21 ngư dân bị Trung Quốc bắt: Lại đỏ mắt người thân

21 ngư dân bị Trung Quốc bắt: Lại đỏ mắt người thân
TP - Ông Trần Mười, cha của anh Trần Hiền (thuyền trưởng tàu cá QNg 66074 TS), kể chuyện trong nước mắt.

>Yêu cầu Trung Quốc thả ngay 21 ngư dân Việt Nam

Con của thuyền trưởng Trần Hiền phải ở nhờ nhà nội mấy ngày qua Ảnh: Phú Đức
Con của thuyền trưởng Trần Hiền phải ở nhờ nhà nội mấy ngày qua Ảnh: Phú Đức .

Ông Mười nói: Đêm qua (21-3), Đài THVN truyền đi bản tin Nhà nước Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc thả vô điều kiện 2 phương tiện và 21 ngư dân của Lý Sơn bị bắt giam ở đảo Phú Lâm, tôi mừng lắm nhưng cũng thấy lo. Lo vì phía Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động phi lý và quyết liệt với ngư dân Lý Sơn... 

Nhưng ông Mười, 69 tuổi tin con trai mình sẽ có cách ứng xử hợp lý trong những ngày bị giam ở đảo Phú Lâm.

“Phía Trung Quốc xua đuổi, truy bắt tàu của nó khi hoạt động đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa là chuyện thường ngày nhưng nó cũng như nhiều ngư dân của Lý Sơn vẫn cương quyết không từ bỏ ngư trường này. Chỉ riêng trong năm 2011, tàu của con tôi bị phía Trung Quốc bắt lấy ngư lưới cụ, hải sản gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng nó vẫn không nao lòng”.

Ông Mười kể tiếp: Chỉ tội cho con Phúc vợ nó, vừa sinh nở lại đón tin dữ. Hai đứa con đầu, đứa lớp 2, đứa còn mẫu giáo, nheo nhóc lắm.

Chị Lê Thị Phúc vừa sinh con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 5 ngày nhưng vẫn gượng dậy, cho biết: Đêm 20-3, người phía Trung Quốc gọi điện về số máy của chị yêu cầu nộp tiền phạt 70.000NDT (khoảng 200 triệu đồng Việt Nam) vào tài khoản 220 101 240 902 195 037 thì tàu cá QNg 66074 TS và 11 ngư dân mới được thả về.

Chị Phúc bảo không có đủ khoản tiền đó, phía đầu dây cúp máy và từ đó không liên lạc lại được. “Những lần trước tôi vay mượn được, chứ nay mới sinh, gia đình gặp khó khăn thì lấy đâu ra”.

Ông Lê Vinh - chủ tàu QNg 66101TS ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn), kể: Tàu cá của ông do ông Bùi Thu (48 tuổi) làm thuyền trưởng cùng 9 ngư dân xuất bến ngày 29- 2.

Đến ngày 12-3, người nhà của ông Trần Hiền báo phía Trung Quốc đã bắt giam tàu và toàn bộ ngư dân ở đảo Phú Lâm. Từ đó đến nay, ông Vinh không nhận thêm thông tin gì về số phận con tàu cùng ngư dân trên tàu.

“Tàu của tôi liên tục bị phía Trung Quốc bắt lấy ngư lưới cụ, hải sản và bắt giam lần này là thứ 3 ở Hải Nam và Phú Lâm (tháng 8-2003, 9-2009 và 3-2012). Mỗi lần như thế phía Trung Quốc yêu cầu nộp 50.000 NDT mới được thả. Lần này thì yêu cầu 70.000 NDT” - ông Vinh cho biết.

Trên tàu cá của ông Vinh, cả cha con ông Bùi Thu và Bùi Văn Lan (27 tuổi) và cha con ông Lê Lớn (40 tuổi) - Lê Văn Vương (18 tuổi) quê ở xã An Bình đều bị bắt giam.

Bà Phan Thị Ánh, vợ thuyền trưởng Bùi Thu, nói: “Tôi bảo để thằng Lan học cái nghề gì đó kiếm sống nuôi vợ con. Nhưng ông nhà tôi cương quyết bảo để thằng Lan đi biển học hỏi kinh nghiệm để sau này có người nối nghiệp cha ông. Giờ đây lâm cảnh giam cầm khiến vợ con khô nước mắt”.

Do nhà cha mẹ chật chội, nên sau khi lập gia đình, anh Lan cùng vợ con thuê lại một căn nhà của hàng xóm để ở tạm với giá 300.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tươi, vợ của ngư dân Lê Lớn và là mẹ của thuyền viên Lê Văn Vương, ở đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn) khi nghe tin chồng con bị bắt, chị đã vượt biển từ đảo Bé sang đảo Lớn ngay trong đêm 20-3: “Ông nhà tôi là bạn chài lâu năm của chủ tàu Lê Vinh. Hôm chuẩn bị xuất bến cuối tháng 2, tôi bảo, ông có bệnh nên nghỉ đi. Nhưng ông ấy nói để đi với thằng Vương vài phiên biển nữa cho nó dày dạn kinh nghiệm rồi sẽ nghỉ”.

Mọi chi tiêu của gia đình đều trông cậy vào những phiên biển của chồng con và 2 sào hành tỏi, nhưng sản lượng hành tỏi vụ rồi chỉ bằng 1/3 năm trước, giá thì thấp.

Bà phải thường xuyên qua đảo Lớn làm thuê. Còn chị Lê Thị Hậu khóc sưng mắt khi biết tin chồng (ngư dân Nguyễn Lợi) bị bắt. Những ngày qua chị ôm bé Nguyễn Xuân Danh (12 tháng tuổi) đến nhà ông Vinh để chờ tin chồng.

Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương cho biết thêm, ngày 27-2, hai tàu cá QNg 96 197 TS (260 CV) của ông Phạm Mỹ có 15 lao động và tàu cá QNg 96 103 -TS của ông Lê Văn Phước (đều ở thôn Tây, xã An Vĩnh), có 16 lao động khi đang hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, xua đuổi không cho đánh bắt hải sản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG