Hỗn loạn giá thuốc trúng thầu

Hỗn loạn giá thuốc trúng thầu
Sau bốn năm thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập, những bất cập từ quy định đến tổ chức đấu thầu thuốc bộc lộ ngày càng nhiều khiến giá thuốc ngày càng hỗn loạn.

Lộn xộn đấu thầu thuốc vào bệnh viện công - Kỳ 1:

Hỗn loạn giá thuốc trúng thầu

Sau bốn năm thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập, những bất cập từ quy định đến tổ chức đấu thầu thuốc bộc lộ ngày càng nhiều khiến giá thuốc ngày càng hỗn loạn.

Thuốc chích Meroprem 1g trúng thầu vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định chỉ có 620.000 đồng/lọ, trong khi đó Bệnh viện Chợ Rẫy là 710.000 đồng/lọ. Ảnh: Thanh Niên
Thuốc chích Meroprem 1g trúng thầu vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định chỉ có 620.000 đồng/lọ, trong khi đó Bệnh viện Chợ Rẫy là 710.000 đồng/lọ.          Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chủ trương đấu thầu thuốc của liên bộ Y tế - Tài chính là nhằm đạt được mục tiêu cung ứng thuốc chất lượng, giá hợp lý, dịch vụ chuyên nghiệp cho các bệnh viện phục vụ bệnh nhân.

Tại TP.HCM, hằng năm các bệnh viện sử dụng 1.700-1.800 tỉ đồng tiền thuốc thông qua hình thức đấu thầu. Đây cũng là số tiền ngân sách chi trả mua thuốc phục vụ bệnh nhân thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Mỗi nơi một giá!

Thị trường thuốc VN hiện có khoảng 20.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành với các tên biệt dược khác nhau, nhưng số lượng hoạt chất chỉ khoảng 1.500-2.000. So sánh danh mục thuốc trúng thầu năm 2010 của nhiều bệnh viện, chúng tôi thấy rất nhiều loại thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (gọi tắt là Bệnh viện Củ Chi) giá cao hơn các bệnh viện khác ở TP.HCM và một số tỉnh thành.

Chênh lệch giá và hoa hồng

Theo các công ty, có hai loại chênh lệch giá. Một là loại chênh lệch trong giới hạn chấp nhận được (thường là 5-7%) liên quan đến một số điều kiện mua, bán như: trả tiền chậm hay trả ngay; bên bán giao tận nơi khác với bên mua tự đi lấy hàng; khoảng cách địa lý (xa, gần khi giao hàng); dịch vụ cung ứng (hậu mãi, giao hàng trong vòng 24 giờ...).

Trong giới hạn chênh lệch từ 5-7% như vậy, nếu có thỏa thuận nâng giá thầu để hoa hồng cho ai đó thì rất khó phát hiện. Loại chênh lệch giá thứ hai thường khó giải thích là giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện nào đó cao hơn các bệnh viện khác từ 10% trở lên. “Cùng một mặt hàng, một nhà sản xuất, một nhà dự thầu vào ba bệnh viện với ba giá khác nhau, chênh lệch vài chục phần trăm chắc chắn là có tiêu cực” - một doanh nghiệp khẳng định

Đơn cử, cùng biệt dược Gazor 1g do Ấn Độ sản xuất, giá thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Củ Chi lên đến 150.000 đồng/lọ, Bệnh viện Chợ Rẫy là 130.000 đồng, trong khi trúng thầu vào Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp TP chỉ 90.000 đồng/lọ!

Cùng biệt dược Zifam 1g của Ấn Độ trúng thầu vào Bệnh viện Củ Chi 105.000 đồng/lọ, vào Bệnh viện Chợ Rẫy 95.000 đồng/lọ; biệt dược Tottizim 1g của Ấn Độ trúng thầu vào Bệnh viện Củ Chi 130.000 đồng/lọ, Bệnh viện Chợ Rẫy 92.000 đồng/lọ.

Đáng lưu ý, năm 2009 Bệnh viện Củ Chi chấm thầu thuốc tiêm Cebrex 17,5mg với giá 63.000 đồng/ống, trong khi một số bệnh viện khác ở TP.HCM và các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bình Thuận, Trà Vinh, Bình Định mua qua đấu thầu chỉ 56.000 đồng/ống.

Bệnh viện Củ Chi mua 40.000 ống với giá chênh lệch 7.000 đồng/ống so với các nơi khác thì quỹ bảo hiểm y tế phải mất thêm 280 triệu đồng cho Bệnh viện Củ Chi.

Năm 2010, Bệnh viện Củ Chi “chấm” Cebrex 17,5mg với giá 65.000 đồng/ống, trong khi các nơi khác vẫn mua như năm trước là 56.000 đồng, tính ra mỗi ống chênh lệch 9.000 đồng. Chưa hết, cũng thuốc này nhưng giá bán cho nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 (không phải qua đấu thầu) chỉ có 46.000 đồng/ống từ năm 2006 đến tháng 5-2010. Mặt hàng này do Công ty CP dược phẩm Duy Tân (Q.3, TP.HCM) dự thầu và cung ứng.

Không chỉ Bệnh viện Củ Chi, tình trạng cùng một biệt dược nhưng giá trúng thầu chênh nhau nhiều lần cũng xảy ra phổ biến ở rất nhiều bệnh viện. Qua đối chiếu danh mục thuốc trúng thầu ở một số bệnh viện, chúng tôi thấy hàng trăm mặt hàng có giá cả hỗn loạn như trên. Ví dụ như biệt dược Meroprem 1g do Công ty TNHH dược phẩm Quang Anh dự thầu trúng vô Bệnh viện Chợ Rẫy giá 710.000 đồng/lọ, trong khi trúng vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định chỉ 620.000 đồng/lọ.

Một báo cáo của Sở Y tế TP.HCM vừa qua cho thấy thực trạng giá thầu thuốc rất lộn xộn, cùng một mặt hàng do một công ty cung cấp đã trúng thầu vào các bệnh viện với giá chênh lệch đến mấy trăm ngàn đồng một lọ.

Cụ thể, Công ty Phytopharma trúng thầu mặt hàng Forane 250ml vào bệnh viện A với giá 750.000 đồng, vào bệnh viện B là 864.690 đồng, vào bệnh viện C vọt lên 1.124.100 đồng/lọ. Công ty TNHH dược phẩm Lam Sơn trúng thầu Aminoplasma 50ml vào hai bệnh viện với giá 115.500 đồng và 82.005 đồng.

Giá cả hỗn loạn!

Đối chiếu danh mục thuốc trúng thầu của các bệnh viện mới thấy giá cả hỗn loạn. Cùng một hoạt chất nhưng giá biệt dược của từng nhà sản xuất lại chênh nhau rất lớn. Đơn cử, cùng hoạt chất cefoperazon chai 1g nhưng biệt dược Bifopezon của VN có giá trúng thầu 37.800 đồng/chai, Medocef của Cyprus 86.500 đồng, Cefobis của Ý 116.300 đồng.

Cùng hoạt chất diclofenac (giảm đau, kháng viêm), một số bệnh viện chọn biệt dược VN sản xuất với giá 99-243 đồng/viên 50mg, nhưng Bệnh viện Nguyễn Trãi “chấm” biệt dược Ý với giá 3.191 đồng/viên 50mg. Thành ra cùng mua 100.000 viên diclofenac, các bệnh viện chọn thuốc VN chỉ tốn hơn 10-24 triệu đồng nhưng quỹ bảo hiểm y tế phải chi đến 319 triệu đồng mua thuốc ở Bệnh viện Nguyễn Trãi.

Hỗn loạn giá thuốc trúng thầu

Cùng một loại thuốc nhưng mỗi bệnh viện giá mỗi khác, khoảng cách chênh lệch có loại lên đến hàng trăm ngàn đồng. Việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công vì thế đang gây thiệt thòi cho người bệnh và phát sinh không ít tiêu cực.

Với hoạt chất cefixim, cùng loại viên uống, một số bệnh viện chọn thuốc VN với giá 2.200-2.800 đồng/viên, trong khi một số bệnh viện lại chọn thuốc Ấn Độ với giá 5.500-9.000 đồng/viên. Cùng đấu thầu mua 40.000 viên cefixim (hai loại hàm lượng 100mg và 200mg), có bệnh viện chỉ cần 100 triệu đồng nhưng có bệnh viện phải tốn đến 300 triệu đồng.

Với hoạt chất cefuroxime 250mg, Bệnh viện quận Thủ Đức chọn biệt dược TV - Cefuroxim giá 4.000 đồng/viên và Travinat giá 7.200 đồng/viên; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP chấm Cefuroxim giá 5.000 đồng/viên, nhưng một bệnh viện quân đội lại chọn biệt dược Rofucef của Ấn Độ với giá 9.000 đồng/viên. Các bệnh viện nói trên đều chào thầu mua 300.000 viên cefuroxime trong năm 2010, chênh lệch giữa các loại thuốc mà ngân sách phải trả là 500 triệu đến hàng tỉ đồng.

Theo các công ty dự thầu, không thể có giá thống nhất cho tất cả bệnh viện vì các bệnh viện đều tổ chức đấu thầu riêng lẻ. Giá dự thầu là giá bí mật, nếu đấu cùng giá thì có bệnh viện làm sớm, bệnh viện làm trễ, giá sẽ bị lộ và đối thủ cạnh tranh sẽ biết được dẫn đến nguy cơ bị rớt thầu.

Ông Nguyễn Minh Thành - giám đốc Bệnh viện Củ Chi - cho rằng một trong những lý do khiến giá một số thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Củ Chi cao hơn bệnh viện khác là do Củ Chi xa, yêu cầu cung ứng thuốc trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, Bệnh viện Củ Chi thực hiện kết quả thầu mới vào tháng 5, còn các bệnh viện khác vào tháng 1 nên giá cao hơn do cuối năm đôla thường biến động. Vừa qua, bệnh viện đã mời 13 công ty trúng thầu thuốc vào bệnh viện có giá cao hơn nơi khác đến giải trình. Kết quả là một số công ty này phải chấp nhận giảm giá.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG