55 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP: Vẫn với tinh thần một thời tuổi trẻ

55 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP: Vẫn với tinh thần một thời tuổi trẻ
Sáng 11/7, Lễ kỷ niệm 55 Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2005) và Hội nghị điển hình tiên tiến cựu TNXP lần thứ nhất đã diễn ra tại Hà Nội.

Đến dự có các đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW; Đào Ngọc Dung, Bí thư thứ nhất TW Đoàn…

Đây cũng là cuộc hội ngộ của hơn 200 cựu TNXP tiên tiến, đại diện cho hơn 30 vạn cựu TNXP có nhiều đóng góp trong chiến đấu giải phóng dân tộc và vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng chính quyền… Những tấm gương dũng cảm, luôn xung phong đi trước như những ngày còn son trẻ.

Cựu TNXP trong cuộc sống hôm nay

Một trong hàng nghìn tấm gương tiêu biểu vượt khó, chiến thắng đói nghèo của cựu TNXP chính là vợ chồng chị Trần Thị Hợp và anh Nguyễn Văn Dỡ ở tỉnh Bắc Giang. Rời đơn vị TNXP ở chiến trường trở về cả hai anh chị đều ở trong tình cảnh “đôi bàn tay trắng”, hơn thế sức khỏe còn cạn kiệt.

Nhưng bằng nghị lực của TNXP, được đồng đội giúp đỡ, tiếp thu phương thức làm ăn mới, thực hiện dồn điền, dồn thửa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển chăn nuôi, anh chị đã chiến thắng cái nghèo. Không dừng ở đó hai vợ chồng còn hướng tới phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho 40 lao động là con em cựu TNXP và nông dân nghèo ở địa phương. Hằng năm thu nhập của vợ chồng anh chị đạt gần 100 triệu đồng.

Trong số những gương mặt cựu TNXP, có không ít người thành đạt trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Cải là cựu TNXP thời chống Mỹ, hiện nay giữ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng, tỉnh Thái Nguyên. Lúc ban đầu lập nghiệp còn đầy khó khăn, chỉ với 82 triệu đồng vốn pháp định, trong đó có một nhà cấp 4 rộng 32 m2, vừa làm văn phòng, vừa làm nơi để hàng.

Sau 10 năm xây dựng chị Cải đã tạo dựng được cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, góp phần tạo việc làm cho 350 lao động. Tiêu biểu cho cựu TNXP xuất thân từ nông dân phấn đấu trở thành nhà sản xuất-kinh doanh giỏi là chị Đặng Thị Nguyệt, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Chị có một số phận lắm gian truân, chồng bị bệnh qua đời, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ, lại phải chịu di chứng của những cơn sốt rét rừng.

Nhưng rồi chị tự nhủ, mình đã vượt qua bao gian nan thử thách trong chiến tranh, lẽ nào lại gục ngã trong cuộc sống hòa bình, nên quyết tâm vươn lên. Bây giờ chị  là Giám đốc xí nghiệp chè tư nhân Minh Nguyệt. Tuy xí nghiệp của chị chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng về giá trị xuất khẩu đã đứng thứ 12 trong tổng số 327 doanh nghiệp xuất khẩu chè trong cả nước.

Xin… ăn để đi tìm đồng đội

Chiến tranh đã lui về miền ký ức, những TNXP ngày trước lại trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng còn biết bao đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm trên những mảnh đất vô danh, dãi dầu cùng tháng năm, mưa nắng. Điều đó ám ảnh những người còn sống.

Vào một ngày mùa thu năm 1997, 3 cựu TNXP ở thành phố Cần Thơ: Lâm Thị Minh Tâm; Tô Thị Tuyết Thu và Lê Thị út Mãnh đã quyết tâm lên đường tìm hài cốt đồng đội. Hơn 20 năm trôi qua, chiến trường xưa đã thay đổi hoàn toàn.

Trên mảnh đất từng ngày hồi sinh thật khó tìm lại vết tích của một thời bom đạn. Chị Thu bồi hồi kể lại lần bốc mộ đồng chí Sáu Bé, người Cần Thơ, đầy gian truân. Lần khảo sát đầu tiên chịu thất bại nhưng lòng họ vẫn nhủ thầm: “Dù khó khăn đến đâu vẫn quyết không bỏ cuộc, phải tìm được đồng đội của mình”.

Sau một thời gian dành dụm tiền, tìm tòi họ đã tìm ra nơi chôn đồng chí Sáu Bé. Suốt từ năm 1997 đến cuối năm 2004, 3 cựu TNXP đã tổ chức trên 10 chuyến đi tìm mộ đồng đội, mỗi chuyến kéo dài ít nhất 7 ngày, dài nhất có khi cả tháng, đi qua mấy chục địa điểm, cách xa nhau hàng trăm cây số.

Từ Hòn Đất, Kênh Tám Ngàn, Bờ Đìa Ba Cây Gáo, Bờ Đìa Ô Mối, Gộc xây nhỏ, Gộc xây lớn, Trầm Ba Dương, Kinh Kiên Bình, Kiên Lương…thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang đều in dấu chân các chị. Các chị nói vui rằng: “Đi tới đâu chúng tôi ăn xin tới đó. Sư đoàn 4(Kiên Giang) là nơi chúng tôi thường xuyên vào xin cơm. Đài truyền hình Kiên Giang cũng tạo điều kiện bố trí cho chúng tôi được ăn, ngủ”.

Tôi tò mò muốn biết các chị thường đi bằng phương tiện gì, thì các chị cười ngất: “Chúng tôi đi bằng đủ phương tiện từ ghe xuồng, xe bò, xe đạp, xe ôm nhưng nhiều nhất vẫn là “xe của bộ”. Dù điều kiện làm việc của các chị khó khăn và thô sơ như thế nhưng kết quả đạt được thật không ngờ. Tính đến thời điểm này họ đã tìm được 168 hài cốt đồng đội.

Điều khiến 3 chị đêm ngày đau đáu hiện nay không phải là vấn đề kinh phí mà chính là câu hỏi: “Làm gì để trả hết tên tuổi cho các anh, các chị?”. Trong số 168 hài cốt đó, họ mới xác định được danh tính của 40 người. Chị Tâm kể trong niềm xúc động: “ở Gộc Xây (Kiên Giang) chúng tôi tìm được hài cốt vẫn còn y nguyên, cả chiếc nhẫn đeo tay và cái răng vàng.

Nhờ vậy chúng tôi nhận ngay ra chị Ba Phin, đồng đội cũ.Một lần khác mở hài cốt chúng tôi thấy còn nguyên cả bộ quần áo nhiều mảnh vá. Trên manh áo trắng còn lằn vết chỉ thêu tên. Cả 3 đứa reo lên sung sướng mà nước mắt từ đâu cứ chảy tràn”.

Ngưng một lát chị nói tiếp: “Những TNXP ngày trước hoà vào cuộc kháng chiến của dân tộc khi mới chớm trăng rằm 14, 15 tuổi. Nên đến giờ hài cốt của các anh chị chỉ còn nắm xương tan. Có người may mắn lắm thì còn lại những sợi dây bó người khi chôn và một vài kỷ vật nho nhỏ”.

Hiện nay chị Tâm, chị Thu, chị út Mãnh đều đã có gia đình. Chồng, con các chị luôn ủng hộ và tạo điều kiện để họ được theo đuổi công việc thầm lặng của mình. Dù không có kinh phí, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm đưa hết đồng đội về nghĩa trang yên nghỉ. Năm nay cả 3 chị đã bước sang tuổi ngũ tuần, nhìn khuôn mặt đă hằn dấu chân chim nhưng vẫn ánh lên nét lạc quan, rắn rỏi của những nữ TNXP tươi trẻ ngày nào, tôi tin rằng ước nguyện của các chị chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Hồng Diệu

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW Trương Tấn Sang: Cựu TNXP cần tiếp tục tham gia giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước cách mạng đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiều đoàn thể quan tâm giúp đỡ nhiều hơn các cựu TNXP trong cuộc sống.

Bí thư thứ nhất TW Đoàn Đào Ngọc Dung : Tổ chức Đoàn sẽ tăng cường gắn bó chặt chẽ với Hội cựu TNXP chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cựu TNXP, phối hợp tuyên truyền rộng rãi các điển hình tiên tiến trong cựu TNXP; phát triển mạnh các đội hình TNXP tham gia xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới.  

MỚI - NÓNG