Chọn được lãnh đạo tài, đất nước sẽ chuyển biến

Ông Nguyễn Trọng Bảo. Ảnh: Hà Nhân
Ông Nguyễn Trọng Bảo. Ảnh: Hà Nhân
TP - Trao đổi với Tiền Phong về việc trọng dụng nhân tài, PGS - TSKH Nguyễn Trọng Bảo - nguyên Chánh văn phòng Ban Khoa giáo T.Ư cho rằng, chúng ta đang làm một cách tự phát, dẫn đến không hiệu quả. Đất nước sẽ ngày càng tụt hậu xa hơn nếu hiền tài không được sử dụng.
Ông Nguyễn Trọng Bảo. Ảnh: Hà Nhân
Ông Nguyễn Trọng Bảo. Ảnh: Hà Nhân.

Ông Bảo nói: Có nhiều loại nhân tài. Đó là những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi; nhà quản trị, kinh doanh tài ba; nhà khoa học công nghệ đầu ngành; các giáo sư, bác sỹ, văn nghệ sỹ tài năng; các nhân tài có kỹ năng, kỹ xảo giỏi như những nghệ nhân tài năng, công nhân nghề bậc cao có bàn tay vàng, các nhạc công, vận động viên thể thao... xuất sắc.

Vai trò minh quân

Trong những người được gọi là tài mà ông vừa kể đến thì loại nhân tài nào là quan trọng nhất đối với sự phát triển của quốc gia?

Người có quyết định đến sự tiến triển của đất nước là những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, nhất là những người đứng đầu. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước có minh quân thì hiền tài xuất hiện nhiều, sỹ phu phấn khởi, nhân dân hào hứng, làm ăn phát đạt, đất nước thịnh vượng. Nhưng khi có hôn quân thì nịnh thần xuất hiện, sỹ phu ngao ngán, nhân dân ai oán, đất nước suy vong và có nguy cơ mất nước.

Do vậy, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu chúng ta chọn được người đứng đầu ở bất kỳ cấp nào cũng là người tài nhất thì đất nước chắc chắn có sự chuyển biến.

Ông đánh giá thế nào về việc phát triển nhân tài ở nước ta?

Chúng ta đang phát triển nhân tài một cách tự phát. Bên ngoài nhìn vào tưởng là chúng ta thu hút nhân tài, bài bản lắm. Tất cả các thủ khoa đều ra Văn Miếu vinh danh. Nhưng đó chỉ là tự phát, là gặt phần ngọn thôi. Hậu quả là chính sách nhân tài không hiệu quả, hình thức.  

Trong lịch sử ông cha ta đã có quy trình phát triển nhân tài gồm 6 khâu: phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ tôn vinh nhân tài khá hoàn thiện.

Cũng chính vì biết phát triển nhân tài mà dân tộc ta đã chiến thắng tất cả những đế quốc hùng mạnh. Hiếm có dân tộc nào thông minh hơn dân tộc ta. Hiền tài thời nào cũng có.

Đặc biệt, đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác đã kế thừa xuất sắc quy trình phát triển nhân tài của cha ông. Từ phát hiện, tuyển chọn và nhất là sử dụng, Bác đều thực hiện rất tuyệt vời. Khi phát hiện người tài thì Hồ Chí Minh tuyển chọn từ các quan lại của triều đình phong kiến cũ, đến những trí thức tây học, và kể cả người chống đối. Đã có hai thế hệ nhân tài thời đại Hồ Chí Minh.

Nhưng từ Đại hội IV tới nay, chúng ta chưa chăm lo thật tốt chính sách nhân tài. Trong các Nghị quyết đại hội, nhất là Nghị quyết Đại hội X (trên 10 lần đã đề cập tới) nhấn mạnh: Cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phát hiện, đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng. Trong Hội nghị T.Ư lần thứ 9 (Khóa X) năm 2009, lại thấy sự cấp bách của việc phát triển nhân tài nên đã khẳng định: Cần nghiên cứu ban hành “Chiến lược quốc gia về nhân tài”.

Nhưng rất tiếc là Nhà nước không có một đạo luật, nghị định, quyết định nào quy định rõ các cơ chế, chế độ, chính sách để thực hiện 6 khâu liên hoàn trong quy trình phát triển nhân tài. Do vậy, việc thực hiện quy trình này từ T.Ư đến các địa phương rất khác nhau, nhất là trong các khâu “chiêu hiền đãi sỹ” và sử dụng nhân tài. Có thể nói việc thực hiện quy trình phát triển nhân tài ở Việt Nam trong nhiều năm qua mang tính tự phát. Đây là điều rất đáng buồn.

Tư tưởng bình quân, cào bằng

Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến khoảng trống về chính sách phát triển nhân tài?

Đầu tiên là sự chuyển biến về mặt nhận thức. Chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của xã hội nông dân: kỳ thị, hẹp hòi. Có thời kỳ do “chủ nghĩa lý lịch” đã hạn chế việc phát triển nhân tài.

Thứ hai là tư tưởng bình quân, cào bằng của cả hệ thống xã hội, không chịu công nhận những cá nhân tài năng. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa là chúng ta đã thực hiện quá lâu cơ chế hành chính bao cấp, bình quân, cào bằng; từ đó dẫn đến không có chính sách ở tầm vĩ mô.

Nhiều người nói, Ngô Bảo Châu may mà được đào tạo đại học, sau đại học và làm việc ở Pháp, Mỹ, chứ nếu học tại Việt Nam hoặc Đông Âu thì sẽ không có Ngô Bảo Châu như ngày nay.

Có một nguyên nhân nữa là tại Việt Nam thì sau Hồ Chí Minh, chúng ta chưa thực sự kế tục sự nghiệp phát triển nhân tài của Người. Trọng dụng nhân tài thì trước hết phải trọng thị, trọng dụng, tiếp đến mới là trọng đãi. Nhưng ngay từ đầu, anh đã không nhận thức rõ “Ai là nhân tài”.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh muốn chiêu hiền, đãi sỹ chỉ chăm chăm vào những người có bằng cấp. Nhưng đâu phải người có bằng cấp cao là người tài. Có giáo sư và thậm chí viện sĩ nhưng không có sáng tạo, không có cống hiến thì không phải là nhân tài.

Tôi cho rằng, những người lãnh đạo sau này chưa mạnh dạn sử dụng nhân tài. Có cơ quan lấy người có học vị tiến sỹ về chỉ để “trang trí” cho cấp ủy, lấy tiếng là trọng dụng trí thức, nhân tài nhưng thực chất không phải như vậy.

Đâu phải người có bằng cấp cao là người tài. Có giáo sư và thậm chí viện sĩ nhưng không có sáng tạo, không có cống hiến thì không phải là nhân tài. 

Đại hội X có tư tưởng đổi mới là trọng dụng nhân tài bất kể là người trong hay ngoài Đảng, nhưng đến dự thảo văn kiện Đại hội XI lại không thấy nói.

Tôi cho rằng, trong các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI, một số điều lại thụt lùi hơn về quy trình phát triển nhân tài. Thậm chí, trong dự thảo văn kiện còn nhầm trong một số đoạn, không nói đủ 6 khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài.

Thực tế tại Việt Nam nhiều người cũng nói đến câu chuyện “con ông cháu cha”, “con cháu các cụ cả”, vậy theo ông đấy có phải cũng là một nguyên nhân khiến nhân tài chưa được trọng dụng?

Đúng là có nguyên nhân này. Hiện nay vấn đề này còn khá lớn. Nhiều trường hợp “con ông cháu cha” không thi được vào đại học chính quy, phải học hệ tại chức. Nhưng đến khi được lựa chọn vào quy hoạch cán bộ thì họ lại nắm những vị trí cao. Từ đó được nâng đỡ và trở thành cán bộ lãnh đạo. Sự thiếu minh bạch, thiếu các chuẩn mực cần thiết đã kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân - Hải Hà

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.