Nhà sáng chế và chuyện cực chẳng đã

Ông Thịnh giới thiệu chiếc máy sấy cà phê đảo trộn tự động
Ông Thịnh giới thiệu chiếc máy sấy cà phê đảo trộn tự động
TP - Qua nhiều trắc trở suốt 7 năm đeo đuổi vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế đầu tiên ở Việt Nam, kỹ sư Hoàng Thịnh gắn bó với vùng nông thôn Buôn Trấp huyện Krông Ana vẫn không ngừng nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo và muốn qua chuyện mình lập được một án lệ góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh vốn được coi như chiến trường khốc liệt.
Ông Thịnh giới thiệu chiếc máy sấy cà phê đảo trộn tự động
Ông Thịnh giới thiệu chiếc máy sấy cà phê đảo trộn tự động.

Sóng gió

Krông Ana là huyện nghèo thuần nông của tỉnh Đăk Lăk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 50km về hướng Đông Nam. Tại đây, kỹ sư cơ khí Hoàng Thịnh được báo đài và chính quyền các cấp nêu gương nhiều lần về thành tích chế tạo nông cụ sản xuất.

Ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 4 bằng độc quyền sáng chế công cụ thiết bị, trong đó riêng phát minh về giải pháp hữu ích cho máy đùn gạch đã đoạt giải thưởng Sáng tạo công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2005, một trong những niềm tự hào mà cũng là nguyên nhân nỗi khổ của gia đình khiến ông hơn 7 năm ròng rã, gian nan theo đuổi vụ kiện đầu tiên ở Việt Nam về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Như số phận những kết quả sáng tạo trước, vốn ngốn nhiều tiền của mà cả hai vợ chồng dành dụm gom góp chứ chẳng đem lại được chút lợi lộc đáng kể nào, lần này giá trị của chiếc máy đùn gạch cải tiến lập tức được các chủ lò gạch đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên thừa nhận, vì nó giúp tăng năng suất chất lượng gạch, lợi nhuận tăng gấp đôi lại bảo đảm an toàn, không còn xảy ra các vụ máy đùn nghiến nát tay công nhân. Hàng trăm chiếc máy rập khuôn giải pháp hữu ích của ông Thịnh sòn sòn ra lò.

Trong số đó, chỉ vài chiếc máy chính thức xuất xưởng từ cơ khí Hoàng Thịnh, còn lại toàn là “máy nhái”. Hàng chục xưởng cơ khí khác chẳng buồn xin phép hay thỏa thuận với ông Thịnh về việc sử dụng giải pháp độc quyền này mà cứ ngang nhiên làm nhái và hưởng lợi. Nhờ chính quyền và các cơ quan truyền thông cảnh báo mãi không xong, ông Thịnh phải tự mình lặn lội đến từng cơ sở sản xuất gạch trong và ngoài tỉnh để nhắc nhở, thống kê, điều tra về tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phát hiện lò gạch Việt Mỹ do ông Nguyễn Đình Mỹ ngang nhiên sử dụng loại “máy nhái” có gắn trục cào để sản xuất, đồng thời xưởng cơ khí Đình Mỹ của bà Thái Thị Thu Sương, vợ ông Mỹ đứng tên còn bán loại “máy nhái” này cho một số chủ lò gạch khác, từ tháng 6-2003 ông Thịnh đã làm đơn khởi kiện ông Mỹ bà Sương gửi đến Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk và UBND huyện Krông Ana.

Với sự hướng dẫn của Cục Sở hữu Trí tuệ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, lập biên bản hiện trường, kiểm tra đối chất, lấy lời khai của những người mua “máy nhái”, kết luận nội dung kiện của ông Thịnh có cơ sở. Tuy nhiên, cũng vì chưa từng có tiền lệ, các bên tranh chấp chẳng ai chịu nghe ai nên sự việc kéo dài mãi tới cuối tháng 3-2008, UBND tỉnh Đăk Lăk mới có văn bản chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Toà án Nhân dân tỉnh.

Sau hàng chục lần thay đổi lịch xét xử, ngày 17, 18-6-2010 TAND tỉnh ĐăkLăk đã mở phiên toà sơ thẩm để lần đầu tiên, tiến hành xét xử công khai vụ kiện “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”. Nội dung kiện đòi bà Thái Thị Thu Sương bồi thường 30 triệu đồng vì đã nhái sản phẩm máy đùn gạch có gắn trục cào do ông Thịnh sáng chế bán ra thị trường bị toà bác bỏ vì cho rằng vắng mặt nhân chứng và chưa đủ chứng cứ.

Tuy nhiên, với tập hồ sơ minh chứng rành mạch về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ lò gạch Việt Mỹ, toà vẫn tuyên buộc ông Nguyễn Đình Mỹ phải bồi thường cho ông Thịnh tổng cộng 412 triệu đồng, gồm 351 triệu đồng tiền sử dụng “máy nhái” vi phạm bản quyền và 61 triệu đồng chi phí thuê luật sư cho nguyên đơn.

Ông Thịnh với chiếc máy đùn gạch được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Ông Thịnh với chiếc máy đùn gạch được cấp
bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Được bao nhiêu, cho hết!

Sau phiên toà sơ thẩm, anh em ông Nguyễn Đình Mỹ và em trai bà Sương vài lần tìm gặp ông Thịnh, xin ông thông cảm chấp nhận giảm cho phân nửa số tiền phải bồi thường. Ông Thịnh đem chuyện này bàn với vợ.

Từng là cán bộ Đoàn rồi phóng viên Đài truyền thanh huyện, nhiều năm hết mình với phong trào và công tác xã hội, bà Quy phân tích cho chồng: Anh nghĩ xem, nhà mình có hay không có số tiền này thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Các chủ lò gạch cũng không lấy chi làm khá giả. Nếu mình dùng khoản bồi thường này để tiêu dùng cá nhân, bà con xung quanh sẽ nghĩ là mình kiện vì tiền...

Được người vợ hiền đồng thuận, ông Thịnh hào hứng đồng ý thỏa thuận với ông Mỹ: Khi nào ông Mỹ đem 206 triệu đồng thi hành án tới, ngoài phần trích chi trả cho luật sư, hai ông sẽ cùng đến tặng trọn gói số tiền còn lại cho Hội Người mù tỉnh Đăk Lăk.

"Tôi kiện không phải vì tiền, mà vì muốn thực hiện công bằng theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, để các nhà khoa học được tiếp thêm động lực nghiên cứu." - Ông Thịnh khẳng định 

Thế nhưng, lòng tốt của ông Thịnh bị ông Mỹ lợi dụng nhằm kéo dài thời gian để ông Mỹ tìm cách “chạy”. Quá hạn thi hành án, ông Thịnh mới biết ông Mỹ đã gửi đơn kháng cáo. Ngày 25-11-2010 TAND Tối cao về Đăk Lăk xử phúc thẩm. Tình tiết mới được ông Mỹ trưng ra là 3 văn bản của Phòng Đăng ký Kinh doanh huyện Krông Ana, Chi cục Thuế huyện và UBND xã Ea Bông, xác nhận trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2007 không có cơ sở sản xuất gạch nào tên Việt Mỹ đăng ký kinh doanh, nộp thuế và tồn tại trên địa bàn buôn Mlếch xã Ea Bông (?!)

Dù 3 văn bản này chỉ cho thấy rất có thể trong khoảng thời gian đó lò gạch Việt Mỹ đã “làm chui”, trốn thuế, bởi các tài liệu quá rõ khác trong hồ sơ vụ án như những đoạn phim phóng sự do Đài THVN, Đài PTTH Đăk Lăk quay tại hiện trường vi phạm luật Sở hữu trí tuệ của lò gạch Việt Mỹ tại buôn Kô xã Ea Bông, biên bản do đoàn kiểm tra liên ngành lập vẫn còn đó, không ai xóa được, nhưng Tòa Tối cao vẫn tuyên hủy án sơ thẩm để làm rõ thêm vấn đề này, trả hồ sơ về để tòa tỉnh điều tra xét xử lại.

Ông Thịnh khẳng định: “Tôi kiện không phải vì tiền, mà vì muốn thực hiện công bằng theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, để các nhà khoa học được tiếp thêm động lực nghiên cứu. Hơn nữa, tôi muốn tạo tiền lệ về mặt pháp lý để xã hội ý thức tốt hơn về việc phải tôn trọng sáng chế của mọi cá nhân”.

Mệt mỏi vì thời gian hầu kiện kéo dài, quá tốn kém trong điều kiện kinh tế thực sự khó khăn, nhưng niềm đam mê sáng tạo không ngừng cháy trong kỹ sư Hoàng Thịnh. Tại xưởng cơ khí đơn sơ nằm khuất trong con hẻm nhỏ ở thị trấn Buôn Trấp huyện Krông Ana, ngày 10-12-2010 sắp tới nhiều quan khách trong và ngoài tỉnh sẽ về dự buổi trình diễn “Máy sấy cà phê quả tươi đảo trộn tự động”, công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 7002 do kỹ sư Hoàng Thịnh chế tạo, với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Chỉ cần đổ cà phê quả tươi vừa hái vào thùng, máy sấy xong sẽ xả quả khô ra, cơ chế vận hành máy rất đơn giản tiện lợi, phù hợp với nông dân.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, một chuyên gia của Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Ngành Muối Việt Nam, người đã theo dõi suốt quá trình chế tạo máy của kỹ sư Hoàng Thịnh nhận xét: Với công suất sấy từ 1 đến 20 tấn/mẻ trong 19 giờ, nhiên liệu hao bằng máy sấy vỉ ngang đang được sử dụng phổ biến trên thị trường, giá thành cao hơn không đáng kể, loại máy sấy cà phê quả tươi đảo trộn tự động này đáp ứng ưu việt hơn hẳn các loại máy sấy thông dụng hiện nay về các yếu tố: chất lượng hạt sấy khô tốt đồng đều không bị nấm mốc, bảo đảm không ô nhiễm môi trường vì giữ được toàn bộ lượng bụi trong máy.

Giá bán một chiếc máy loại nhỏ nhất với công suất sấy 1 tấn quả tươi mỗi mẻ khoảng 45 triệu đồng, bền hơn 10 năm khá phù hợp với quy mô sản xuất gia đình, liên hộ gia đình có vườn cà phê rộng vài hecta. Loại máy sấy này nếu được sử dụng rộng rãi sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng giá trị cà phê xuất khẩu trên Tây Nguyên.

Riêng với kỹ sư Hoàng Thịnh, nhìn chiếc máy giản đơn và hữu dụng này thầm ước, số phận của nó sẽ không phải khiến anh gian nan làm cái việc cực chẳng đã đáo tụng đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG