Dự án thép ngàn tỷ gỉ sét, phơi sương

Các ngân hàng đã giải ngân hơn 800 tỷ đồng vào dự án, nhưng nay nhà máy vẫn phơi sương, cỏ mọc đầy
Các ngân hàng đã giải ngân hơn 800 tỷ đồng vào dự án, nhưng nay nhà máy vẫn phơi sương, cỏ mọc đầy
TP - Dự án sản xuất thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), công suất 500 nghìn tấn/năm, được ngân hàng giải ngân gần ngàn tỷ đồng, nhưng chưa đi vào hoạt động đã ngừng thi công hơn năm nay.

> Khốn đốn vì dự án 16 tỷ đô

Các ngân hàng đã giải ngân hơn 800 tỷ đồng vào dự án, nhưng nay nhà máy vẫn phơi sương, cỏ mọc đầy
Các ngân hàng đã giải ngân hơn 800 tỷ đồng vào dự án, nhưng nay nhà máy vẫn phơi sương, cỏ mọc đầy.
 

Đại công trường… sắt gỉ

Năm 2008, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và người dân nơi đây vui mừng khi dự án Nhà máy gang thép có công suất 500 nghìn tấn/năm được khởi công, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, do Cty cổ phần Gang Thép Hà Tĩnh (Cty GTHT) làm chủ đầu tư (vốn điều lệ 885 tỷ đồng).

Dự kiến, nhà máy đi vào hoạt động năm 2010, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương.

Cty GTHT, gồm 4 cổ đông: Tập đoàn thép Vạn Lợi chiếm 58,4%; Cty cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành 34%, còn lại là của hai cổ đông cá nhân. Tổng thầu thi công dự án là một tập đoàn của Trung Quốc. Phần lớn tiền đầu tư bằng vốn vay của ngân hàng.

Chỉ vài tháng sau khi triển khai, Cty GTHT cơ bản đã đưa các hệ thống thiết bị về lắp đặt, xây dựng hệ thống nhà điều hành, nhà trộn… Đột nhiên, từ cuối năm 2009, những cán bộ, công nhân làm việc tại đây bắt đầu được chủ đầu tư thông báo tạm dừng thi công một số hạng mục.

Cuối tháng 2-2012, PV Tiền Phong có mặt tại đại công trường nhà máy thép của Cty GTHT, tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Chiếc cổng ra vào được xây bằng đá kiên cố, nay được rào bằng một đoạn thép mỏng, xung quanh cỏ mọc um tùm.

Từ phía cổng nhìn vào là hệ thống nhà điều hành, nhà trộn, hệ thống nạp nhiên liệu, nồi hơi nằm trơ trọi, màu vàng gỉ sắt của các thiết bị chảy lênh láng khắp tường nhà. Bên trong, từng kiện hàng gồm lò gió, vỏ quạt gió, các loại cầu trục… nằm trơ trọi, cỏ mọc um tùm.

Tại một số khu vực, dầu nhớt trong các thiết bị chảy ra lâu ngày đọng lại đen kịt. Dạo một vòng quanh công trường không một bóng người, thỉnh thoảng có vài con chuột đuổi nhau qua lại giữa các vỏ quạt gió. Đi về phía nhà làm việc của cán bộ, công nhân, một cánh cửa hé mở, bên trong có hai người đàn ông đang ngồi thu lu trên giường tự xưng là bảo vệ.

“Nhìn đống tiền phơi nắng, dầm mưa mà xót. Liệu dự án có tiếp tục không?”, người đàn ông trạc 45 tuổi hỏi bâng quơ. Người bảo vệ này cho biết, đã làm ở đây gần ba năm, công việc chính là ăn rồi ngủ bên đống thiết bị gỉ sét này. “Họ không làm nữa thì hoá giá đi lấy lại chút vốn. Cứ đà mưa nắng thế này vài tháng nữa bán phế liệu cũng khó”, người bảo vệ nói.

Ngân hàng ngồi trên lửa

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cho đến cuối năm 2010, các Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh) đã giải ngân cho Cty GTHT hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, VDB Hà Tĩnh gần 700 tỷ đồng, Vietcombank Hà Tĩnh 72 tỷ đồng và 54 tỷ và lãi khoảng 8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Lực, Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh, cho biết: “Cty GTHT đề nghị cho vay tiếp nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì nhiều lần ngân hàng yêu cầu các cổ đông của Cty GTHT góp đủ vốn điều lệ để xem xét cho Cty tiếp tục vay vốn nhưng họ không thực hiện, vả lại tới nay họ mất khả năng trả lãi gần chục tỷ đồng. Chúng tôi đã phải đưa khoản nợ này vào diện quá hạn, nợ xấu”.

Theo ông Lực, thời gian tới, nếu Cty GTHT không tái cơ cấu sớm để tiếp tục dự án, Vietcombank Hà Tĩnh sẽ phong toả tài sản của Cty.

Hiện lãnh đạo một số ngân hàng cho Cty GTHT vay đang như ngồi trên đống lửa, bởi tài sản thế chấp cho những khoản vay trên, chính là những máy móc, thiết bị của dự án. Mà đống máy móc này đang ngày một gỉ thêm, trong khi giám đốc Cty luôn đi vắng, gọi điện thoại cũng không dễ liên lạc được.

Ngoài ra, hiện có gần 100 con em Hà Tĩnh được Cty GTHT đưa đi học luyện gang, thép, nay đã học xong nhưng đang thất nghiệp.

Xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Trọng Tân-Phó Giám đốc Cty GTHT cho biết, dự án ban đầu có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng và hiện nay điều chỉnh lên mức 2.450 tỷ đồng.

Từ quý IV-2009, do Tập đoàn Vạn Lợi không góp đủ vốn nên Cty bắt đầu giảm tiến độ thi công, sau đó ngừng thi công hẳn từ quý III-2010 cho đến nay. Để bảo dưỡng thiết bị tránh hư hỏng, Cty đã hợp đồng với một đơn vị bảo dưỡng thiết bị.

“Hiện Giám đốc Cty Hoàng Văn Dũng đang sang làm việc với tổng thầu Trung Quốc để dự án sớm tiếp tục khởi động trở lại”. Về phương án tái khởi động dự án, ông Tân cho biết, Cty GTHT sẽ cơ cấu lại cổ đông để thu hút vốn.

Theo trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, ông Hồ Anh Tuấn, để Cty GTHT cơ cấu lại cổ đông, tháng 11-2011, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc gặp gỡ giữa đại diện Tập đoàn Vạn Lợi và lãnh đạo Tổng Cty Tài chính Cổ phần dầu khí Việt Nam và Tổng Cty xây lắp dầu khí Việt Nam để bàn về việc mua bán cổ phần. Tuy nhiên, do Nghị quyết 11 của Chính phủ, các tập đoàn, tổng Cty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành nên ách tắc cho đến bây giờ.

“Căn cứ theo luật đầu tư và luật đất đai, Ban QLKKT Vũng Áng thừa sức để rút giấy phép đầu tư của Cty GTHT từ lâu. Nhưng chúng tôi phải tạo điều kiện cho Cty thêm thời gian để khởi động trở lại”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian tới, nếu Cty không có động thái tích cực, Ban QLKKT Vũng Áng sẽ đưa ra phương án giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: “...Không có vấn đề gì đâu”

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nói: “Giám đốc Cty GTHT đang đi nước ngoài, tuần sau về sẽ triển khai, không có vấn đề gì đâu”.

Về hướng xử lý dự án, ông Cự cho biết, do khủng hoảng toàn cầu, doanh nghiệp gặp khó khăn, họ đang cơ cấu thay đổi lại chủ đầu tư, thay đổi lại vốn nên mình phải khuyến khích, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Tin sốc vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy; Khuyến cáo người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe
TPHCM 24/7: Tin sốc vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy; Khuyến cáo người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe
TPO - Tăng chuyến bay tại Tân Sơn Nhất dịp 30/4-1/5; Người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe vì không có tiền đóng phạt; Chặt hạ, di chuyển hơn 200 cây xanh để thi công nút giao An Phú; Vụ nữ tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy: Số tiền giao dịch hơn 25.000 tỷ; Hóa đơn tiền điện trong tháng 3 sẽ tăng mạnh... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.