Xuất khẩu 'tết Việt'

Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia (Đồng Nai)
Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia (Đồng Nai)
Dưa hành, củ kiệu, cà pháo, bánh chưng xanh, mứt tết... đã bắt đầu theo tàu xuất khẩu đi khắp châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... mang hương vị tết đến bà con kiều bào. Từ những chuyến hàng “tết Việt” như vậy, nhiều đặc sản VN đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đều đặn trong năm.
Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia (Đồng Nai)
Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia (Đồng Nai) . Ảnh: Lê Sơn - Tuổi trẻ

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đặc sản cho biết hiện nay các mặt hàng thực phẩm đặc sản của VN xuất khẩu sang các thị trường trên đã tìm được chỗ đứng trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa, thay vì chỉ xuất hiện tại các chợ nhỏ cho người Việt mua sắm như trước đây.

“Thực đơn” đa dạng

30 tấn bánh chưng, bánh tét, lá dong của cơ sở bánh chưng Trần Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) vừa được xuất khẩu sang Pháp, Mỹ phục vụ ngày tết cho bà con Việt Kiều. Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Trần Gia, cho biết đơn hàng bánh chưng năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các đơn hàng phải đặt trước hơn một tháng trước khi xuất, cơ sở mới chủ động kịp.

Trong tháng cận tết, hai xưởng làm bánh chưng ở TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) phải huy động 500 người mới đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất ngoại.

Quảng bá đặc sản Việt

Để giới thiệu đặc sản VN đến bạn bè quốc tế và tiếp cận các nhà nhập khẩu, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất hàng đặc sản thường tham gia các hội chợ thương mại, thực phẩm quốc tế. Ngoài ra, dù là những cơ sở nhỏ nhưng đa số đều xây dựng website riêng để giới thiệu sản phẩm của công ty. Ông Trần Thanh Toàn cho biết cơ sở bánh chưng Trần Gia đang đầu tư hoàn thiện nội dung website: www.vanhoaamthucviet.com để giới thiệu cho mọi người văn hóa ẩm thực Việt, kỹ thuật làm bánh chưng và sản phẩm của đơn vị này.

Để giữ được hương vị đặc trưng của bánh, tránh hư hỏng trong thời gian vận chuyển và bảo quản từ khi xuất cho đến tết, các công đoạn làm bánh được thực hiện đặc biệt kỹ lưỡng từ khâu chọn lá dong, gạo nếp đến thịt ba rọi, đậu xanh... Nhờ chất lượng ổn định, cơ sở Trần Gia còn hợp tác với các cơ sở làm bánh kẹo, mứt tết để xuất hàng đi kèm. Nhờ vậy, cơ sở có thêm mặt hàng bánh mứt khi xuất khẩu, khiến “thực đơn” xuất khẩu hàng tết đa dạng và tiện lợi hơn cho nhà nhập khẩu.

Không chỉ có bánh chưng, mứt tết, hàng loạt sản phẩm mang hương vị đặc trưng của các miền quê VN như: bánh tráng, tôm chua, củ kiệu, tỏi chua ngọt, dưa nụ muối, cà pháo mắm tôm chua, nước mắm cá cơm... vẫn đang tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, các nước châu Âu..., đưa “thực đơn” xuất khẩu hàng đặc sản ngày càng đa dạng hơn.

Bà Phạm Thị Ngọc Liên, chủ cơ sở thực phẩm Ngọc Liên (trụ sở tại TP.HCM, chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm chua ngọt và mắm đặc sản), cho biết vừa xuất khẩu ba container các mặt hàng trên sang Mỹ. Theo bà Liên, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này dịp cận tết rất lớn. Hiện cơ sở Ngọc Liên vẫn đang tiếp tục làm hàng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ khá lớn từ nay đến tết của kiều bào.

Tương tự, Nhật Bản, Mỹ cũng là hai thị trường tiêu thụ sản phẩm nước mắm đặc sản Kiên Giang nhãn hiệu “nước mắm Hải Đăng” của doanh nghiệp tư nhân Hải Đăng (có trụ sở tại TP.HCM). Lô hàng xuất gần đây nhất của nhãn hiệu này là một container 20 feet sang thị trường Nhật Bản. Đây là loại nước mắm 40 độ đạm, với giá xuất 50.000 đồng/lít, cao hơn nhiều so với giá bán trong nước.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng đặc sản như bánh tráng, chả giò... cũng cho biết lượng hàng xuất khẩu trong hai tháng cận tết dự kiến tăng 25-30% so với các tháng trước đó. Giá cả hàng đặc sản xuất khẩu năm nay cũng tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Bám rễ siêu thị ngoại

Ông Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Hải Đăng, cho biết sản phẩm của cơ sở Hải Đăng không chỉ xuất khẩu theo mùa tết mà đã đều đặn trong năm. Thị trường vững chắc nhất là Nhật Bản. Một số nhà phân phối, doanh nghiệp tại Nhật Bản còn đặt hàng của đơn vị rồi sơ chế lại cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật, nhưng vẫn giữ đặc trưng của nước mắm VN. Trên bao bì sản phẩm đã sơ chế vẫn ghi rõ nước mắm của nhãn hiệu Hải Đăng. Hàng được bán trong siêu thị với đối tượng tiêu thụ gồm Việt kiều và người dân bản xứ.

Cũng tìm được chỗ đứng vững chắc tại một số thị trường xuất khẩu, bà Liên cho hay nhóm khách hàng thường xuyên tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp này là những người Việt sống tại Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, sau khi hàng đã được các nhà nhập khẩu phân phối rộng rãi, sản phẩm của cơ sở thực phẩm Ngọc Liên có thêm một nhóm khách hàng khác là người dân bản xứ thích ẩm thực VN.

“Đặc biệt ở thị trường Pháp và Mỹ, nhiều người rất thích các món dưa cà, củ kiệu, mắm pha sẵn. Hiện nay người Việt và người dân bản xứ mua hàng đặc sản VN về tiêu dùng hằng ngày chứ không phải chỉ dịp lễ tết”, bà Liên cho hay. Nhờ đó hàng hóa đã có mặt tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên thị trường và lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp khá ổn định.

Mỗi tháng đơn vị này xuất khẩu 2-3 container hàng đặc sản. Theo bà Liên, hiện đầu ra khá thuận lợi, vấn đề khó khăn là nguyên liệu đầu vào thường xuyên biến động và giá xuất khẩu khó tăng theo kịp.

Theo Bạch Hoàn - Lê Sơn
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.