'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém'

'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém'
TPO – Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (24-11).

> Quả bóng lạm thu sang sân các địa phương

'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém' ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, nhiều vấn đề vốn nóng tại các kỳ họp quốc hội trước đó lại được đại biểu đặt ra như: chất lượng đào tạo đại học, việc nở rộ đại học, cao đẳng, thi tốt nghiệp THPT, chính sách với giáo viên mầm non.

Khi được chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu đánh giá về chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “So với yêu cầu thì chất lượng đào tạo đại học còn nhiều bất cập, yếu kém”.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: Bộ trưởng nói đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh, số đại học thành lập mới đã giảm nhưng rất nhiều trường khó tuyển sinh, học sinh thì đổ xô đi học nước ngoài phải chăng do chất lượng giáo dục đại học yếu kém?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, theo thống kê từ năm 2006 tới 2011, 84 trường đại học thành lập, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp 51 trường từ cao đẳng lên đại học. Trong đó, 59 trường công lập, 35 trường tư thục. Hiện cả nước có 202 trường đại học và 218 cao đẳng.

Về vấn đề nhiều trường khó tuyển sinh, ông Luận cho rằng, việc tuyển không đủ chỉ tiêu không chỉ ở năm nay, chủ yếu các trường mới thành lập, diễn ra nhiều năm nay.

“Do một số ngành học, tuy nhu cầu của xã hội có nhưng đầu ra khó khăn (việc làm, chế độ) nên thí sinh không thích, không tuyển được. Đó là các ngành sư phạm, nông lâm, khoa học cơ bản, khoa học xã hội. Một số trường mới thành lập, nếu thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường thì tuyển đủ, nhưng nến không thực hiện đúng, thì khó tuyển do thiếu giáo viên, cơ sở” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Ngoài ra, theo ông Luận, trước đây, các trường đại học phân thành chuyên ngành rất rõ: ngành Y, ngành Kinh tế,..., nhưng hiện nay, do được giao quyền tự chủ mở ngành, số lượng các trường mở ngành giống nhau rất nhiều. Ví dụ, ngành kinh tế, trường nào cũng có. Cùng trên một địa bàn, nhiều trường cùng tuyển nên phân tán lực lượng thí sinh.

Ông Luận cho biết, sau khi bắt buộc các trường phải thực hiện ba công khai, xã hội thấy rõ điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà trường, cộng với sự lựa chọn ngày càng thực chất hơn nên thí sinh ưu tiên lựa chọn những trường, những ngành có chất lượng, dẫn đến các trường, các ngành không đáp ứng nhu cầu không tuyển đủ chỉ tiêu.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình)
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình).

Trước câu hỏi của ông Nguyễn Thành Tâm - Đại biểu Tây Ninh về vấn đề kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, sao các trường đại học không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được cấp chỉ tiêu?, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các trường mới thành lập, trước mắt là các trường mới thành lập 10 năm trở lại đây, từ đó củng cố, nâng cao chất lượng của các trường.

Ông Luận nói: Kiểm tra năm trường thì cũng có rất nhiều bất cập, từ nay đến hết năm 2011 kiểm tra 20 trường nữa.

“Sẽ không có tăng nóng chỉ tiêu tuyển sinh như trước, đồng thời bảo đảm điều kiện đào tạo của các trường để nâng cao chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh phi chính quy. Tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, liên kết với các trường cùng hệ thống để hỗ trợ đào tạo lẫn nhau” - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng thừa nhận một thực tế, có những sai sót trong kiểm tra: “Đoàn kiểm tra xuống thì trường dẫn đến một cơ sở khác. Sẽ kiểm tra lại và xin rút kinh nghiệm trong quá trình thanh tra sau này”.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) hỏi về “tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, nhất là năm 2011 vừa qua có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%”.

Bộ trưởng thừa nhận, bản thân ngành giáo dục cũng nhận thấy có vấn đề. Bộ đã yêu cầu các địa phương tự báo cáo, tự đánh giá, Bộ tiến hành kiểm tra, phúc khảo kết quả thi.

“Kết quả năm 2011 về cơ bản là phù hợp với tính chất đề thi, với tinh thần thi đua dạy và học tốt”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Đại biểu Tâm cũng băn khoăn, hiện có bao nhiêu trường bị kiểm tra, bị dừng tuyển sinh? Vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục sẽ thế nào? Vì sao đoàn thanh tra lại ngây thơ đến mức để trường bị lừa? Làm sao để tránh được tình trạng sai sót trong kiểm tra?

Bộ trưởng Luận “khất” đại biểu khi chưa có số liệu thống kê về việc đã kiểm tra bao nhiêu trường đại học: “Năm 2010, Bộ đã tiến hành kiểm tra và dừng tuyển sinh hai trường. Năm 2011 dừng đào tạo 101 ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ” - Ông Luận nói.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) hỏi: “Ngành Sư phạm mấy năm nay không thu hút được học sinh giỏi vào có phải chính sách cho ngành này không phù hợp. Liệu trong thời gian tới có gì thay đổi, mới không?

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) băn khoăn: “nhiều ngành khoa học nhân văn không tuyển sinh được, vậy giải pháp sẽ như thế nào?”

Ông Luận cho rằng, các trường Sư phạm có chính sách miễn học phí. Trong những năm đầu đã phát huy rất tốt, các trường sư phạm thu hút được nhiều học sinh giỏi, thí sinh thi được điểm cao vào học. 

“Bộ đang xem xét tính toán điều kiện để đề xuất với chính phủ có chính sách mới có đủ độ mạnh để thu hút thí sinh vào học các ngành sư phạm, khoa học xã hội nhân văn, các ngành nông- lâm- nghiệp mà xã hội rất cần”- Bộ trưởng cho hay.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.