Tái định cư bên miệng vực

Tái định cư bên miệng vực
TP - Một nghịch lý tại công trình thủy điện là sau khi quy hoạch, chủ đầu tư tự ý làm khu tái định cư (TĐC), không hỏi dân, thậm chí lờ luôn chính quyền địa phương. Hậu quả, đa số nhà nằm chênh vênh miệng vực

> Bài 1: Sau thủy điện sông tranh 2: Rừng tan hoang

Những ngôi nhà dân bỏ hoang tại khu TĐC thủy điện Sông Tranh. Ảnh: Nguyễn Thành
Những ngôi nhà dân bỏ hoang tại khu TĐC thủy điện
Sông Tranh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chấp nhận

Hằng trăm hộ dân ở 3 khu TĐC Thủy điện A Vương là Pachepalanh, Cutch Run (Đông Giang) và Alua Kala (Tây Giang) mấy năm qua luôn sống thấp thỏm bên miệng vực. Quá nhiều lần kiến nghị di dời, quá nhiều lần chống chọi với những bất cập.

Giờ đây, người dân đang tự chấp nhận số phận, vì đã di dời, dành đất cho thủy điện, chấp nhận ở nhà… chung cư giữa đại ngàn Trường Sơn (Báo Tiền Phong từ năm 2007 đến 2010 đã có nhiều bài phản ánh).

Anh Alăng Bhrai (khu TĐC Pachepalanh), ngán ngẩm: Chấp nhận thôi, kêu cứu nhiều rồi, giờ đành im lặng để còn làm ăn. Bhrai xem như đen nhất trong số 260 hộ dân ở đây. Bởi lẽ, nhà số 52 của anh ngay khi được nhận đã cách miệng vực chưa đầy 7m.

Càng ngày, ngôi nhà càng chênh vênh. Chỉ cần mưa lớn kéo dài hơn 3 ngày, kết hợp lũ thượng nguồn đổ xuống, ngôi nhà có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Cách đây 3 năm, huyện Tây Giang có quyết định di dời thôn TĐC Alua và Kala nằm chênh vênh bên dòng A Vương.

Và cho đến nay, dự án mới bắt đầu được… UBND tỉnh đồng ý chủ trương! Ông Bhling Mia – Chủ tịch huyện Tây Giang nói: “Đã hứa với dân nhiều lần quá rồi. Chắc chắn tháng 6 – 8 tới sẽ làm. Ngặt nỗi huyện không có vốn làm nhà cho dân”.

Trưởng thôn Kala, ông Hối Giang, kể: “Ở đây được 7 năm, nhưng người dân chưa ngày nào được yên thân. Mùa mưa lo sạt lở, mùa nắng cũng nằm không ở nhà vì không có đất trồng lúa, trồng bắp”. Cũng như những khu TĐC khác, cả hai khu Alua và Kala có không dưới 10 người dân đã bị ngã vì cầu thang gãy.

Khu TĐC Alua (xã Dang – Tây Giang) chênh vênh bên miệng vực. Ảnh: Nam Cường
Khu TĐC Alua (xã Dang – Tây Giang) chênh vênh bên miệng vực. Ảnh: Nam Cường.

Bỏ nhà, về làng cũ

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng, gần 1.000 hộ dân của huyện Bắc Trà My phải nhường đất đai nhà cửa cho lòng hồ thủy điện, chấp nhận di chuyển đến vùng đất mới.

Tuy nhiên, sau 6 năm, công trình thủy điện này hoàn thành và hoạt động thì cuộc sống của người dân vùng TĐC vẫn chưa thể ổn định. Đói nghèo vẫn bủa vây người dân khi chuyển lên vùng đất mới. Rừng phòng hộ tiếp tục bị tàn phá với mức độ nghiêm trọng.

Theo BQL dự án thủy điện 3, thủy điện Sông Tranh 2 sau khi vận hành đã nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Còn chính quyền huyện Bắc Trà My phải chật vật giải quyết những vấn đề phát sinh từ công trình này. Động đất, rò rỉ nước từ thân đập là những ảnh hưởng lớn nhất của thủy điện mang lại cho huyện nghèo.

“Từ khi thủy điện Sông Tranh 2 vào, riêng công việc hành chính của huyện đã phát sinh hơn 40% vì giải quyết chuyện của thủy điện” - ông Lê Văn Tuấn, chánh VP UBND huyện Bắc Trà My cho biết.

Tại Khu TĐC thuộc thôn 3, xã Trà Đốc nằm dưới thân đập thủy điện Sông Tranh, sau hơn 3 năm chuyển về nơi ở mới, người dân vẫn thiếu đất sản xuất. Từ cuối năm 2011 đến nay, động đất, nước thấm chảy từ thân đập khiến họ thêm hoang mang lo lắng.

Con đường dẫn vào khu TĐC thôn 3 hư hỏng xuống cấp nặng. Xe máy vất vả lắm mới có thể vào tới nơi. 72 ngôi nhà TĐC của thôn 3 (đều do BQL Dự án thủy điện 3 xây dựng theo mẫu thiết kế) đã xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn.

Thôn 3 xã Trà Đốc đã được chia thành 3A và 3B. Trong đó, 3A là điểm TĐC còn 3B là nơi người dân tìm về đất cũ với 20 hộ dân. Tại đây, địa phương đã dựng trường tạm để vận động học sinh đến trường.

Hầu hết nhà TĐC tường bê tông bong tróc, mái trần hư hại nặng nề, đặc biệt các hạng mục về gỗ như cửa, đòn tay đã mục nát. Nhà sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào Ca Dong mới đưa vào sử dụng nay cũng bỏ hoang mục nát. Cửa chính, cửa sổ của trường mẫu giáo và trường tiểu học đều hư hỏng. Đã có 20 hộ dân thôn 3 bỏ khu TĐC, trở về vùng lòng hồ để sinh sống, làm ăn.

Ông Đinh Văn Minh - trưởng thôn 3 đọc vanh vách tên 20 hộ dân của thôn bỏ TĐC vì khốn khó và thiếu thốn. “Nhà cửa xuống cấp, không có đất, nước không có một giọt, toàn thôn không đủ gạo để ăn thì dân bỏ đi là đúng. Họ quay về chỗ cũ để trồng trọt trên diện tích đất ngoài vạch”, ông Minh nói.

Không riêng gì 20 hộ dân trên, để có đất canh tác, toàn bộ người dân trong thôn đều đã quay lại nơi ở cũ để kiếm đất canh tác. “Ở mảnh đất chìm trong lòng hồ kia là nơi mà ngày xưa tôi có một vườn quế, một vườn cau. Tôi trồng đủ thứ cây, nào mía, nào ngô, có khi mô thiếu nông sản. Vậy mà từ khi về làng mới, hằng ngày tôi phải đi bộ cả 6-7 km để về đất cũ làm nông, khổ quá. Ở đây cái gì cũng thiếu, chắc bỏ làng đi mất thôi”, ông Đinh Văn Chót (80 tuổi), người còn trụ lại với khu TĐC nói.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị cấp cho mỗi hộ dân 1 ha đất để sản xuất. Có như vậy người dân mới an tâm ở lại làng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG