Đề xuất điều chỉnh giờ học, làm việc để giảm ùn tắc

Đề xuất điều chỉnh giờ học, làm việc để giảm ùn tắc
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Theo ông Thăng, cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9h sáng đến 6h chiều.

Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp chiều nay (17 - 10), giữa Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Hà Nội.

Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+.

Theo đại diện lãnh đạo các ban ngành, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn ra trầm trọng. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp đưa ra nhưng bài toán ùn tắc chưa có lời giải.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tiến hành bằng các giải pháp chống ùn tắc giao thông như phân làn phương tiện, tăng cường giao thông một chiều, đề án tuyến phố đi bộ và nâng cao năng lực vận tải công cộng.

“Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ điều chỉnh giờ học, giờ làm việc”, ông Khôi cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, những giải pháp tách làn phương tiện, tăng cường sử dụng làn dành riêng cho xe buýt, phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách với khối lượng lớn, nhằm vận chuyển khách, tăng cường vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân chỉ nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Ông Hùng cũng đề xuất điều chỉnh giờ hoạt động các cơ quan như: Ngân hàng, bưu điện sau 9 giờ sáng để giảm lưu lượng người đi lại.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, những tuyến đường trọng điểm hiện nay phải cấm taxi, tăng đường một chiều để tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển tốt hơn và xây dựng nhanh những cầu vượt qua các điểm giao cắt; rà soát vỉa hè lòng đường, cấm phương tiện dừng đỗ xe dưới lòng đường để người dân tham gia lưu thông tốt.

“Đề xuất ưu tiên cho xe buýt phải mang tính đột phá, nếu không vẫn đâu vào đó. Giả sử chúng ta cấm phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến thường xuyên ùn tắc thì xe buýt có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển không?”, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra câu hỏi.

Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, chỉ sau năm năm, lưu lượng giao thông trên các trục đường phố chính của Hà Nội tăng trên hai lần và đều vượt mức 30.000 hành khách/giờ/hướng, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hệ số sử dụng sức chưa đạt bình quân toàn mạng là 80%. Đây là mức rất cao (Singapore chỉ đạt 50-55%). Giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn (bình quân 140%) đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.

“Nếu thay bằng loại xe buýt sức chứa nhỏ hơn thì năng lực vận chuyển của xe buýt giảm và sẽ càng ách tắc hơn. Muốn tăng cường xe buýt phải tăng tần suất và giải quyết tốt tình trạng khách quá tải giờ cao điểm”, ông Thường đưa ra giải pháp.

Bên cạnh đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân như thu phí phương tiện vào nội đô, hạn chế ôtô trước để tạo điều kiện cho xe buýt phát triển cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), để cải thiện giao thông, chúng ta cần hạn chế phương tiện cá nhân, trước hết là ôtô.

“Hà Nội cần thu phí giờ cao điểm cao hơn buổi tối, phí đỗ xe trong trung tâm cao hơn ngoại thành. Xe buýt cần có hệ thống quản lý thông minh, có thể điều chỉnh biểu đồ, tần suất xe chạy phù hợp với từng tuyến đường và từng thời điểm cụ thể”, ông Hùng kiến nghị.

Theo Việt Hùng
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG