Vẫn còn cán bộ mặt lạnh với dân

Vẫn còn cán bộ mặt lạnh với dân
TP - Ngày 9-11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp, theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010. Một ĐBQH nói rằng, có cán bộ gặp dân không cười, không nói, không giải thích…
Vẫn còn cán bộ mặt lạnh với dân ảnh 1

Báo cáo giám sát do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày cho biết: Phạm vi của cuộc giám sát được tiến hành trong cả nước (17-9-2001 đến 31-12-2009), tập trung vào các lĩnh vực: đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan. Tuy nhiên, CCTTHC còn nhiều bất cập, nhất là khâu cán bộ, công chức.

Báo cáo trước QH, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: "Còn sự nhũng nhiễu, gây khó khăn cho dân và DN. Chính phủ nhận rõ hạn chế, khuyết điểm đó và đang nỗ lực để khắc phục".

Dân vẫn kêu ca nhiều

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nhận xét: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 10 năm qua, CCTTHC có bước chuyển. Nhưng nhìn từ góc độ trách nhiệm với nhân dân, là người đầy tớ của dân như lời dạy của Hồ Chủ Tịch, như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chưa đạt.

"Dân kêu là rất cực khổ, rất sợ phải đến các cơ quan Nhà nước để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây nhà ở, xin vay vốn, cấp phép kinh doanh. Bởi theo quy định, họ phải đi lại rất nhiều lần, đến rất nhiều cơ quan, mỗi lần đến cơ quan là một lần chờ đợi: chờ nhận hồ sơ, cấp giấy hẹn, chờ đến hẹn… Nếu hồ sơ có thiếu sót, còn phải chờ đợi nhiều hơn so với thời gian đã được rút ngắn nhờ cải cách" - ĐB Hải nói và cho rằng "những câu chuyện như thế không phải là hiện tượng cá biệt trong hành trình tìm đến các cơ quan Nhà nước để xin cấp những giấy tờ cần thiết cho công ăn, việc làm của họ".

ĐBQH cũng bày tỏ quan ngại việc người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ để được việc và cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ thừa hành chưa rõ nét, các cơ quan hành chính vẫn chưa xóa bỏ được nhận định "hành" là chính trong suy nghĩ của một bộ phận người dân.

Văn phòng một cửa phòng thuế Thanh Xuân - Quận Thanh Xuân - TP Hà Nội
Văn phòng một cửa phòng thuế Thanh Xuân - Quận Thanh Xuân - TP Hà Nội. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: Phạm Yên

Chia sẻ những khó khăn của cán bộ, công chức, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nói: "Có cán bộ phải ký mấy trăm văn bản một ngày. Tôi hỏi: Ký nhiều như vậy có hư chữ ký không, cán bộ đó trả lời: Em ký chữ ký ngắn hơn trước!". ĐB Thảo thêm dẫn chứng: "Người dân phản ánh, có cán bộ khi gặp dân không cười, không nói, không giải thích, nói không có chủ ngữ. Có người rất khó gặp, gặp được thì vẻ mặt rất khó coi".

Xử nghiêm cán bộ sách nhiễu

"Người dân, DN là phía chịu nhiều thiệt thòi, trong khi cơ quan công quyền thì vô sự. Nguyên nhân là các quy định ràng buộc trách nhiệm thường rất chung chung hoặc không quy định trách nhiệm của cơ quan, hoặc người có thẩm quyền, nên người dân không có điều kiện để khiếu nại, khởi kiện. Đây cũng là nguyên nhân của nạn cửa quyền, nhũng nhiễu, tùy tiện của không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền" - ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) phân tích.

Chủ tịch HĐNDTP Hà Nội - Ngô Thị Doãn Thanh cho hay: "Các cấp chính quyền đều nhận ra những khuyết điểm đó và có những giải pháp, nhưng giải pháp chưa đủ mạnh".

ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) đề nghị: "Phải có cơ chế phát hiện khiếm khuyết của chính sách, pháp luật, đánh giá mức độ hài lòng về thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và có chế tài xử lý cán bộ vi phạm".

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, cần công khai cụ thể bộ nào, ngành nào, tỉnh nào còn chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính Phủ về CCTTHC để xử lý trách nhiệm nghiêm túc.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), Đề án 30 cho thấy bức tranh tổng thể về TTHC, đó là bước công khai TTHC và trao cho người dân, DN. Nhưng cần "Chuyển từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. Nhà nước không bao cấp những quan hệ dân sự mà hiện nay nhà nước đang làm. Chính phủ cần tiếp tục có những đề án khác để đẩy mạnh CCHC".

"Tình trạng cán bộ, công chức cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, DN về TTHC chưa cao" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Thay thế, kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu dân

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, Chính phủ đang chuẩn bị tổng kết 10 năm về cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, tổng kết việc giải quyết theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông.

Hướng chỉ đạo chung là các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý sau kiểm tra. Chỗ nào làm tốt cần động viên, có hình thức khen thưởng, chỗ làm chưa tốt là phải kiên quyết xử lý. Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có trường hợp phải thay thế, kỷ luật vì nhũng nhiễu, vi phạm.

Trong cải cách hành chính có vấn đề con người. Nếu bộ máy không tinh nhuệ, tận tâm, có trách nhiệm thì dù có ban hành bao nhiêu văn bản quy định thì cũng rất khó cho công tác này. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng thu nhập để cán bộ trực tiếp làm việc trong những lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính yên tâm làm việc.

Cho đến nay, dù nhà nước chưa nâng lương cục bộ cho bộ phận này, nhưng đã giải quyết phụ cấp cho bộ phận tiếp nhận giao dịch 1 cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

HH ghi

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.