Ớn lạnh hàng Tết

Ớn lạnh hàng Tết
TP - Gần Tết, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, bánh mứt kẹo lại đẩy ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Hà Nội lo hàng Tết
> Tăng trữ để giữ hàng Tết

Lạp xưởng hứng bụi, phơi nắng ven đường Ảnh: L.N
Lạp xưởng hứng bụi, phơi nắng ven đường Ảnh: L.N.

Biến mỡ thối thành lạp xưởng

Sau khi chế biến từ mỡ, thịt thối, thêm gia vị cùng một số hóa chất, một số cơ sở sản xuất treo lạp xưởng lủng lẳng ngoài đường phơi nắng, hứng bụi, dẫn dụ khách mua với cái tên “lạp xưởng đặc sản”. Khi chúng tôi ghé vào tiệm bán lạp xưởng X. Lan ở phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM) hỏi mua lạp xưởng bỏ mối dịp Tết, bà chủ cơ sở cho biết, mua bao nhiêu cũng có: “Đây toàn lạp xưởng ngon, uy tín”.

Khi thấy chúng tôi ái ngại vì lạp xưởng phơi trong nắng gió bụi đường, bà chủ trấn an “chỉ để khách biết vào mua chứ cơ sở cung cấp đóng gói hẳn hoi”. Hỏi cơ sở ở đâu, bà này nói trên đường Phan Anh.

Khi cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất lạp xưởng Hồng Ngọc (137/107 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM), phát hiện lượng lớn lạp xưởng bẩn đang chuẩn bị xuất bán, còn lại đang chế biến, đóng gói. Tại cơ sở này, lạp xưởng được sản xuất rất mất vệ sinh. Hàng loạt dụng cụ, thành phẩm, thịt, mỡ… để la liệt dưới nền đất, cạnh nhà vệ sinh đầy ruồi nhặng. 500kg mỡ đã bốc mùi hôi thối đang chờ chế biến thành lạp xưởng.

Tại cơ sở Ngọc Linh ở quận Tân Phú, cảnh sát môi trường TPHCM phát hiện đang dùng mỡ thối trộn với mỡ mới để chế biến lạp xưởng. Chủ cơ sở khai mua mỡ tại các cơ sở giết mổ, sau đó ngâm tẩm phẩm màu, gia vị…rồi chế biến thành lạp xưởng. Mỗi ngày cơ sở Ngọc Linh xuất xưởng hơn 1 tạ lạp xưởng đi các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện 1,5 tấn mỡ thối, đã chuyển màu, bốc mùi được “hô biến” thành lạp xưởng tại cơ sở sản xuất Bảo Trân, phường Phú Thạnh, Tân Phú… Tất cả các cơ sở vi phạm này cho biết làm hàng để xuất lạp xưởng đi các tỉnh tiêu thụ dịp Tết.

Mứt, bánh kẹo “3 không”

Tại khu vực chuyên sản xuất mứt ở chung cư đường sắt trên đường Lý Thái Tổ, quận 3 TPHCM, các cơ sở sản xuất mứt Tết các loại bằng thủ công bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trong điều kiện sản xuất tạm bợ, không bảo đảm vệ sinh. Tại cơ sở Hòa M. trên đường này, do không còn chỗ để chế biến, nguyên liệu được phơi ngay trên đường hẻm, xung quanh xô chậu ngổn ngang, ruồi nhặng bu đầy những chậu me đã tách vỏ, hột. Ở một cơ sở khác, các thùng phuy để ngâm hạt me cũng đầy ruồi nhặng…

Có mặt tại chợ Bình Tây, quận 6 TPHCM, hàng loạt nhãn hàng mứt tết, đủ màu sắc bày bán tràn ra vỉa hè. Tại sạp Hồng Hà, khi hỏi về mứt tết, chủ cơ sở cho biết, có khoảng 50 loại nội và nhập từ Thái Lan. Mặc dù quảng cáo là mứt Thái, mứt của các thương hiệu nổi tiếng trong nước, nhưng hầu hết đều chứa trong các bao nilon lớn không nguồn gốc, thành phần, hạn dùng. Ở khu chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM), các loại mứt trái cây như mứt dừa, bí, nho, me…đều không đóng gói giăng khắp các lối đi giữa chợ.

Không chỉ mứt bán ở chợ tù mù về nguồn gốc, mứt Kaze lá dứa loại 1 kg của Công ty Mộc Thủy (đường TA 09, phường Thới An, quận 12 TPHCM), cũng làm người tiêu dùng kinh sợ khi Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện lượng lớn mứt này có chứa hóa chất Malachite green. Đây là hóa chất đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm do có nguy cơ gây ung thư, tổn thương chức năng gan.

Cần tẩy chay hàng bẩn

Theo ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, nhiều ngày qua thanh tra sở tập trung lực lượng kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết. Hiện Sở Y tế phối hợp với Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp TPHCM, tiến hành thanh tra các cơ sở chế biến, sản xuất bia rượu, bánh mứt, giò chả, thịt đông lạnh…

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay những mặt hàng thực phẩm Tết không đảm bảo nguồn gốc, hạn dùng để đảm bảo sức khỏe.

Theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục thú y TPHCM, hiện ngành chức năng chỉ kiểm soát được 80% nguồn thịt tiêu thụ tại các chợ chính thức tại TPHCM, còn hàng bán ở những chợ nhỏ, chợ tự phát, lề đường, quán ăn bình dân…gần như không kiểm soát được. Trung tâm thú y vùng VI cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 80.000 tấn thịt đông lạnh nhập về các cảng trong thành phố, trong đó 150 tấn thịt đùi gà, thịt gà xay không đạt chất lượng buộc phải tái xuất do bốc mùi hôi thối, tím tái, thịt và phủ tạng bị xuất huyết.

“Từ đầu tháng 12 đến nay đã kiểm tra 7 cơ sở sản xuất thực phẩm Tết gồm lạp xưởng, mứt và chế biến hải sản thì phát hiện tất cả các cơ sở kiểm tra đều vi phạm về vệ sinh thực phẩm” - đại diện Cảnh sát Môi trường TPHCM cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG