Dân đói, rừng bị tàn phá

Nhiều người dân phải sinh hoạt tạm bợ sau khi mất đất cho thủy điện sông Ba Hạ. Ảnh: Văn Tài
Nhiều người dân phải sinh hoạt tạm bợ sau khi mất đất cho thủy điện sông Ba Hạ. Ảnh: Văn Tài
TP - Hơn 5 năm qua, hàng trăm hộ dân hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để nhường đất xây dựng các công trình thủy điện. Các công trình thủy điện cũng ngốn hàng ngàn hécta rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

> Bài 2: Tái định cư bên miệng vực
> Bài 1: Sau thủy điện sông tranh 2: Rừng tan hoang

Nhiều người dân phải sinh hoạt tạm bợ sau khi mất đất cho thủy điện sông Ba Hạ. Ảnh: Văn Tài
Nhiều người dân phải sinh hoạt tạm bợ sau khi mất đất cho thủy điện sông Ba Hạ.  Ảnh: Văn Tài.

Thiếu đất sản xuất

Năm năm sau khi thủy điện Sông Ba Hạ hòa vào lưới điện quốc gia, thì cũng chừng đó thời gian những mùa rẫy thất bát vì đất cằn, những khó khăn ngày càng chồng chất đối với gia đình anh Anh Ma Tý ở buôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa).

Anh Tý cho biết, nhà có 8 miệng ăn nhưng chỉ có 100 m2 đất nên không biết phải làm gì, hằng ngày cả nhà vào rừng kiếm củi và hái rau rừng đổi gạo.

“Lúc dân di dời để nhường đất xây thủy điện thì hứa đời sống ở nơi ở mới sẽ gấp nhiều lần nơi cũ nhưng giờ muốn về nơi cũ thì nước đã ngập rồi”, anh Tý nói.

Tình cảnh của anh Tý cũng giống như hàng trăm hộ dân ở Suối Trai và xã Krôngpa phải di dời đất để nhường chỗ cho dự án thủy điện Sông Ba Hạ.

Tuy nhiên, đến quý 3-2011, sau nhiều năm vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, Cty CP thủy điện Sông Ba Hạ mới xây dựng xong cống nước tự chảy và san ủi 31,3 ha ruộng lúa 2 vụ ở xã Suối Trai (trong tổng số 110 ha do tỉnh Phú Yên và Cty làm chủ đầu tư) để dân trồng trọt.

Nhưng có ruộng, mà cũng như không. Bà H’ Luôn, dân tộc Ê Đê ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, nói: “Dân đói và chờ dài cổ mới có ruộng. Nhưng ruộng bậc thang quá cao dẫn đến mưa sạt lở, bồi lấp, mặt ruộng thì gập ghềnh, lại chưa có bờ lô, bờ thửa thì làm sao gieo trồng lúa?”.

Chưa kể ruộng không có đường nội đồng để dân đi lại sản xuất và thu hoạch.

Theo ông Lê Thanh Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ buộc hàng trăm hộ dân ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa phải di dời và mất hàng ngàn hécta đất nông nghiệp.

Riêng tại huyện Sơn Hòa có 386 hộ bị mất 890,93 ha đất, trong đó có 98 hộ thuộc diện phải tái định cư mất trắng đất sản xuất.

Để giải quyết đất nông nghiệp cho dân, Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ và các địa phương đã lập các dự án đầu tư xây dựng trạm bơm Buôn Lé (xã Krông Pa) tưới cho 300 ha. Nhưng đến nay, các dự án vẫn còn trên giấy.

Do vậy, kéo dài từ năm 2007 đến nay, đời sống của hàng trăm hộ dân di dời khỏi lòng hồ thủy điện bị xáo trộn, không có đất canh tác, trở nên nghèo đói, điêu đứng. Trong khi thủy điện Sông Ba Hạ mang nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.

Băm nát rừng đầu nguồn

Đầu năm 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên có báo cáo kết quả giám sát quá trình triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Trong đó nêu rõ hàng loạt tác động xấu của thủy điện đến tài nguyên, môi trường và đời sống dân sinh vùng dự án, đặc biệt là mất hàng ngàn hécta rừng.

Phú Yên có 3 thủy điện lớn đang hoạt động là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng với tổng công suất 354MW.

Ba thủy điện này ngốn hơn 10.024 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, gồm hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, nói: “Diện tích rừng mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện trồng lại (theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ) là không đáng kể so với tổng diện tích rừng đã mất”.

Và đến nay, việc trồng trả rừng vẫn chưa thực hiện xong. Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ chưa trồng 204 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phục hồi cảnh quan môi trường tại hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Công ty CP Sông Ba (chủ đầu tư thủy điện Krông H’Năng) chưa trồng 175ha rừng theo quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh có trồng một diện tích rừng ở khu vực nhà máy, song chưa đưa ra được số liệu để chứng minh.

Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, thừa nhận: “Đúng là chúng tôi có chậm trồng trả lại rừng theo cam kết. Dự kiến mùa mưa năm 2012 mới có thể trồng 25/204 ha”.

Trong khi đó, vẫn chưa có quy định doanh nghiệp thủy điện trích lợi nhuận để cùng địa phương trồng lại rừng bị mất.

Cuối tháng 3-2011, tỉnh Phú Yên ra quyết định qui hoạch và tiếp tục phát triển 12 thủy điện nhỏ với tổng công suất 71,2MW.

Theo nhiều chuyên gia các thủy điện nhỏ này đều ở khu vực rừng và sông suối nên sẽ tiếp tục làm mất rừng, mất đất và làm khổ dân.

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên, đến nay cả 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động đã được cổ phần hóa.

“Trong nhiều kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan trung ương, chúng tôi đề nghị Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư khi cổ phần hóa các công trình thủy điện phải tính đầy đủ giá trị diện tích rừng bị mất, giá trị đất, từ đó xác định tổng giá trị này là cổ phần của địa phương trong các công ty cổ phần thuỷ điện.

Các công ty cổ phần thủy điện phải trả cổ tức cho ngân sách địa phương để đầu tư trồng lại rừng, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống của người dân vùng dự án”, ông Học nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.