48 giờ tới tâm bão Cimaron vào đảo Hoàng Sa

48 giờ tới tâm bão Cimaron vào đảo Hoàng Sa
TPO - Theo ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm KTTV T.Ư, trong vòng 48 giờ tới tâm bão Cimaron sẽ vào đảo Hoàng Sa. Ngày 2/11, bão sẽ đi vào khu vực Trung trung bộ và Nam Trung Bộ nước ta.
48 giờ tới tâm bão Cimaron vào đảo Hoàng Sa ảnh 1
Dự báo đường đi bão số 7 của TT dự báo KTTV TƯ phát lúc 17h30 chiều nay

>> Hoàn thành sơ tán dân trước 17h ngày 2/11

>> Công điện khẩn của UBQG tìm kiếm cứu nạn

>> Công điện khẩn số 1741 của Thủ tướng Chính phủ 

>> 'Siêu bão' Cimaron tàn phá bắc Philippines

48 giờ tới tâm bão Cimaron vào đảo Hoàng Sa ảnh 2

Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương

Đây là thông tin được ông Thảo khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí chiều nay, 30/10 xung quanh cơn bão số 7 (bão Cimaron).

Theo ông Thảo, cơn bão Cimaron hình thành ngày 27/10 từ một cơn áp thấp nhiệt đới ở Philippines. Sau khi hình thành cơn bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ từ 15-20 km/h.

Đến sáng ngày 28/10, Cimaron đã trở thành một “siêu bão” với mắt bão khá rộng và nhanh. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 7-8 năm trở lại đây ở khu vực và là mạnh nhất đối với Philippines trong nhiều năm qua.

Ông Thảo cũng cho biết bão Cimaron khác với bão số 6 (bão Xangsane) là bão số 6 được hình thành phía đông quần đảo Philippines ở kinh độ và vĩ độ thấp hơn (vĩ độ 13) trong khi bão Cimaron hình thành ở vĩ độ cao hơn (vĩ độ 17) và thời gian hình thành bão nhanh hơn, trong 2 ngày bão đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 16.

Đến chiều nay, sau khi tàn phá một khu vực rộng lớn ở phía Bắc Philippines, bão Cimaron đã suy yếu và giảm gần 4 cấp. Đến 9h sáng nay, giờ Việt Nam, bão Cimaron bắt đầu đi vào kinh độ 17.

Phân tích ảnh chụp mây vệ tinh cho thấy cơn bão đã có nhiều thay đổi và có sự dịch chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 12km/h. Đến 16h chiều 30/10 cơn bão ở vị trí ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía đông.

Cũng theo ông Thảo, sự hình thành và cường độ của bão Cimaron khác với bão Xangsane ở chỗ đây là cơn bão cuối mùa, gió Tây Nam không còn hoạt động mạnh trong khi nhiệt độ trung bình hiện nay trên biển từ 26 – 27oC. Về động lực và nhiệt lực, đây không phải là điều kiện thuận lợi cho cơn bão Cimaron.

Một điểm khác nữa đó là bão Xangsane di chuyển nhanh hơn, tốc độ 20 – 25km/h, trong khi bão Cimaron di chuyển với tốc độ từ 10- 15km/h nên chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian để xoay chuyển trong công tác dự báo, phòng chống.

48 giờ tới tâm bão sẽ vào đảo Hoàng Sa

Ở khu vực đảo Hoàng Sa, các tàu thuyền tuyệt đối không vào tránh bão ở Hoàng Sa và hoặc về phía Nam hoặc về phía Bắc vì có thể Hoàng Sa sẽ nằm trong tâm bão đi qua.

“Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây và sẽ mạnh dần lên cấp 14, 15. Cơ quan khí tượng Bắc Kinh và Nhật Bản dự báo cơn bão sẽ mạnh lên cấp 15. Trong vòng 48 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, dao động ở vĩ độ 15,5 - 17. Trong 48 giờ tới có khả năng đi vào đảo Hoàng Sa và cường độ của báo sẽ giảm xuống dưới cấp 13”- Ông Thảo cho biết.

Cũng theo ông Thảo, do áp cao phía Bắc tăng cường trở lại, vùng biển ngoài khơi lạnh đi không đủ khả năng cung cấp năng lượng cho cơn bão duy trì, phát triển nhưng cũng không đủ làm cơn bão tan hẳn nên bão suy yếu xuống cấp 11, 12 ở ngoài khơi vùng biển phía Nam Trung Bộ.

Dự đoán về độ mạnh của cơn bão khi đi vào khu vực đảo Hoàng Sa và đất liền, ông Thảo khẳng định hiện chưa thể nói chính thức được bão Cimaron đổ bộ vào bờ sẽ mạnh cấp bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng tại đảo Hoàng Sa bão mạnh cấp 12.

Bình thường các cơn bão thường xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 7 và kết thúc thường vào tháng 12. Đối với các cơn bão đầu mùa thì bão thường có xu hướng đổ bộ vào miền Bắc và đi qua Nhật, Trung Quốc. Các cơn bão cuối mùa thường đi vào miền Trung và miền Nam. Có thể nói cơn bão số 7, là cơn bão thứ 19 ở khu vực Nam Thái Bình Dương, là cơn bão muộn của năm nay. Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều cơn bão khác.

Ông Thảo cũng cho biết trong công tác dự báo bão hiện nay ở Việt Nam sai số cho phép trong việc xác định tâm báo là 30 km. Đối với dự báo trong 24 giờ thì sai số từ 100 -120 km; 48 giờ là 250 -280 và 72 giờ sai số từ 300 – 400 km. Trong công tác dự báo bão hiện nay, Hải quân Mỹ có thể dự báo được những cơn bão trong 96 giờ.

“Từ ngày mai, 31/10, chúng tôi sẽ cho phát tin bão gần. Từ sáng 1/11, chúng tôi sẽ cho phát tin bão khẩn cấp. Nếu có không khí lạnh từ biển vào thì bão sẽ di chuyển về phía Nam theo hướng từ Quảng Trị. Chúng ta chỉ còn 3 ngày để chuẩn bị đón bão”- Ông Thảo nhấn mạnh.

Nếu không có thay đổi gì lớn về môi trường và hướng di chuyển thì cơn bão số 7 sẽ gây mưa và lũ lớn ở miền Trung, chủ yếu ở khu vực Trung Trung bộ và gây ảnh hưởng cả ở khu vực Nam Trung Bộ.

“Ngay hôm nay, do bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam nên tất cả các tàu thuyền tuyệt đối không được ra khơi. Tính từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, tất cả tàu thuyền nên di chuyển về phía Bắc. Từ vĩ độ 16 trở vào, tầu thuyền nên di chuyển về phía Nam.

Ở khu vực đảo Hoàng Sa, các tàu thuyền tuyệt đối không vào tránh bão ở Hoàng Sa và hoặc về phía Nam hoặc về phía Bắc vì có thể Hoàng Sa sẽ nằm trong trọng tâm bão đi qua.

Người dân trong đất liền cũng phải đề phòng mưa lũ lớn, lũ quét và sạt lở. Đối với người dân ở khu vực ven biển miền Trung cần sơ tán, đề phòng gió mạnh, sóng biển và nước dâng. Dự kiến sóng biển vùng tâm bão có thể dâng cao 10 – 12m, đập liên tục vào bờ gây ảnh hưởng tới các công trình lớn”- Ông Thảo cảnh báo.

Cũng theo ông Thảo với những cơn bão mạnh từ cấp 12 trở lên, hiện không có phương tiện nào có thể đo đạc được một cách chuẩn mực mà chủ yếu dựa vào ảnh mây vệ tinh, từ đó tính toán và xác định các thông số về cơn bão. Tuy nhiên việc này có thể chênh lệch, sai số.

Trước đây, do thói quen coi một cơn bão cấp 12 là cơn bão cực mạnh và nguy hiểm, hơn nữa do máy móc đo đạc còn hạn chế, nên công tác dự báo bão của Việt Nam mới chỉ dừng ở cấp 12, những cơn bão mạnh hơn đều thông báo là mạnh trên cấp 12.

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số ít máy móc đo được sức bão trên cấp 12. Tuy nhiên, do yêu cầu mở rộng thông tin, đòi hỏi phải có những vấn đề so sánh tương quan, chúng tôi phải công bố cấp 13 trở lên và trong thời gian tới sẽ nâng cấp, cải tiến thiết bị tốt hơn cho những cơn bão mạnh trên cấp 12.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ nhập các thiết bị mới cho một số để có khả năng đo được những cơn bão ở mức lớn hơn cấp 12 hiện đang được sử dụng tại hơn 100 trạm quan trắc ở Việt Nam”- Ông Thảo cho biết.

Hồi 16 giờ chiều nay (30/10), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 118,7 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm (16 giờ chiều ngày 31/10 bão có vị trí ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía đông). Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 - 150km tính từ tâm bão.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km (16 giờ chiều ngày 1/11 bão có vị trí ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 113,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía đông). Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội. Đề nghị tầu thuyền hoạt động trên khu vực bắc và giữa Biển Đông khẩn trương tìm nơi tránh bão theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Thủy sản.

Đây là một cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo bão tiếp theo.

Nguồn : TT dự báo KTTV TƯ

MỚI - NÓNG