Cần chấm dứt thủy điện ăn theo

Hồ đập thủy điện A Vương Ảnh: Nam Cường
Hồ đập thủy điện A Vương Ảnh: Nam Cường
TP - Cần chấm dứt ngay tình trạng thủy điện nhỏ ăn theo thủy điện lớn, và thủy điện miền Trung cần ngay một tổng quản có năng lực quản lý thực sự, Th.s Nguyễn Đăng Thạch, giảng viên chính Khoa Thủy lợi - Thủy điện (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nói.

Thủy điện nhỏ phá nát quy hoạch

Theo Th.s Thạch, quy hoạch tổng thể ban đầu về thủy điện ở miền Trung là đúng. Tuy nhiên, sau đó, sự ra đời ồ ạt của hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ đã phá nát quy hoạch ban đầu.

“Sông Tranh 2 là thủy điện lớn, cần nghiêm túc mời các chuyên gia tư vấn độc lập, thậm chí mời tư vấn nước ngoài để thẩm định, chẩn bệnh và có hướng khắc phục triệt để.

Tuy nhiên, thủ phạm gây nên đại nạn phá rừng, góp lũ, gây hạn, xáo trộn đời sống của người dân… chủ yếu vẫn là thủy điện vừa và nhỏ”, ông Thạch nói.

Th.s Thạch cho rằng, hiện nay quy hoạch thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Ba (Phú Yên) diễn ra lộn xộn, mạnh ai nấy làm, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

“Theo quy hoạch ban đầu, thường gọi là thủy điện 5, do Thủ tướng phê duyệt, chỉ có một số thủy điện lớn, do EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi thủy điện 5 chưa xong, đã có quy hoạch thủy điện 6, rồi tới 7. Cả hai đều dựa vào quy hoạch ban đầu, nhưng đã có thay đổi lớn khi có quá nhiều thủy điện ăn theo.

Đây là dạng thủy điện vừa và nhỏ, sức tàn phá môi trường lớn trong khi đóng góp điện chẳng được bao nhiêu. Vì thế, việc trước mắt là cần phân loại, chấm dứt ngay dạng thủy điện này. Không cho làm thêm nữa”, Th.s Thạch nói.

Hiểu thủy điện ăn theo như thế nào, thưa ông?

Đây là loại thủy điện không cần hồ chứa, chỉ cần xây đập dâng, hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên. Nước lớn thì phát điện, nhỏ coi như bó tay. Một số nhà máy không ăn theo thủy điện lớn, dần dần không hiệu quả.

Sau đó, người ta bắt đầu nghĩ cách là xây nhà máy thủy điện (NMTĐ) nhỏ, trung bình từ 15 - 30MW, dưới nhà máy có công lớn để hưởng lợi nguồn nước mà các hồ chứa nhà máy lớn đã tích nước, xả xuống.

Ví dụ, lúc đầu chỉ có thủy điện Đăk Mi 4 và Đăk Mi 1, nhưng ngay sau đó Đăk Mi 1 xẻ thành 3 dự án, là Đăk Mi 1,2,3, hoặc Sông Bung 2, ngay phía dưới có Sông Bung 4.

Hoặc dưới A Vương có Sông Bung 5. Còn rất nhiều dự án nhỏ khác, như Sông Côn 2, Za Hung, An Điềm, Tr/Hy… đã và đang mọc lên. Công suất phát điện theo công thức N = KQH, trong đó K (hệ số máy, tuốc bin, chuyển động), Q (lưu lượng phát điện) và H (chiều cao cột nước phát điện).

Như vậy, các thủy điện nhỏ phải dựa vào hệ số Q của NMTĐ lớn. Nói tóm lại là ăn theo lưu lượng của NMTĐ lớn.

Vì sao có tình trạng quy hoạch chồng chéo như vậy?

Đó là câu chuyện dài, nói cho nhanh là do sự quản lý yếu kém và những bất cập ngay trong công tác quản lý giữa các bộ, ban, ngành.

Quy hoạch ban đầu là đúng, chỉ cho phép 8 thủy điện (năm 2003, sau đó chia Đăk Mi 1 ra thành 3 dự án, tổng cộng là 10 NMTĐ lớn - PV).

Nhưng sau đó, tỉnh Quảng Nam lại quy hoạch tiếp 30 thủy điện nhỏ và vừa (năm 2004), rồi tới năm 2010 thì vọt lên 63 NMTĐ, sau đó thấy quá nhiều nên lược bớt, còn 47.

Tuy nhiên, đó vẫn là con số khổng lồ, đủ sức tàn phá tan hoang đại ngàn Trường Sơn. Đáng lẽ ra, chỉ có Bộ mới được cấp phép, đằng này, tỉnh cũng có quyền. Thế là mạnh ai nấy làm.

Làm thủy điện cứ… nằm mà hưởng lợi!

Hồ đập thủy điện A Vương Ảnh: Nam Cường
Hồ đập thủy điện A Vương.  Ảnh: Nam Cường.

Làm thủy điện là sướng nhất, là một trong những ngành kinh doanh hốt bạc nhất, lại được nhiều ưu đãi. Vì thế, xây xong nhà máy, cứ thế nằm mà hưởng lợi, Th.s Thạch nói.

Có vẻ hơi quá?

Tháng 4-2005, Bộ NN&PTNT thành lập BQL quy hoạch lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy nhiên, vai trò của ban này rất mờ nhạt, thậm chí không hoạt động thực chất nên đã đổi tên thành BQL lưu vực Vu Gia - Thu Bồn do Bộ TN&MT phụ trách, theo ông Thạch.

Không quá đâu! Luật Doanh nghiệp ra đời, ai có vốn đều được nhảy vào đầu tư. Cái thứ nhất là ưu đãi về thuế. Theo tìm hiểu của tôi, làm thủy điện 5 năm đầu miễn thuế (miễn thuế kinh doanh là 25%, còn phí môi trường vẫn đóng, không đáng kể, khoảng 2% tổng thu nhập), 5 năm sau chỉ nộp 50% thuế.

Có thể vốn ban đầu hơi cao, khi 1MW phải tiêu tốn 20-25 tỷ (riêng Sông Bung 2 là 37 tỷ/1MW), nhưng bù lại, chi phí vận hành thấp, chỉ khoảng 0,3 – 0,5% tổng thu.

Rồi thiết bị cũng không phải loại hiện đại của Nhật hay Mỹ mà đa số mua của Trung Quốc. Chưa hết, mỗi NMTĐ được giao diện tích đất rừng khá lớn, như Sông Tranh 2 được giao khai thác và bảo vệ tới 1.100km2.

Dĩ nhiên, cái này kèm theo là gỗ, mà rừng tự nhiên toàn gỗ quý, rồi đá, cát… Phải để ý rằng, nguyên vật liệu xây dựng chiếm đến 30% trong tổng chi phí đầu tư, mà cái này họ có sẵn từ rừng.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ ở Gia Lai cũng nhảy vào thủy điện. Có lý do cả đấy.

Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bức xúc vì EVN mua giá điện quá thấp?

Tôi đã đọc nhiều văn bản thỏa thuận mua bán điện giữa các chủ đầu tư với EVN, đa số đều chốt một giá, không có điều khoản tăng theo giá hoặc thời điểm. Ấy thế mà sao họ (chủ đầu tư - PV) vẫn cam chịu, vẫn ào ào nhảy vào cuộc. Vì lãi quá, làm thủy điện sướng quá, được ưu đãi quá. EVN mua điện Trung Quốc cao hơn nhiều so với mua của doanh nghiệp trong nước, chủ đầu tư chỉ bức xúc giả vờ thôi.

BQL lưu vực Vu Gia - Thu Bồn cần lên tiếng ngay

Theo Th.s Thạch, nếu tiếp tục để quy hoạch tràn lan, NMTĐ mọc lên như nấm ở miền Trung sẽ rất nguy hại cho vùng hạ du. Vì thế, phải cần có ngay một cơ quan quản lý, nhận trách nhiệm. Và đó phải là BQL lưu vực Vu Gia - Thu Bồn.

Cơ quan này đã có, nhưng vai trò mờ nhạt?

Họ có làm đâu mà mờ nhạt. Cái BQL này chỉ là hữu danh vô thực, và dường như không ai muốn làm. Các bộ quản lý thì chồng chéo, đối chọi nhau. Bộ TN&MT quản lý nước, Bộ NN&PTNT sử dụng nước, thủy điện lại thuộc Bộ Công Thương.

Không còn giải pháp nào?

Có. Phải hình thành ngay BQL lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Quy trách nhiệm rõ ràng. Ai muốn làm thủy điện, phải được sự đồng ý của Ban này. Quan trọng nhất là nhân sự phải có chuyên môn thẩm định cao. Không thể lơ mơ được.

Lập ban xong, rà soát, bỏ đi các thủy điện không cần thiết. Ban này là tổng quản ở miền Trung, Bộ TN&MT phải đảm nhận, có sự tham gia liên ngành. Như BQL lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng chẳng hạn. Họ làm rất hiệu quả mà sao miền Trung không làm được?

Cảm ơn ông.

Th.s Nguyễn Đăng Thạch là chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch thủy điện miền Trung, đã có 2 đề tài cấp Bộ về thủy điện bậc thang vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Ba (Phú Yên).

Ông cũng là thành viên duy nhất (2 thành viên còn lại là cán bộ của Sở NN&PTNT) được UBND TP Đà Nẵng mời tham gia tổ tư vấn, khảo sát trong vụ kiện đòi nước gây xôn xao dư luận giữa Đà Nẵng và chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 (IDICO).

Nam Cường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.