Bất lực với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Một cống xả nước thải của Cty TNHH bột cá East Wind-Việt Nam
Một cống xả nước thải của Cty TNHH bột cá East Wind-Việt Nam
TP - Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khi cơ quan chức năng không có chế tài đủ mạnh.
Một cống xả nước thải của Cty TNHH bột cá East Wind-Việt Nam
Một cống xả nước thải của Cty TNHH bột cá East Wind-Việt Nam.

Phớt lờ

Doanh nghiệp tư nhân Liêm Chính sản xuất thép tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành. Từ năm 2008, thanh tra của Tổng cục Môi trường đã lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt những sai phạm: Bán chất thải nguy hại cho doanh nghiệp không có chức năng vận chuyển và xử lý để tái chế.

Bùn thải nhiễm dầu để bừa bãi trong khuôn viên sản xuất và ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất từ khu vực luyện thép có nhiễm lượng dầu lớn đưa thẳng vào hệ thống thoát nước mưa của KCN…

Theo kết luận của Tổng cục Môi trường, đây là một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần sớm khắc phục. Đến nay, quay lại kiểm tra, Tổng cục Môi trường phát hiện DN này vẫn chưa thực hiện bất cứ yêu cầu nào của thanh tra đưa ra từ năm 2008.

Công ty in kỹ thuật Thắng Nhất và Công ty TNHH Phương Hà (KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) gây ô nhiễm nghiêm trọng về nước thải, và đã có quyết định đình chỉ hành vi xả thải từ năm 2008 và năm 2009.

Ban Quản lý các KCN BR-VT cho biết, đến nay Cty in Thắng Nhất này vẫn chưa có báo cáo, khắc phục những vấn đề tồn tại theo yêu cầu của kết luận thanh tra từ năm 2008; Cty TNHH Phương Hà thì "quên" khắc phục, báo cáo về các vấn đề tồn tại theo yêu cầu của thanh tra môi trường.

Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, khi tái kiểm tra 19 cơ sở chế biến hải sản, Sở Tài nguyên & Môi trường BR-VT phát hiện 17 doanh nghiệp chưa hoàn thành hệ thống xả thải bảo vệ môi trường, UBND tỉnh BR-VT sau đó đã ra quyết định xử phạt các DN trên 911 triệu đồng…

Đối phó

Thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chế biến hải sản của thanh tra liên ngành cho hay, nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Ví dụ, kiểm tra 6 doanh nghiệp chế biến hải sản tại thị xã Bà Rịa và huyện Đất Đỏ thì cả 6 doanh nghiệp đều đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn môi trường theo quy định. Kiểm tra 19 cơ sở chế biến hải sản tại TP.Vũng Tàu thì có đến 12 cơ sở làm hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu.

Ngày 25-2-2011, Ban quản lý các KCN BR-VT kiến nghị UBND tỉnh BR-VT tạm đình chỉ sản xuất 4 doanh nghiệp gồm: DNTN Liêm Chính, Nhà máy sản xuất vỏ bình gas SCT, Công ty TNHH Phương Hà và Công ty TNHH in kỹ thuật Thắng Nhất do các doanh nghiệp này không có thiện chí và không triển khai giải pháp bảo vệ môi trường.

Tại điểm nóng Tân Hải, huyện Tân Thành, trong 22 doanh nghiệp chế biến hải sản thì chỉ có 2 doanh nghiệp có hệ thống xử lý có nước thải đạt yêu cầu, 20 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu.

Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng phát hiện DNTN Đại Quang tại Tân Hải có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành mà dùng máy bơm xả nước thải chưa xử lý trực tiếp ra môi trường.

Về tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu hợp tác, cố ý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, Trưởng ban chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường Trần Ngọc Thới cho rằng, cần xử lý nghiêm, tiến tới đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG