56 người chết, 9 người mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

56 người chết, 9 người mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
Đó là số liệu tại cuộc giao ban sáng nay 10/8 của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (cùng thông tin bổ sung của TTXVN) về trận lũ lớn chưa từng có tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hà Tĩnh và Quảng Bình là 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lũ đã chia cắt địa hình, một số khu vực có dân cư bị cô lập; tổng số người chết lên tới 33 người (Hà Tĩnh 19 người, Quảng Bình 14 người). Tiếp theo là: Đắk Lắk 14 người; Lâm Đồng 5 người; Quảng Trị 1 người; Phú Yên 1 người; Gia Lai 1 người; Đắk Nông 1 người.

Ngoài ra, 9 người mất tích hiện chưa tìm thấy xác, trong đó riêng Đăk Lăk có 7 người, Hà Tĩnh 1 người, Lâm Đồng 1 người.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (có thời điểm mạnh lên thành bão số 2), các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa rất to trên diện rộng tạo nên trận lũ lớn lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 14/8 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,0m, tại Châu Đốc lên mức 2,4m. Hôm nay (10/8), mực nước sông Đồng Nai tiếp tục xuống chậm, tại Tà Lài xuống mức 112,7m (trên BĐII: 0,2m) và mực nước các sông ở Bắc bộ đang xuống và ở mức thấp hơn báo động I.

Mưa to và lũ lớn cũng đã gây thiệt hại về vật chất lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Lớn nhất là tỉnh Hà Tĩnh, thiệt hại khoảng 219 tỷ đồng. Tổng cộng đã có gần 54.500 căn nhà bị ngập, gần 400 nhà bị sập trôi; 1.000m3 đất đá sạt lở bồi lấp công trình thuỷ lợi; gần 99.000ha diện tích cây nông nghiệp bị ngập và hơn 4.000ha ao tôm bị ngập trôi.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và thành viên các Bộ, ngành đã nhanh chóng vào Hà Tĩnh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra.

Cấp uỷ, chính quyền các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã huy động tối đa các nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo công tác đối phó khắc phục hậu quả tại các vùng bị ảnh hưởng. Tại địa bàn 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình, địa phương đang tiếp tục hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà ở, cứu trợ mì tôm, gạo và thuốc men; xử lý môi trường đề phòng phát sinh dịch bệnh; từng bước ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 6 triệu đồng cho thân nhân người chết, 8 triệu đồng cho người chết khi làm nhiệm vụ, 500 nghìn đồng cho người bị thương; ngành y tế ở các vùng lũ duy trì trực cấp cứu và trực khám - điều trị 24/ 24h.

Thực hiện phương châm nước rút đến đâu ngành y tế hướng dẫn người dân xử lý môi trường đến đó để tránh nguy cơ bị dịch bệnh; tiến hành xử lý cloramin B và phèn chua được 1.124 giếng nước, hỗ trợ lương thực cho gần 10 nghìn người.Riêng huyện Cát Tiên đã chi khẩn cấp 160 triệu đồng để hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Lâm Đồng đề nghị Chính phủ hỗ trợ 20 tỉ đồng để khắc phục lũ lụt. Trong đó hỗ trợ dân sinh (người chết và bị thương, mua gạo cứu đói, hỗ trợ nhà bị sập... ) 3 tỉ đồng; hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi...) 4 tỉ đồng; hỗ trợ sửa chữa hạ tầng (giao thông, trường học, trạm y tế...) 9 tỉ đồng; hỗ trợ trang thiết bị cứu hộ, cứ nạn (ca nô, áo phao, phao cứu sinh...) 1 tỉ đồng và hỗ trợ xử lý môi trường 3 tỉ đồng.

Tại tỉnh Đắk Nông, mưa lũ làm ngập lụt, sạt lở nghiêm trong hệ thống đường giao thông, gây ách tắc trên quốc lộ 28 và quốc lộ 14C, các tuyến đường tỉnh lộ 1,3 và 4 đều bị hư hại nặng, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. ngành giao thông tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương khắc phục và sửa chữa những tuyến đường này, để phục vụ đi lại và sớm ổn định cuộc sống người dân vùng bị lũ.

Hiện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng kiểm soát việc ra khơi của các tàu thuyền và thông báo cho chủ các phương tiện biết hướng di chuyển của cơn bão số 3 để có biện pháp chủ động phòng, tránh.

Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai cần theo dõi diễn biến mưa lũ, tổ chức canh gác và kiểm soát chặt chẽ vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các bến đò ngang, đò dọc, các ngầm, tràn trên những đoạn đường giao thông thường bị ngập để đảm bảo an toàn cho người và tài sản./.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.