50 hộ dân chung một số nhà!

50 hộ dân chung một số nhà!
Một dự án thi công dở dang rồi "treo" suốt 19 năm khiến hàng chục hộ dân sống trong vùng quy hoạch tại tổ 23A phường Phương Liên quận Đống Đa, HN từng ngày phải đối mặt với những câu chuyện cười ra nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Liên - Tổ trưởng dân phố tổ 23A sống tại đây đã hơn nửa đời người. Bà cho biết: "Nếu như phường chúng tôi giành kỷ lục vì có tới hơn chục dự án treo, thì tổ chúng tôi phải giành kỷ lục về thời gian "treo" dự án: 19 năm! Lúc thì họ bảo đó là dự án cải tạo hồ Ba Mẫu, lúc lại thông báo là chỉnh trang, xây dựng công viên quanh hồ. Nhưng chẳng hiểu sao, dự án thực hiện nửa chừng bỗng dưng bỏ dở từ hơn 10 năm nay. Như con đường nhựa chạy vòng quanh hồ, làm được 3/4 thì dừng lại. Giờ người dân có muốn đi dạo bộ một vòng quanh hồ cũng chẳng được".

50 hộ dân chung một số nhà! ảnh 1
Trên mảnh đất bị quy hoạch "treo", người dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ theo đúng nghĩa đen.

Thậm chí giờ có người còn đọc chệch hồ Ba Mẫu thành "hố ga mẫu" do tình trạng ô nhiễm lòng hồ do bị cải tạo dở dang gây ra.

Bà Liên kể câu chuyện thật là cười ra nước mắt: "Tổ tôi có hơn 100 hộ, ngày trước chung địa chỉ là tổ 23A. Cuối năm ngoái, một nửa số hộ trên được đánh số nhà riêng, còn hơn 50 hộ thì vẫn chung một "số nhà" như thế.

Điều đó kéo theo biết bao hệ lụy bi hài. Khổ nhất là cứ đến mùa thi đại học là cả học sinh lẫn phụ huynh lại nhốn nháo bởi đã nhiều trường hợp giấy báo, giấy gọi thi gửi về nhà bị thất lạc.

Có nhà, ngày nào cũng sốt sắng tới nhà tổ trưởng mong ngóng. Nhà nào có người thân ngoài phố thì phải mượn địa chỉ rõ ràng để người ta gửi về cho. Có người sắp tới ngày thi đành phải lên tận trường đăng ký thi để lấy. Nhà tôi, cách đây 2 năm có đứa cháu thi đại học, giấy báo lạc vào mãi tận nhà ông Thiệu ở mé đằng trong.

Còn cuối tháng thường kỳ, những người thu tiền điện thoại, tiền nước, những người bán gas mới hầu như đều phải lòng vòng hết ngõ ngoài lại ngõ trong mà nhiều khi cũng chẳng biết chính xác địa chỉ nhà cần tới...".

50 hộ dân chung một số nhà! ảnh 2
Môi trường sống tại khu dân cư vướng dự án quá tồi tệ.

Sự chậm trễ đáng trách

Tuy nhiên, chuyện dở khóc, dở cười kể trên mới chỉ là phần đầu chuyện buồn dài kỳ của những người dân ở tổ 23. Lại còn có cả chuyện không lấy được vợ do dự án "treo" nữa chứ. Đó là chuyện nhà bà Thành, do không gian sinh sống quá chật hẹp.

Theo quan sát của PV, những ngôi nhà tại tổ 23 phần lớn là nhà cấp 4, đã xuống cấp. Do nằm trong vùng quy hoạch, các hộ dân không thể cơi nới, xây dựng, chỉnh trang chính ngôi nhà của mình. Vì thế, sự chắp vá lại càng thêm xập xệ.

Nhiều hộ dân muốn xin giấy phép xây dựng, phải cam kết sẽ không được bồi thường khi di dời. Thời gian di dời chưa biết, nơi tái định cư chưa biết, nên chẳng ai muốn bỏ tiền ra để rồi... mất trắng. Thôi thì cứ tạm bợ.

Tạm bợ đến như nhà của ông Nghiêm Tiến Dũng cách đây hơn 1 tháng một mảng lớn trần gỗ tầng 2 bỗng dưng đổ sập; nhiều mảng tường thối vữa cũng lở lói ngổn ngang và ông Tiến đành phải bỏ nhà.

Ông Ngô Ngọc Đức - một người dân còn "tố" nhiều nỗi khổ khác bên ngôi nhà rách của mình. Chỉ tay ra phía trước mặt, ông cho biết đống rác ngập quá đầu người kia cũng đã tồn tại ngót 20 năm.

"Đất dính dự án, bán chẳng được, ở chẳng xong, người ta để không đấy rồi các hộ dân xung quanh biến nó thành bãi rác. Thật chẳng ngờ là trong khi mỗi tấc đất thủ đô là một tấc vàng thì ở một nơi rất gần trung tâm thành phố, đất lại biến thành bãi rác! Nó không chỉ gây ra sự lãng phí, mà còn là nguồn gốc của sự ô nhiễm môi trường sống ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dân".

50 hộ dân chung một số nhà! ảnh 3
Bức tường xây bằng gạch babanh tại nhà ông Nghiêm Tiến Dũng không được sửa chữa, nên lở lói.

Trong khi đó, nhiều hộ dân mặt ngõ lại phải sống chung với khói bụi mỗi khi xe cộ chạy qua. Nhiều nhà vì thế phải đóng cửa suốt ngày. Hệ thống thoát nước thì xuống cấp dẫn tới thực trạng "cứ mưa là ngập".

Người dân cũng phản ánh, sống trong lòng thủ đô, nhưng chỉ từ 15/10/2008, họ mới được sử dụng nước máy thay cho nước giếng khoan...

Quay trở lại câu chuyện với bà tổ trưởng dân phố, bà Liên nói: "Năm 2007, người ta có thông báo là tháng 5 sẽ khởi công để hoàn thành dự án. Rồi lại bẵng đi tới năm 2008, họ lại bảo tháng 7. Họ thông báo tại cuộc họp ở phường, rất nghiêm túc. Người dân đã trông chờ, nhưng lại phải chờ nữa, tới bao giờ?".

Các cấp thẩm quyền đã bẵng đi, đã chậm trễ quá lâu. Và với những nỗi khổ trăm bề mà người dân phải chịu đựng trong chừng ấy năm thì sự chậm trễ trên quả là đáng trách.

Theo Giang Hải - Hùng Sang
Lao động

MỚI - NÓNG