EVN cũng dính 'quả đắng' nhà thầu Trung Quốc

Thiết bị nhập từ Trung Quốc không chỉ có mặt nhiều ở các dự án điện của nhà nước, mà còn tràn lan ở các dự án điện do tư nhân thực hiện. Trong ảnh: Một nhà máy điện tư nhân ở Lào Cai dùng thiết bị của Trung Quốc
Thiết bị nhập từ Trung Quốc không chỉ có mặt nhiều ở các dự án điện của nhà nước, mà còn tràn lan ở các dự án điện do tư nhân thực hiện. Trong ảnh: Một nhà máy điện tư nhân ở Lào Cai dùng thiết bị của Trung Quốc
TP - Trong bối cảnh điện đang thiếu trầm trọng (tới 25%), Bộ Công Thương và EVN vừa báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện các dự án điện trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI (2006 - 2015). Theo báo cáo, chính EVN cũng dính "quả đắng" nhà thầu Trung Quốc.

>> Ăn 'quả đắng' nhà thầu Trung Quốc

Thiết bị nhập từ Trung Quốc không chỉ có mặt nhiều ở các dự án điện của nhà nước, mà còn tràn lan ở các dự án điện do tư nhân thực hiện. Trong ảnh: Một nhà máy điện tư nhân ở Lào Cai dùng thiết bị của Trung Quốc
Thiết bị nhập từ Trung Quốc không chỉ có mặt nhiều ở các dự án điện của nhà nước, mà còn tràn lan ở các dự án điện do tư nhân thực hiện. Trong ảnh: Một nhà máy điện tư nhân ở Lào Cai dùng thiết bị của Trung Quốc . Ảnh: Quyền Thành

Chậm do nhân lực từ Trung Quốc sang không đủ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đang gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp với các nhà thầu Trung Quốc để giải quyết sự cố của các nhà máy điện. Tình trạng này cũng tương tự với những gì đã xảy ra với các dự án nhiệt điện do Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và do Trung Quốc làm tổng thầu (Báo Tiền Phong số ra ngày 24-9 đã nêu).

Năm 2010, EVN phải trả nợ 12.654 tỷ đồng

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng của toàn EVN năm 2010 là 58.606 tỷ đồng. Tổng trả nợ gốc và lãi vay của EVN là 12.654 tỷ đồng, tăng 2.722 tỷ đồng so với năm 2009. Tính đến 20-9-2010, EVN đã đưa vào vận hành 6 tổ máy thuộc 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 900MW. 

Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2010, lãnh đạo EVN đã nhiều lần làm việc trực tiếp với nhà thầu EPC Trung Quốc, đề ra các giải pháp để sớm đưa các tổ máy của dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 vào vận hành trở lại, tuy nhiên tiến độ khắc phục sự cố thiết bị vẫn bị kéo dài.

Việc chậm tiến độ của các dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Hải Phòng 1, theo EVN, có nhiều nguyên nhân như: nhà thầu thiếu nhân lực thi công (nhân lực từ Trung Quốc sang không đủ và thủ tục đăng ký cần có thời gian); thiết bị phụ trợ khi bị hỏng hóc phải chờ nhập khẩu nên thay thế chậm; do thời gian chạy thử kéo dài, khối lượng nhiên liệu chạy thử vượt xa dự kiến trong hợp đồng...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều dự án nguồn điện khác đang thi công cũng bị chậm tiến độ so với quy hoạch tổng sơ đồ điện VI ban đầu, như: Công trình thủy điện Bản Chát, Huội Quảng (Than Uyên-Lai Châu); thủy điện Đồng Nai 4; Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; Dự án nhiệt điện Nông Sơn (30MW) bị chậm tiến độ.

Nhiều dự án nguồn điện vận hành năm 2011 cũng được báo trước sẽ bị chậm tiến độ. Điển hình Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 (công suất 300 MW) dự kiến phát điện đầu năm 2011 nhưng sẽ phải lùi lại đến quý II của năm.

Nhiệt điện Nhơn Trạch II sẽ phải lùi thời gian phát điện của cả 3 tổ máy. Dự kiến tổ máy 1 phát điện sớm nhất vào tháng 3-2011, tổ máy 2 vào tháng 4 và tổ máy 3 phải đến tháng 10-2011 mới có thể phát điện. Trong tổng số 11 dự án nguồn điện vận hành từ năm 2012, có tới 9 dự án bị chậm tiến độ so với quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI.

Để giải quyết tình trạng thiếu điện, EVN đề nghị Thủ tướng cho phép EVN tiếp tục trưng dụng vận hành các tổ máy nhiệt điện than (Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Sơn Động, ...) trong thời gian chạy thử nghiệm trước khi cấp chứng chỉ vận hành PAC.

Cắt điện diện rộng

Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, tình hình thiếu điện đang ngày càng gay gắt hơn. Tình trạng thiếu điện đã tăng từ 25% công suất (ngày 17-9) lên 27%, khiến việc cắt điện lan trên diện rộng.

Trong tuần qua, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải sa thải phụ tải với lượng rất lớn, từ 2.828MW đến 3.250MW, để đảm bảo an ninh hệ thống điện. Tính riêng trong tuần từ 17-9 đến 23-9, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng mạnh, tổng sản lượng điện kể cả lượng điện xuất nhập khẩu đạt khoảng 2,033 tỷ kWh.

Lượng điện sử dụng trung bình ngày đạt 290,5 triệu kWh, tăng 3,9 triệu kWh/ngày so với tuần trước. Đặc biệt sản lượng điện tiêu thụ của hệ thống điện miền Bắc tăng mạnh nhất, đạt trung bình 117,1 triệu kWh/ngày, tăng 3,4 triệu kWh/ngày so với tuần trước.

Giám sát cho thấy, tình trạng thiếu điện tập trung chủ yếu vào các giờ cao điểm sáng và tối trong ngày. Lượng điện thiếu nhiều nhất vào giờ cao điểm sáng trong tuần qua là ngày 23-9 và ngày 21-9 với lượng điện thiếu lần lượt 427MW và 384MW.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, tổng sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện trong tuần trung bình đạt hơn 106 triệu kWh/ngày, giảm 6,1 triệu kWh/ngày so với tuần trước. Lượng điện phát của các nhà máy nhiệt điện cũng giảm 3,4 triệu kWh/ngày. Bù lại lượng điện do các nhà máy tuabin khí tăng tới 14 triệu kWh/ngày so với tuần trước. Điện nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trung bình 18,1 triệu kWh/ngày

Tình trạng thiếu điện gay gắt một phần do tổng công suất các tổ máy phát điện bị sự cố và tách ra sửa chữa vào các ngày trong tuần vượt 1.035MW. Từ ngày 21-9 đến 23-9 có tổng công suất các nguồn điện bị sự cố và tách ra sửa chữa lớn nhất, lên tới 2.045MW. Sản lượng điện không cung cấp được từ các nhà máy điện nói trên ước tính khoảng 21-42,4 triệu kWh/ngày.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.