5 người đàn bà trọc đầu và ba từ không dám nói

5 người đàn bà trọc đầu và ba từ không dám nói
Căn phòng trọ tồi tàn ở  đường Dã Tượng gần Viện K có 5 người đàn bà trọc đầu vì điều trị ung thư bằng hoá chất, tia xạ. Họ sống với nhau bằng những tình cảm đẹp như cổ tích. Nhưng khi chia tay, không ai dám nói câu: “hẹn gặp lại”...

Tôi đến, những người đàn bà trọc đầu đang ăn cơm. Mâm cơm dọn trên chiếc giường gỗ tạp, thấy xanh nhợt một rổ bắp cải luộc to đùng, nồi thịt đầy nước mà chỉ lác đác mấy miếng móng giò. Thế thôi.

Chị Trần Thị Chung, quê ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương bỏ chiếc mũ len xuống, giọng buồn như muốn khóc: “Nói thật với chú, đây là bữa ăn liên hoan của mấy chị em chúng tôi. Ngày mai có 2 cô được ra viện, tối nay ăn tươi một tí để chia tay”.

Dường như có cái gì đó đang dâng lên làm chị nghẹn lời: “Chú đừng cười, “tiêu chuẩn” của một người ở đây, cả ngày chỉ 5 nghìn bạc thôi, từng ấy tiền ăn rau cũng khó”.

5 người đàn bà đều bị ung thư vú, đều đã phẫu thuật, tia xạ, truyền hóa chất đến rụng hết tóc tình cờ gặp nhau trong một gian nhà trọ tồi tàn ở số 5 ngõ Dã Tượng. Họ nhanh chóng coi nhau như chị em một nhà.

Chị Chung “chiến đấu” với căn bệnh nan y ấy đã gần 2 năm nay. Đi viện lần đầu, phải bán con trâu “đầu cơ nghiệp”, những lần tiếp theo gà lợn, thóc gạo “đội nón ra đi”.

Sau khi của nả sạch sành sanh lại phải vay ngân hàng để  phẫu thuật, rồi truyền hóa chất. Tôi đã quyết chịu chết, nhưng chồng con cứ bắt phải đi viện”, chị Chung buông đũa bát ngồi bần thần. Chiều qua, bác sĩ bảo  chị đã có tế bào ung thư di căn độ 3 rồi. 

Chị Trần Thị Tuyết quê ở huyện Lý Nhân - Hà Nam biết mình bị ung thư  vú nhưng vẫn bình chân như vại cho đến khi khối u to bằng quả ổi. “Bác sỹ cơ sở bảo phải mổ ngay, nhưng không có tiền lấy đâu mà đi. Đến khi đau quá không chịu nổi mới liều ra đây.

Phẫu thuật xong, bác sỹ kê đơn thuốc nhưng không mua, bác sỹ bảo ăn bồi dưỡng thêm, nhưng không ăn. Vì tiền đâu?”, giọng chị nghẹn lại: “Nhà tôi bây giờ, ngay cả con chó giữ nhà, con gà gáy sáng cũng bán đi rồi. Tôi nghĩ đằng nào cũng chết hay là mình bán nốt đi hai quả thận cho chồng con trả nợ, Nhưng thận của người bị ung thư chắc không ai mua”.

Chung sống với ung thư để dành tiền cho con vào đại học

Thấy không khí buổi liên hoan có vẻ chùng xuống, chị Lon ngồi bên cạnh tôi, pha trò: “5 chúng tôi đầu trọc cả, ra đường ai cũng tưởng là sư, đang định đến xin chùa Quán Sứ cho tá túc. Đầu trọc cũng hay chứ, “bám người có tóc chứ ai bám người trọc đầu” chú nhỉ” .

Chị Lon cười và trần tình rằng cả 5 chị em bám lấy bệnh viện 4, 5 tháng nay mà không ai có bảo hiểm hay bất cứ một chế độ ưu đãi nào dành cho người nghèo. Vào viện là cứ phải “tiền tươi thóc thật”. “Chị em chúng tôi khi truyền hóa chất vào, mệt quá không lê nổi xuống cầu thang phải nằm bên hành lang. Nhưng muốn nằm đó lâu cũng không được, người ta đuổi.”.

Chị Lon quê ở huyện An Lão - Hải Phòng, chồng mất đã 9 năm nay, ở vậy nuôi hai đứa con. Khi thằng con trai đầu nhận giấy báo vào đại học thì cũng là lúc chị phát hiện mình bị ung thư vú. “Chữa bệnh hay không chữa?”, câu hỏi đó cứ giằng xé chị Lon từng đêm.

Nếu quyết định lên Hà Nội điều trị thì cũng đồng nghĩa với việc con chị phải từ bỏ giảng đường đại học. Người mẹ đó đã chọn giải pháp “hy sinh”, quyết sống chung với bệnh ung thư để dành tiền cho con đi học.

Nhưng khi biết được ý nghĩ đó của mẹ, đứa con trai đã khóc: “nếu mẹ đánh đổi mạng sống lấy cái bằng đại học của con, thì suốt đời con day dứt”. Sau đó, bên nội bên ngoại nhà chị Lon thống nhất sẽ nuôi con chị ăn học, còn chị phải lên Hà Nội chữa bệnh.

Hai quả trứng gà luộc, món ăn có vẻ sang nhất được chị Tuyết bóc ra. Chị khéo léo đến kỳ lạ chia 2 quả trứng gà làm 5 phần. Trứng gà của chị Tuyết đưa từ quê ra, nhưng ở đây không ai ăn miếng ngon một mình.

Bữa cơm liên hoan kết thúc khi bóng tối trùm lên ngõ hẻm. Chị Chung bảo tối nay sẽ ca hát để chia tay nhau. Buổi chia tay sẽ không có từ “hẹn gặp lại”. Bởi nói “hẹn gặp lại” với nhau nghe có gì đó hoang đường, xa xót  lắm.

Chị Chung, chị Tuyết chị Lon... sẽ về quê với cái đầu rụng hết tóc, với một phần ngực bị cắt bỏ và những tình bạn và niềm hy vọng sống được nhen nhúm ở cái nhà trọ tồi tàn này.

Chị Lưu Thị Nguyên – chủ nhà trọ số 5 ngõ Dã Tượng lại bất hạnh theo một cách khác: chồng bị suy thận nặng đã 10 năm nay, mỗi ngày phải mất vài trăm nghìn vào viện chạy thận. Người phụ nữ  đã chứng kiến bao nhiêu lần đến rồi đi mãi của những khách trọ mắc bệnh ung thư, nói với tôi: “ Mấy chị em đó tội lắm, bữa ăn thấy ngồn ngộn toàn rau, biết là sắp đi mà đêm nào cũng hát. Nhưng chú vào hành lang viện K mới thấy còn nhiều người khổ lắm”.

Viện phí không thu bằng nước mắt 

5 người đàn bà trọc đầu và ba từ không dám nói ảnh 1
Ai cũng quàng khăn đội mũ, vì ai cũng trọc đầu...

Tôi đến cơ sở II của viện  K ở xã Tam Hiệp – huyện Thanh Trì, một vùng dở tỉnh dở quê, nơi có hẳn một xóm trọ của những bệnh nhân ung thư. Vây quanh cổng viện là những nhà trọ tồi tàn đến mức giống như lán trại của người đi rừng.

Chật chội ẩm thấp, ruồi muỗi vo ve suốt ngày nhưng vẫn còn “tươm”  hơn  ở hành lang bệnh viện. Hành lang cũng quá tải rồi, buổi trưa tôi vào thấy người ta chen nhau như cá mòi để tìm một giấc ngủ ngắn ngủi. Mặc cho gió mưa và thiên hạ ồn ào...

Tại phòng đóng viện phí , tôi thấy một người đàn ông gương mặt nhăn nhúm, đứng im với đôi mắt của một kẻ sắp rơi xuống vực. Nếu không đóng viện phí ngay, vợ ông sẽ phải ra viện sớm khi bệnh còn đang nặng.

Người đàn ông bỗng oà khóc. Nhưng bệnh viện đâu có thanh toán viện phí bằng nước mắt. Chợt nhớ số tiền 2.000 tỷ đồng bảo hiểm y tế kết dư không biết tiêu vào đâu? 2.000 tỷ! Nghe số tiền đó, chắc  người đàn ông kia sẽ không khóc được, vì không thể khóc.

Ông Đoàn Hữu Nghị, Phó Giám đốc bệnh viện K cho biết bệnh viện đang quá tải gấp 4, 5 lần, việc bệnh nhân nằm hành lang là bất khả kháng. Bệnh viện đang được đầu tư xây dựng thêm, nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh…  

MỚI - NÓNG