45.000 hộ có nguy cơ phải mua nhà giá cao

130 hộ dân thuộc tập thể ĐH Xây dựng - phường Bách Khoa rơi vào quy hoạch dự án nên chưa được mua theo NĐ61 Ảnh: Tuấn Minh
130 hộ dân thuộc tập thể ĐH Xây dựng - phường Bách Khoa rơi vào quy hoạch dự án nên chưa được mua theo NĐ61 Ảnh: Tuấn Minh
TP - Sau 17 năm thực hiện bán nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ, Hà Nội vẫn còn tồn đọng hơn 45.000 căn nhà dù giá bán khá thấp. Rất có thể số hộ dân này sẽ phải mua nhà với giá cao hơn nhiều khi NĐ mới có hiệu lực cuối năm nay.

> TPHCM: Hàng nghìn hộ vẫn ở trọ… nhà 61

130 hộ dân thuộc tập thể ĐH Xây dựng - phường Bách Khoa rơi vào quy hoạch dự án nên chưa được mua theo NĐ61 Ảnh: Tuấn Minh
130 hộ dân thuộc tập thể ĐH Xây dựng - phường Bách Khoa rơi vào quy hoạch dự án nên chưa được mua theo NĐ61.
Ảnh: Tuấn Minh .
 

Tại anh - tại ả

Bây giờ đi qua đường Đại Cồ Việt, không mấy ai còn nhận ra tập thể Đại học Xây dựng ngày nào. Mấy dãy nhà cấp 4 đã thụt vào trong, thấp hơn so với mặt đường cả mét và bị bao bọc bởi hàng quán đủ loại. Được xây dựng từ năm 1982, đến nay khu nhà đã xuống cấp rất nặng, thường xuyên úng ngập, thiếu nước sạch và ô nhiễm.

Ông Mai Đình Cây (ở số nhà 37, tổ 49, phường Bách Khoa) cho hay, gia đình ông đã nộp hồ sơ xin mua và cấp sổ đỏ lên Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 4 từ năm 2007 nhưng bị trả lại. Lý do là khu đất đã rơi vào dự án quy hoạch dải đất phía nam Đại Cồ Việt.

Không chỉ gia đình ông Cây, 130 căn nhà thuộc tập thể Đại học Xây dựng trước đây cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Đối diện nhà ông Cây là căn hộ chỉ 14 m2 nhưng có tới 5 người sinh sống, nhà không xây lại được vì vướng quy hoạch treo.

Một số hộ dân tại phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình thuộc diện mua nhà theo NĐ 61/CP cho rằng, ai cũng muốn sớm hoàn thành thủ tục mua bán nhà. Tuy nhiên, vướng mắc gây chậm lại thường nằm ở những cơ quan thụ lý và thẩm định hồ sơ.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh vướng mắc quy hoạch còn có tình trạng quỹ nhà do các bộ ngành, trường đại học, doanh nghiệp nhà nước quản lý tự phân cho cán bộ, nhân viên nhưng đã buông lỏng quản lý từ nhiều năm nên hồ sơ gốc bị thất lạc, thiếu trách nhiệm hợp tác với cơ quan bán nhà.

Nhiều trường hợp khác hồ sơ phức tạp, giải quyết qua nhiều năm không xong. Việc đan xen sở hữu về nhà đất đã bán và chưa bán gây khó khăn khi xác định giá bán, diện tích bán. Do quản lý lỏng lẻo nên tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, cơi nới lấn chiếm ngày càng phức tạp.

Nguy cơ phải mua nhà giá cao

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân gây chậm còn do nhiều hộ có nguyện vọng mua nhà nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện mua. Có trường hợp cơ quan chức năng đã 3 lần mời lên ký hợp đồng mua bán nhưng họ không đến.

“Một số UBND quận, huyện, thị xã chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nên khối lượng hồ sơ nhà cơ quan tự quản còn nhiều, lên tới 32.000 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận. Một số cán bộ tại các đơn vị bán nhà, UBND quận, huyện, xã phường trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, còn đùn đẩy, né tránh” - đại diện Ban 61CP - Sở Xây dựng Hà Nội phản ánh.

Theo ông Hoàng Tú - Trưởng Ban 61CP, do lượng nhà tồn đọng quá nhiều nên không ít hộ dân sẽ phải mua nhà theo khung giá mới khi nhà nước ban hành nghị định mới thay thế NĐ 61/CP, dự kiến vào cuối năm 2011.

“Chính phủ đã 3 lần gia hạn mua nhà và việc gia hạn sẽ không thể kéo dài mãi. Mức giá cũ áp dụng từ năm 2004 đã quá lạc hậu, do vậy trong Nghị định mới về bán nhà sẽ có quy định về giá theo nguyên tắc thị trường và chắc chắn giá sẽ cao hơn nhiều so với mức giá hiện nay. Nhiều vướng mắc về bán nhà theo NĐ61 cũng sẽ được tháo gỡ trong quy định mới” - ông Hoàng Tú nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG