5 năm đi xin khai thác rừng... của mình

5 năm đi xin khai thác rừng... của mình
Từ 5 năm nay, ông Nguyễn Văn Yên (TX Bắc Kạn) cầm đơn đi “gõ” cửa các cơ quan của tỉnh Bắc Kạn để xin được khai thác rừng mình trồng, nhưng vẫn chưa có lời đáp.
5 năm đi xin khai thác rừng... của mình ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Yên.

Năm 1990, nhân dân khu phố Đội Thân (TX Bắc Kạn) vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Văn Yên đã ngoài ngũ tuần lại đi bán hết nhà cửa, hoa màu ở phố để… vào rừng Khuổi Rẹt hoang vắng làm lán ở.

15 năm ở rừng nhọc nhằn, lao động cật lực, rừng ông trồng đã được thu hoạch. Nhưng thật trớ trêu, suốt 5 năm nay ông đến các cơ quan của tỉnh Bắc Kạn xin được khai thác rừng mình trồng, mà chưa được hưởng trọn vẹn thành quả của mình.

Bỏ phố vào rừng

Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Yên ở phố Đội Thân những năm 80 của thế kỷ trước không có gì làm sung túc, nhưng cũng không thể gọi là khó khăn. Thế nhưng hàng ngày ông ngồi nhìn đàn con mỗi ngày một lớn mà nghĩ mai này ở phố không có nghề rồi sống ra sao.

Đắn đo, suy nghĩ trong nhiều ngày, lại có mối quan hệ quen biết với ông La Đình Chi lúc đó đang là Giám đốc Lâm trường Bạch Thông (nay là Lâm trường Chợ Mới) nên ông quyết định bán toàn bộ nhà cửa, tài sản tại phố để  “dinh” vợ con vào rừng Khuổi Rẹt, xã Thanh Mai (lúc đó còn thuộc huyện Bạch Thông, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) để trồng rừng.

Vào rừng ở, ông biết là sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng một số cán bộ ở Lâm trường Bạch Thông nói với ông rằng có thể định cư lâu dài trong đó để trồng rừng, nên ông hy vọng mình sẽ làm nên nghiệp lớn.

Vào rừng Khuổi Rẹt, ông chặt cây dựng lán ở tạm. Trong rừng thiếu sáng, độ ẩm cao, cây tươi nên lán vừa làm xong thì cũng bắt đầu mọt. Với chiếc lán như của những người đi làm vàng lại bị mối mọt, vợ con ông phải chui rúc trong đó gần một năm trời mới dựng được ngôi nhà mới.

Nhưng đấy không phải là nỗi khổ duy nhất, hàng ngày làm bất cứ việc gì cũng phải kết thúc trước khi trời tối để chui vào màn tránh muỗi. Nếu như sơ sểnh làm tắt đèn, bếp tàn thì phải luồn rừng trở ra 3 cây số mới xin được lửa. Đến hôm nay, ông nhớ lại cảnh này mà vẫn rùng mình.

Hồi đó, Lâm trường Bạch Thông cho ông trồng rừng theo dự án PAM 3352 từ năm 1991 đến 1994. Đất trống đồi trọc ở Khuổi Rẹt bạt ngàn, lại được dự án cấp gạo, giống để trồng rừng nên ông vui lắm, chỉ biết làm và làm, thậm chí sẵn lưng vốn ông còn thuê dân địa phương phát thực bì, trồng rừng cho mình mà không nghĩ đến việc ký kết, hợp đồng này nọ với lâm trường.

Chừng ấy năm trồng rừng miệt mài, rồi lại ngày đêm chăm sóc, bảo vệ đến nay ông đã có 12 ha quế, 4 ha trúc, 3 ha mơ, 19 ha mỡ…xanh tốt, bắt mắt lắm.Với những thành quả này, ông được đi báo cáo điển hình tận Trung ương, tỉnh, huyện không biết bao nhiêu lần mà kể.

Thế nhưng, toàn bộ số cây trên được trồng trên đất của lâm trường. Và đây chính là nguyên nhân làm  cho ông phải vào huyện, lên tỉnh trong suốt 5 năm qua.

5 năm đi xin khai thác rừng của mình

Chừng ấy năm trời chỉ lo toan làm sao đất trống thành rừng, một số loài cây ông trồng tới đây mới cho thu nhập, thành ra vốn liếng trong nhà dần cạn kiệt. Năm 2000, sau 10 năm rừng mỡ đã lớn, có thể tỉa thưa để bán lấy kinh phí trang trải cuộc sống. Ông xin các cơ quan chức năng cho chặt tỉa.

Lần đầu tiên ông đến, lâm trường Chợ Mới khí thế lắm, nhưng những lần sau ông càng thấy buồn, nỗi buồn ngày một trĩu nặng vì không thỏa thuận được cái sự “ăn chia”. 

Lâm trường đòi ông phải chia lại từ 50 – 70 ngàn đồng/m3. Theo ông Yên thì đây là mức chia quá cao. Trong khi lâm trường không hề bỏ công hay chi phí gì.

Cũng vì thế ông không thể tỉa rừng, trong khi cuộc sống hàng ngày thì tằn tiện kham khổ.Vợ ông theo ông vào rừng đã hơn 10 năm trời, trồng rừng cực nhọc quá mà chưa có thu nhập liền bỏ bố  con ông trong đó để ra ngoài thị xã kiếm sống.

5 năm qua, ông gửi đơn đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Kạn. Nhưng các đơn, thư đó cuối cùng đều được giới thiệu về Lâm trường Chợ Mới thuộc Cty Nguyên liệu giấy Sông Cầu  giải quyết. Vì thế ông lại tìm về Lâm trường Chợ Mới để giải quyết, thỏa thuận giữa hai bên về vấn đề “ăn chia”, nhưng ông nói là người ta đòi cao quá.

Vốn là người có ít chữ nghĩa, lại biết một số chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất, theo các dự án nên ông không chấp nhận mức “đòi” của lâm trường.

Cuối tháng 7 năm 2004, ông được Cty Nguyên liệu giấy Sông Cầu trả lời về việc của mình, trong đó Cty trả lời là sẽ chỉ đạo Lâm trường Chợ Mới giải quyết việc của ông.

Ông cho rằng đây là tin vui nhất đối với ông và ông cũng hy vọng công lao của mình sẽ được đền đáp… nên hàng ngày ông chờ, chờ mãi từ bấy đến nay mà không thấy hồi âm gì.

Gần đây, thấy ông càng già đi. Ở cái tuổi gần 70 của mình, tóc bạc, da nhăn nheo, ông không còn nhanh nhẹn hoạt bát như trước nữa. Nhiều người cũng cảm thấy ái ngại, cám cảnh cho ông vì một thời ông đã là điển hình, là mạnh dạn, là…là… nhưng đến nay lại như vậy.

Đề nghị tỉnh Bắc Kạn sớm giải quyết để ông Yên được gặt hái thành quả lao động của mình trước khi mắt mờ, chân chậm.

MỚI - NÓNG