Thuê kiểm tra độc lập 'thang máy tử thần'

Thuê kiểm tra độc lập 'thang máy tử thần'
TPO – Sáng 25-10, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Việt Nam - chủ đầu tư tòa nhà CT3 (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thống nhất với các hộ dân sẽ thuê kiểm tra "thang máy tử thần".

> Tiếp tục kiểm tra ‘thang máy tử thần’
> Sợ thang máy rơi, người dân leo bộ cả chục tầng

Thống nhất giải pháp

Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Việt Nam (Constrexim Holdings), đại diện các hộ dân sinh sống ở tòa nhà CT3 đưa ra bốn vấn đề, yêu cầu Constrexim Holdings có biện pháp xử lý triệt để. Đó là: Vấn đề chất lượng thang máy; Hệ thống thoát nước; Sân chơi và nhà sinh hoạt cộng đồng; Chất lượng dịch vụ và thành lập Ban quản trị.

Liên quan đến thang máy của tòa nhà gây tai nạn chết người ngày 21-9, ông Phan Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Constrexim Holdings cho rằng, sau sự cố đáng tiếc, người dân bức xúc là đúng, vì ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Vấn đề này cần phải giải quyết đầu tiên.

Ông Tuấn nhất trí giải pháp mời đơn vị kiểm định độc lập để đảm bảo tính khách quan. Việc này sẽ để các hộ dân tự thuê đơn vị kiểm tra. Đại diện hai bên sẽ cùng giám sát quy trình, cũng như cùng trả chi phí kiểm định vì thang máy là tài sản chung của cả công ty và các hộ dân.

Ông Tuấn yêu cầu cho thang máy ngừng hoạt động trong suốt quá trình kiểm định để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đại diện những hộ dân cho rằng, như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của mọi người, đặc biệt là phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ. Cuối cùng, hai bên nhất trí để các hộ dân chọn ngày và thuê đơn vị kiểm định độc lập. Trong thời gian đó, người dân tự chịu trách nhiệm trong việc đi lại bằng thang máy.

Sau khi có kết quả kiểm tra, giám định chính xác, hai bên sẽ đề ra giải pháp sửa chữa hoặc thay mới hợp lý nhất.

Cư dân CT3 cũng kiến nghị phía Constrexim Holdings cần đầu tư lắp đặt mỗi thang máy một bộ lưu điện đề phòng khi mất điện. Ông Tuấn đồng ý và nói sẵn sàng đầu tư 60 triệu đồng để mua hai bộ lưu điện cho hai thang máy.

"Những gì làm được, chúng tôi sẽ làm ngay"

Đại diện hai bên cũng thống nhất biện pháp giải quyết vấn đề hệ thống thoát nước, sân chơi và nhà sinh hoạt cộng đồng, cũng như việc thành lập ban quản trị.

“Những gì làm được tôi sẽ làm ngay” - Ông Phan Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Constrexim Holdings
“Những gì làm được tôi sẽ làm ngay” - Ông Phan Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Constrexim Holdings.

“Hiện tượng ùn tắc cục bộ của hệ thống thoát nước chỉ mới xảy ra thời gian gần đây. Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị ngay lập tức kiểm tra và khắc phục sự cố. Hiện đã cho thay thế những tấm đan han gỉ, khơi thông cống rãnh. Vì thế, chúng tôi tin rằng, tình trạng úng ngập sẽ không còn tái diễn. Những gì làm được tôi sẽ làm ngay!” – ông Phan Minh Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng giao ban quản lý tòa nhà kiểm tra những chỗ nước có thể tràn xuống tầng hầm để khắc phục triệt để. Ngoài ra, bể nước trên cao cũng phải có khóa, nắp đậy cẩn thận…

Về vấn đề sân chơi, người dân kiến nghị phải giải phóng khu vực đỗ xe mặt trước tòa nhà CT3, cho xe đi lại cổng sau, đỗ ở đường sau sân tennis hoặc khoảng trống giữa chung cư CT3 và CT4-5. Ông Tuấn cho biết, do quy hoạch trước đây, thậm chí tòa nhà của công ty còn không có tầng hầm. Việc này, phía văn phòng Luật sư Đức Quang (đại diện cho Constrexim Holdings) sẽ có trách nhiệm trả lời về mặt pháp lý quyền lợi của các hộ dân.

Ban quản lý tòa nhà sẽ giao cho một bộ phận chuyên môn quy hoạch tổng thể, sau 15 ngày sẽ thông qua cho các hộ dân biết rõ.

Về việc thành lập ban quản trị tòa nhà, ông Tuấn hoàn toàn nhất trí giải pháp đưa ra. Việc này sẽ giao cho văn phòng luật sư cùng người dân làm các thủ tục pháp lý, tham khảo những nơi khác để thành lập ban quản trị trong tháng 11 tới.

Đuổi việc bảo vệ tòa nhà "có vấn đề"

Anh Nguyễn Tuấn Anh, đại diện cư dân CT3 kiến nghị, phải xem xét lại kỹ năng, nghiệp vụ của nhân viên bảo vệ tòa nhà. Theo anh Tuấn Anh, thực tế sau ba sự cố vừa qua, bảo vệ có mặt chậm, quá trình xử lý cũng rất lung túng, thiếu chuyên nghiệp.

“Thang máy đang vận hành, bị mất điện đột ngột thì phải có cách đưa được về điềm dừng của tầng gần nhất, sau đó mới tìm cách mở cửa cứu người bên trong. Việc dùng những dụng cụ như thanh sắt để cạy cửa không đảm bảo an toàn” – anh Tuấn Anh nói.

Trả lời vấn đề này, ông Phan Minh Tuấn cương quyết rằng, đội ngũ này đã được đào tạo nghiệp vụ, tuy nhiên, thực tế họ có thực hiện đúng quy trình hay không thì không ai biết. Do đó, theo ông Tuấn, nếu đội ngũ bảo vệ tòa nhà có vấn đề thì sẽ đuổi việc ngay lập tức.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.