Xây chợ phải thiện tâm như xây chùa

Chợ Xuân Khánh chuẩn bị được cải tạo
Chợ Xuân Khánh chuẩn bị được cải tạo
TP - Báo Tiền Phong ngày 6-8 có bài bài "Cải tạo chợ cũ: Vì sao tiểu thương phản ứng?" đặt vấn đề: Cần trả việc cải tạo chợ cũ, một việc cấp thiết ở nhiều địa phương hiện nay, cho doanh nghiệp. Thực tế, đã có nhiều khu chợ cũ cải tạo thành công khi doanh nghiệp cổ phần làm chủ đầu tư.

>> Vì sao tiểu thương phản đối cải tạo chợ cũ?

Chợ Xuân Khánh chuẩn bị được cải tạo
Chợ Xuân Khánh chuẩn bị được cải tạo.

Chợ An Bình ở phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ), rộng 7.000 m2, cải tạo năm 2005, từ chợ tạm nay thành chợ khang trang với gần 500 lô sạp cố định, thêm khu chợ đêm. Chợ An Hòa ở phường An Hòa (Ninh Kiều, Cần Thơ) rộng 4.400 m2, ngập nước và cực kỳ mất vệ sinh, cải tạo cuối năm 2006, nay cao ráo với 600 lô sạp cố định. Chợ Vị Thanh lớn nhất TX Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) rộng 2,1 ha, cải tạo cuối năm 2007, từ một khu chợ nhếch nhác nay sạch đẹp với 700 lô sạp cố định.

Các chợ trên hoàn thành cải tạo rất nhanh, từ 3 đến 6 tháng, khoảng thời gian mà thường những chợ do đơn vị hành chính làm chủ đầu tư sẽ chưa xong phần thủ tục. Ông Dương Văn Bé Hai, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Đầu tư chợ Cửu Long, người tham gia cải tạo các chợ trên và hiện đang cải tạo một khu chợ lâu đời và chật chội bậc nhất ở trung tâm TP Cần Thơ là chợ Xuân Khánh, cho rằng: "Cải tạo chợ để thành công, phải thật tâm làm chợ".

Thật tâm làm chợ, theo ông Bé Hai, là dồn sức cho phát triển thương mại, quan tâm đến nhu cầu của các tiểu thương. Như cải tạo chợ An Bình, diện tích chợ 7.000 m2 lúc đầu chỉ có hơn 100 lô sạp, nếu xây một vài dãy phố sẽ kiếm lời rất nhanh, nhưng chợ mau chóng chật chội, không thoáng đãng, có bãi ô tô lên xuống hàng hóa như bây giờ.

Ông Bé Hai cũng bộc bạch, để quan tâm được lợi ích của các tiểu thương, phải dám từ chối sự đòi hỏi tư lợi của một số quan chức địa phương. Chẳng hạn, việc cải tạo chợ Xuân Khánh ở phường Xuân Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) hiện đang triển khai. Chợ cũ chỉ rộng 2.000 m2, rất chật, sau khi cải tạo, để bảo đảm thông thoáng lại chỉ còn 1.400 m2, phải lên lầu và bố trí 400 lô sạp cho tiểu thương cố cựu đã khó khăn, vậy mà còn có điện thoại "xin chỗ" của nhiều quan chức. "Phải tìm cách từ chối", ông Bé Hai nói.

Tuy nhiên, quan tâm đến tiểu thương trong cải tạo chợ cũ cũng có nghĩa là bỏ ra một lần hàng chục tỷ đồng để sau đó thu tiền cắc hằng ngày, hấp dẫn kinh doanh ở đâu? Ông Bé Hai trả lời: "Cải tạo chợ để giúp hàng trăm, hàng ngàn tiểu thương có được môi trường kiếm sống tốt hơn, tăng thêm thu nhập, đây là việc làm vì cộng đồng, phải có thiện tâm như xây chùa. Nếu không nghĩ được điều này sẽ khó thành công".

Ông Bé Hai cho biết thêm, trong thời gian cải tạo chợ, còn phải kiến nghị chính quyền để miễn giảm thuế cho tiểu thương. Sự miễn giảm nhằm thúc đẩy phát triển, nhà nước cũng không thiệt, bởi chợ cũ do đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý thu không đủ chi, còn khi doanh nghiệp đầu tư sẽ có nộp thuế, nộp tiền sử dụng đất và nhiều khoản khác.

Câu hỏi cuối PV Tiền Phong đặt ra cho ông Bé Hai: "Hình như ông tâm huyết với việc cải tạo các khu chợ cũ?". Ông Bé Hai tâm sự: "Bà nội tôi bán cá ở chợ Xuân Khánh, nuôi tôi khôn lớn, thoát khỏi thân phận chăn trâu giữ vịt nên bây giờ tôi muốn trả ơn các tiểu thương".

MỚI - NÓNG