Những mảnh đời sống 'lậu'

Vợ chồng ông Tô Kiến Đức ngày đêm chờ mong các con mình có giấy tờ tùy thân để bước vào đời. Ảnh: Hải Nam (Thanh Niên)
Vợ chồng ông Tô Kiến Đức ngày đêm chờ mong các con mình có giấy tờ tùy thân để bước vào đời. Ảnh: Hải Nam (Thanh Niên)
Nhiều thanh niên đã gặp biết bao nan giải trước cánh cửa vào đời khi không có giấy tờ tùy thân.

>> Bài 1:'Công dân không quốc tịch'

Vợ chồng ông Tô Kiến Đức ngày đêm chờ mong các con mình có giấy tờ tùy thân để bước vào đời. Ảnh: Hải Nam (Thanh Niên)
Vợ chồng ông Tô Kiến Đức ngày đêm chờ mong các con mình có giấy tờ tùy thân để bước vào đời. Ảnh: Hải Nam (Thanh Niên).


Gian nan tìm việc

Tô Trịnh Xuân Hoàng, sinh năm 1989, tạm trú tại hẻm 339/79D Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM, hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Tài chính Marketing TP.HCM, dù kết quả học tập khá nhưng vì không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân nên khi xin thực tập cuối khóa, không có nơi nào dám nhận em. Tiếp xúc với chúng tôi, Hoàng buồn rầu kể: “Khi đi thực tập để làm khóa luận tốt nghiệp, em làm hồ sơ nộp cho 5-6 công ty nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Nguyên nhân là vì hồ sơ của em thiếu một thứ giấy quan trọng: chứng minh nhân dân”. Em trai của Hoàng là Tô Trịnh Xuân Thịnh, sinh năm 1992, hiện đang học năm cuối tại một trường trung cấp nghề cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ phải vất vả với gánh hàng ve chai nên lúc nào các em cũng rất mong muốn có một công việc phụ giúp cha mẹ. Hoàng và Thịnh rất nhiều lần tìm việc nhưng hầu như khi phỏng vấn, họ đều lắc đầu khi biết các em không có chứng minh nhân dân.

Không chỉ chuyện việc làm, từ chuyện mua chiếc xe máy cà tàng hay đăng ký số điện thoại cũng phải nhờ người đứng tên hộ, đến chuyện đi ra đường lúc nào cũng phải ngó nghiêng né cảnh sát giao thông vì không có bằng lái, không có giấy tờ tùy thân. “Em có tội tình gì mà luôn trong tâm trạng của một người phải sống “lậu”, giấy chứng minh nhân dân không có, muốn làm các giấy tờ, bằng cấp khác cũng không được” - Hoàng rưng rưng thổ lộ. Nghe đến đây, bà Trịnh Thị Ánh, mẹ của hai em ngậm ngùi nói thêm: “Nói thật với chú, vì các con đã lớn mà không có chứng minh nhân dân, bằng lái xe máy cũng không có nên tôi không dám cho các con ra khỏi nhà sau giờ học, một phần vì sợ các cháu bị kiểm tra giấy tờ tùy thân mà không có thì rắc rối, phần nữa là sợ các con buồn, ức chế vì không có việc làm mà sinh ra nghĩ quẩn, làm chuyện bậy...”.

"Lần đầu tiếp xúc với em, ai cũng ngạc nhiên: 22 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp đại học mà không có chứng minh nhân dân. Sau đó là họ không tin tưởng mình nữa. Cũng phải thôi, ai dám tin tưởng mà giao việc gì quan trọng cho một người "ba không" như em: không nhà, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân!" - Tô Trịnh Xuân Hoàng.

Vào khoảng năm 1980, ông Tô Kiến Đức, bố của Xuân Hoàng, Xuân Thịnh rời quê Cà Mau lên TP.HCM. Ông gặp bà Ánh và sống với nhau, không cửa không nhà, đành phải ở trọ. Năm 1989 Hoàng ra đời. Không có hộ khẩu tại thành phố nên không thể đăng ký khai sinh cho con được, vợ chồng đành phải quay về Cà Mau. Về quê, họ mới biết hộ khẩu đã bị xóa, không làm khai sinh được. Tuy nhiên, do gia đình ông có công với cách mạng nên chính quyền địa phương đã chiếu cố làm khai sinh cho con ông. Về sau, những đứa em của Hoàng cũng được làm giấy khai sinh ở Cà Mau, dù sinh ra và lớn lên tại TP.HCM.

Nhưng từ khi các con lớn lên và bắt đầu đi học thì chuyện hộ khẩu lại khiến ông càng khổ tâm hơn. Công an P.12, Q.Phú Nhuận cấp cho quyển sổ KT3 vào năm 2006. Nhưng KT3 cũng chỉ giải quyết được việc học hành chứ không thể làm giấy chứng minh nhân dân cho con vì điều kiện để làm chứng minh nhân dân là phải có hộ khẩu.

Gặp chúng tôi tại căn phòng trọ chưa đầy 10m2, ông Đức nghẹn ngào: “Mua nhà thì chắc chắn tôi không có khả năng. Còn nhờ người bão lãnh để nhập khẩu ư? Tôi đã hỏi rất nhiều người rồi, nhưng khi nghe phường nói phải nộp bản photo giấy tờ nhà đất và viết cam kết thì không ai dám bảo lãnh cả”.

Tự tin vì có... khai sinh

Một hôm, anh Tạ Minh Thành, tư vấn viên chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp phía Nam đang ngồi làm việc bỗng nhận được một cú điện thoại, đầu dây bên kia là giọng của một cô gái trẻ: “Anh ơi, em sinh con rồi, con được 3,5 kg...”. Thành hết hồn, không biết cô gái nào lại thông báo với mình về việc đã sinh con?! Nghe tiếp, Thành mới vỡ lẽ cô gái tên D., là người năm ngoái, chú Chiến và anh đã can thiệp cho cô được làm giấy khai sinh. Thành thở phào nhẹ nhõm... Đầu dây bên kia cô gái khóc thút thít và nói tiếp: “Em đã làm được giấy khai sinh cho con em rồi, rất đơn giản, dễ dàng, không khó khăn như mẹ nó...”, rồi cô tiếp tục khóc.

Khi kể lại câu chuyện này, giọng anh tư vấn viên vẫn còn xúc động: “Tôi nghe mà rơi nước mắt, tưởng rằng một việc rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với một đời người!”.

Đó là câu chuyện về Nguyễn Thị Kim D. (29 tuổi, ngụ tại quận 6, TP.HCM). Khi biết mục đích tiếp xúc của chúng tôi, cô cười hồn nhiên cho biết: trước đây cha mẹ nuôi của cô nhận cô từ một cô nhi viện. Vì không có giấy khai sinh nên D. không được đến trường và cha mẹ đã rước thầy dạy chữ về nhà dạy học, nhưng ngặt nỗi do không được đến trường nên cô không được thi lấy bằng cấp gì cả, ngay cả bằng lái xe cũng không làm được. Cô nói: “Từ ngày có giấy khai sinh đến giờ, em tự tin hẳn ra. Không như trước đây, em không dám đi đâu và sống khép nép lắm. Bây giờ em đã nhập được hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân, em đã lấy chồng và đã đăng ký kết hôn, bây giờ là giấy khai sinh cho con em. Cuộc đời em đã được thay đổi”.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG