Hà Nội có thể sử dụng cảnh sát hóa trang

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh
TP - Bên lề Hội nghị triển khai Nghị định 34 do liên ngành công an, giao thông tổ chức chiều qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CA TP Hà Nội đã trao đổi với báo chí.

Việc CSGT thực hiện hóa trang theo một số chuyên đề vừa qua đã được đồng ý của cơ quan chức năng. Khi triển khai thực hiện Nghị định 34 có thể tiếp tục sử dụng lực lượng hoá trang. Tuy nhiên, CSGT hóa trang phải phối hợp chặt chẽ với các đồng chí trong một tổ. Chẳng hạn, một đồng chí hóa trang phải đi kèm hai, ba đồng chí không hóa trang và CSGT hóa trang phải mang băng đỏ. Lực lượng hóa trang chỉ làm nhiệm vụ phát hiện vi phạm, còn lập biên bản sẽ do lực lượng công khai thực hiện.

Lực lượng này nếu làm chặt chẽ thì rất tốt và chắc chắn việc xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ, đua xe, bỏ chạy sẽ có hiệu quả hơn. Trong kế hoạch của CATP cũng quy định trách nhiệm, nghĩa vụ chặt chẽ, nếu ai lợi dụng việc hóa trang để vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Khi thực hiện điều này chúng tôi đã lường trước các đối tượng hình sự lợi dụng hóa trang để chặn xe, tiêu cực. Vì vậy đã giao cảnh sát hình sự, các trinh sát phát hiện, phối hợp xử lý.

Theo Nghị định 34 người đi bộ vi phạm sẽ bị xử phạt, nhưng đối với trường hợp họ vi phạm mà không mang giấy tờ thì sao, thưa Thiếu tướng?

Tùy trường hợp sẽ có biện pháp xử lý. Có thể anh em tạm giữ người, gọi điện xác minh trường hợp vi phạm, hoặc giao cho địa bàn xử lý.

Thời gian qua có tình trạng dân phòng ở Hà Nội chặn xe người vi phạm, tới đây khi huy động nhiều lực lượng để xử phạt theo Nghị định 34, lực lượng dân phòng có quyền xử phạt, chặn xe không?

Thẩm quyền lực lượng nào được xử phạt đã được quy định rõ. Lực lượng dân phòng chỉ hỗ trợ các lực lượng khác, chứ không được xử phạt. Có nghĩa dân phòng chỉ hỗ trợ chứ không làm thay cho các lực lượng cảnh sát. Khi lập biên bản xử phạt thì phải CSGT, cảnh sát trật tự hay công an phường chứ dân phòng không được xử phạt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh.

Phạt nặng, ùn tắc, tai nạn sẽ giảm

Nhiều người lo ngại, khi tăng mức xử phạt sẽ có nhiều người vi phạm “dúi” tiền cho CSGT để không bị lập biên bản phạt nặng. Công an thành phố có biện pháp gì để hạn chế điều này, thưa ông?

Chúng tôi có thanh tra đặc biệt, kiểm tra đặc biệt, có đường dây nóng, rồi báo chí giám sát… Nhưng theo tôi, hành vi người dân đã vi phạm lại đưa tiền cho cảnh sát mà không nộp phạt, không cần biên lai, tạo điều kiện cho cảnh sát nhũng nhiễu cần phải lên án. Ban Giám đốc Công an Thành phố có quan điểm rằng, nếu phát hiện hành vi của cảnh sát nhũng nhiễu, lợi dụng điều đó để tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ tăng mức bồi dưỡng cho anh em làm nhiệm vụ để nâng cao mức sống cho anh em, hạn chế tiêu cực.

Liệu việc tăng mức phạt theo Nghị định mới thì tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông của Hà Nội thời gian tới có giảm không, thưa ông?

Việc tăng mức phạt vi phạm giao thông chúng tôi đề xuất nhiều lần, từ lâu. Còn việc giải quyết vấn đề giao thông Hà Nội, theo tôi không chỉ có xử phạt nặng mà cần nhiều giải pháp như, luật pháp, hạ tầng, giao thông công cộng, ý thức người dân... Cho nên không thể nói giải pháp này, hay việc xử phạt nặng là làm toàn bộ giao thông Hà Nội tốt hẳn.

Đây chỉ là một trong các giải pháp, chứ không thể giải quyết ngay tức khắc. Nhưng nếu các lực lượng triển khai triệt để thì giảm ùn tắc, giảm tai nạn và chắc chắn nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông vì có lỗi nâng mức phạt 2-5 lần, có lỗi tăng đến 10 lần. Tôi nói giảm vì không ai muốn mất tiền cả, không ai muốn vi phạm cả. Còn cố tình vi phạm bị phạt nặng họ cũng sợ chứ.

MỚI - NÓNG