Hà Nội muốn thu phí hạn chế phương tiện

Hà Nội muốn thu phí hạn chế phương tiện
TPO - Ngày 27-3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc thu phí vào nội đô để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô, trong giờ cao điểm là mong muốn của thành phố.

> "Gia đình tôi cũng hạn chế đi xe cá nhân"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố về giải pháp thu phí để hạn chế các phương tiện cá nhân vào nội đô trong giờ cao điểm, thưa ông?

Đây là mong muốn của thành phố để làm sao mục đích cơ bản nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô, vào trung tâm nội đô trong những giờ cao điểm. Bởi vì hiện nay, mật độ quá lớn, quá cao.

Nhưng để xây dựng phương án thu phí thế nào vào giờ cao điểm thì thành phố cũng đã có suy nghĩ, ý tưởng. Chẳng hạn như, tính lũy tiến giờ cao điểm (một giờ bao nhiêu đồng, giờ thứ hai tăng lên), mục đích khi người ta vào trung tâm cố gắng thời gian lưu lại phương tiện nhanh nhất, ngắn nhất để giảm thiểu mật độ và giãn mật độ trong nội đô.

Tuy nhiên, để xây dựng phương án tổ chức kiểm soát như thế nào hợp lý là bài toán rất khó vì đô thị trung tâm rất nhiều phố, ngõ, ngách nhỏ. Vì thế, việc kiểm soát thế nào bằng cửa, bằng cổng hay bằng vé lưu hành là bài toán đang phải nghiên cứu rất kỹ mới giải quyết được vấn đề này.

Thưa ông, thành phố đặt ra tiêu chí như thế nào để đánh giá vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông?

Vai trò, trách nhiệm cấp ủy chính quyền địa phương trước tiên phải tuyên truyền giáo dục, vận động và quán triệt. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Đây cũng là việc làm có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân, thực hiện đảm bảo an toàn, cũng như giảm ùn tắc giao thông. Sau nữa, trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp, chính quyền địa phương thực hiện một cách hiệu quả nhất nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tiên phải quan tâm đến nguồn lực để đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp, nhằm đáp ứng hạ tầng đối với giao thông trong đô thị.

Thứ hai, tham gia vào giải pháp tổ chức sắp xếp giao thông giảm thiểu ùn tắc trong nội đô mà những giải pháp này đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng hết sức quan trọng như: tham gia giữ gìn trật tự, mô hình cộng đồng tự quản, phong trào toàn dân ý thức tham gia vào phân làn phân luồng, trong vấn đề giữ gìn trật tự vỉa hẻ lòng đường.

Đây là việc chính quyền địa phương phải tham gia. Đặc biệt, khi để xảy ra những tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Còn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thành phố kiến nghị Thành ủy ra Nghị quyết đảm bảo an toàn giao thông của cả thời kỳ, giai đoạn từ nay đến 2015.

Và trong báo cáo, thành phố cũng mạnh dạn đề xuất tiêu chí đánh giá cấp ủy địa phương cuối năm, trong đó lấy đây là một tiêu chí về đánh giá, xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của chính quyền địa phương.

Nguyễn Tú ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG