Thảm họa trên sông Gianh:

42 người chết mà không phao cứu sinh nào được dùng

42 người chết mà không phao cứu sinh nào được dùng
TP - Thảm họa đắm đò ngày 30 Tết ở Quảng Bình, với 42 người chết trong đó có hai phụ nữ mang thai, xảy ra khi đò chỉ được phép chở 12 người nhưng có 78 người lên và vẻn vẹn sáu phao cứu sinh không được đưa ra sử dụng.
42 người chết mà không phao cứu sinh nào được dùng ảnh 1
Nỗi đau bao trùm lên cả làng Quảng Hải

Sáng 25/1 (đúng 30 Tết Kỷ Sửu), trên sông Gianh, đoạn nối ngang địa phận xã Quảng Hải và Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xảy ra vụ chìm đò đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt mạng 42 người. Hầu hết những người thiệt mạng là phụ nữ (31 người) và trẻ em (10 người).

Theo những người sống sót, khoảng 7 giờ, chiếc đò ngang do Nguyễn Xuân Quý sinh năm 1976 quê ở thôn Vân Trung, xã Quảng Hải cầm lái chở khoảng 80 người đi từ xã Quảng Hải sang bờ Bắc sông Gianh để đi chợ Tết. Khi còn cách bờ chừng 80 m, đò bị lật; những người đi trên đò bị hất xuống sông.

Ông Cao Minh Hiền ở thôn Vân Bắc, xã Quảng Hải là một trong ba người đi trên đò tự mình bơi vào bờ còn sống sót kể: Đò chở đông quá, mạn đò chỉ cách mặt nước gang tấc thôi. Khi đò còn cách bờ một quãng ngắn nữa thì bất ngờ gặp một con sóng to. Nước bắn tung tóe lên đò.

Máy nổ chạy đò bỗng dưng chết đứng. Lái đò lúng túng chẳng biết xoay xở ra sao. 78 hành khách đi trên đò, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em hoảng hốt, giẫm đạp lên nhau tán loạn. Đò lúc đó chìm hẳn.

Hàng chục con người với áo ấm đầy mình, lớp ba lớp bảy quấn vào nhau quẫy đạp, kéo nhau, lần lượt chìm xuống... Lúc này ở sông Gianh có sóng to và thời tiết buốt giá. Hàng chục người cứ bám chặt vào nhau, quẫy đạp vô vọng.

May mắn có chiếc đò dọc của anh Trần Quang Thắng (28 tuổi, ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) cùng ba người đi trên đò ngang. Anh cùng mọi người trên đò cứu sống được 36 người.

Anh Thắng kể: Khi đò của tôi đang xuôi xuống chợ Ba Đồn, thì thấy phía trước, không xa lắm, một con đò bị chìm. Tôi tăng tốc đò và vớt những người đang nổi trên mặt nước. Sau đó cùng những người trên đò lặn xuống đáy sông tìm kiếm. Muốn cứu được họ, trước hết phải giữ được bản thân mình không bị vây trong sự hoảng loạn của mọi người.

Phải lặn tận đáy, thoát khỏi sự đeo bám, rồi từ đó đưa từng người lên đò. Anh Thắng quần quật suốt cả ngày 30 Tết tại hiện trường vừa cứu người, vừa đưa các cán bộ lãnh đạo qua lại chỉ đạo việc cứu hộ, tìm kiếm.

Khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Huyện đội Quảng Trạch và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình kết hợp với Hải đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng quân sự huyện cùng 10 thuyền máy khẩn trương cứu vớt các thi thể.

Đến tối 30 Tết, vớt được 40 thi thể. Gia đình ông Thành, ông Tạo và ông Khâm có ba người tử nạn, trong đó gia đình ông Thành có chị Cao Thị Phương đang mang thai; 10 gia đình có hai người tử nạn.

Đến ngày 27/1 (mùng Hai Tết), lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể thứ 41. Đó là nạn nhân Cao Thị Toàn (45 tuổi). Sáng 29/1 (mùng Bốn Tết), lực lượng tìm kiếm tìm được thi thể thứ 42, nạn nhân cuối cùng của vụ chìm đò nghiêm trọng này. Đó là Phạm Thị Hồng (50 tuổi). Xác nạn nhân được tìm thấy ở hạ lưu sông Gianh, thuộc địa phận Thanh Khê (Thanh Trạch, Bố Trạch) cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 15 km.

Theo thông tin của Tiền Phong, chiếc đò này đăng kiểm chỉ cho phép chở 12 người, số hiệu đăng kiểm 1370 cấp ngày 25/12/2008. Không những chở 78 người, các phương tiện cứu sinh trên thuyền cũng ít ỏi (6 phao). Sợ mất trộm, chủ thuyền buộc chặt phao ở đầu mũi thuyền. Khi tai nạn xảy ra, không có một phao cứu sinh nào được dùng đến. Chủ đò bị tạm giữ tại Công an Huyện Quảng Trạch.

Khi vụ chìm đò kinh hoàng này vừa diễn ra, Huyện Đoàn Quảng Trạch được sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan Tỉnh Đoàn hình thành ngay đội xung kích tình nguyện hơn 100 đoàn viên thanh niên đến ngay hiện trường để cùng với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lo hậu sự và động viên giúp đỡ những gia đình bị nạn. Tỉnh Đoàn hỗ trợ 3 triệu đồng để giúp xã giải quyết những việc trước mắt.

Quảng Hải là một xã ốc đảo, nghèo nhất nhì của huyện Quảng Trạch. Với phong tục không để người chết trong nhà qua hai năm, nên mọi việc khâm liệm, chôn cất được tiến hành gấp gáp ngay trong đêm 30 Tết trước thời điểm giao thừa. Mãi đến gần thời điểm giao thừa, nạn nhân thứ 40 mới được hạ huyệt. 

Theo những vị cao niên trong làng nhớ lại, cách đây 50 năm, cũng trong một phiên chợ tết, đã xảy ra một vụ đắm đò làm 16 người thiệt mạng.

Theo ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, 10 năm lại đây, dọc tuyến sông Gianh có chừng năm vụ tai nạn đường sông. Nguyên nhân của các vụ tai nạn này phần nhiều do sự bất cẩn của người đi trên thuyền. Mỗi vụ thiệt mạng 1-2 người.

Theo thông tin từ ông Cao Xuân Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải, đến chiều 29/1 (mùng Bốn Tết), có 60 đoàn từ các ban ngành, doanh nghiệp, từ trung ương đến địa phương đến chia buồn và hỗ trợ 38 gia đình người bị nạn (42 nạn nhân). Tổng số tiền hỗ trợ là 1,1 tỷ đồng. Bình quân mỗi gia đình người bị nạn được hỗ trợ 24 triệu đồng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG