80 - 160 cây số (như Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, thậm chí Tuyên Quang). “Có thế mới nhanh được chứ Hà Nội xếp hàng cả năm bao giờ thi được”.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục đường bộ VN, chúng tôi chợt hiểu lời hứa của ông Th. là có cơ sở. Theo ông Quyền, đến thời điểm 1/4/2006  thì cả nước mới có được 12 trung tâm sát hạch lái xe bằng máy chấm điểm tự động, đến đầu tháng 7/2006 sẽ có thêm 7 trung tâm; còn trên toàn quốc thì phấn đấu đến 31/12/2006 sẽ trang bị hết máy chấm điểm tự động. 

* Năm 2005, cả nước đã cấp 210.000 GPLX ô tô, trong đó TPHCM cấp hơn 60.000 GPLX, khu vực Hà Nội cấp 30.000 GPLX (Sở GTCC cấp 19.000 GPLX, còn lại là Cục ĐBVN cấp).

Hiện toàn quốc đã cấp 1,1 triệu GPLX ô tô, trong khi đó số ô tô lưu hành trên toàn quốc là hơn 600.000 xe.

* Trên toàn quốc hiện có 135 cơ sở đào tạo lái xe; 25 trung tâm sát hạch lái xe với 1.400 sát hạch viên, trong đó 19 trung tâm  loại 1. 

Năm 2005 cấp 210.000 GPLX thì chỉ cần sử dụng hết công suất của 15 trung tâm sát hạch loại 1 là đủ. Con số tính toán của Cục ĐBVN, nếu chuyển sang thi trên máy chấm tự động thì chỉ cần một nửa số sát hạch viên.

* Phí sát hạch hình thức mới, theo quy định của Bộ Tài chính vẫn là 350.000 đồng/người/lượt (70.000 đồng cho sát hạch lý thuyết, 280.000 đồng cho sát hạch thực hành tay lái).

Học phí một khóa học lái xe bằng B2 theo quy định của Bộ Tài chính là 2,4 triệu đồng.

Như vậy là, sau thời điểm 1/4/2006, vẫn có một thời gian quá độ tồn tại song song 2 hình thức thi sát hạch chấm điểm bằng thủ công và thi bằng máy chấm tự động.

Chỉ có điều, Cục ĐBVN yêu cầu thực hiện nguyên tắc là: Trên một địa giới hành chính thì chỉ thi sát hạch theo một hình thức mà thôi, các thành phố lớn, các tỉnh thuộc khu vực đã có trung tâm sát hạch chấm điểm tự động thì bắt buộc phải thi theo hình thức mới.

Tức là, người học đã đăng ký học tại cơ sở đào tạo ở Hà Nội chắc chắn phải thi sát hạch trên máy chấm tự động. Còn một số tỉnh miền núi sẽ được thi theo hình thức cũ - chấm điểm thủ công - đến hết năm 2006. Và như thế, “chiến dịch chạy” bằng lái xe là điều đang có thật!

Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định: Chủ trương siết chặt các khâu đào tạo, sát hạch và cấp phép là nhằm vào các cơ sở, trường, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe chứ không phải nhằm vào người dân đi học, thi lấy bằng. Vì thế, năm 2006 sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe.

Cụ thể, sẽ xem xét chương trình đào tạo, cơ sở sân bãi và xe tập lái có đạt tiêu chuẩn quy định hay không. “Các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm hoàn thiện kỹ năng hành nghề cho người lái xe. Cơ sở nào tiếp tục có số thí sinh dự thi sát hạch đạt quá thấp có thể bị đình chỉ hoạt động”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.  

MỚI - NÓNG