Dứt điểm 528 vụ bức xúc kéo dài

Dứt điểm 528 vụ bức xúc kéo dài
TP - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2- 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật 528 vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài.

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai:

Dứt điểm 528 vụ bức xúc kéo dài

Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai.

70% khiếu nại về đất đai

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC) và tiếp nhận, xử lý hơn 672 nghìn đơn thư. Số lượng công dân KNTC ngày càng tăng cả về số đoàn đông người, số vụ việc. Từ 187.037 vụ việc năm 2008 tăng lên 236.466 vụ việc năm 2011. Năm 2008 có 2.466 lượt đoàn đông người tăng lên 4.056 lượt đoàn năm 2011.

Đáng chú ý, có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người. Trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối. Trong một số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Một số vụ việc khiếu kiện người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm.

Theo Thanh tra Chính phủ, nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu liên quan đất đai (chiếm trên 70%). Trong đó, nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Nguyên nhân khách quan là chính sách bồi thường cho người dân còn nhiều bất cập, giá đất bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán; có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường giá chuyển nhượng lại cho người khác nên người dân không nhất trí với phương án bồi thường. Thêm vào đó, công tác quản lý về đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo, nhiều cán bộ lợi dụng, tham nhũng tiêu cực, trục lợi, làm giàu bất chính từ đất nhưng không bị xử lý
nghiêm minh.

Người dân Chương Mỹ (Hà Nội) khiếu kiện vì đất trồng lúa bị lấy làm nhà máy Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân Chương Mỹ (Hà Nội) khiếu kiện vì đất trồng lúa bị lấy làm nhà máy Ảnh: Hồng Vĩnh.

Còn né tránh, đùn đẩy

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhận định, tranh chấp, KNTC về đất đai vẫn còn có những phức tạp, vụ việc khiếu nại vượt cấp, đông người ở địa phương có chiều hướng tăng, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án thu
hồi đất.

“Khi cưỡng chế phải có phương án hết sức chặt chẽ, đúng pháp luật. Tinh thần là không được dùng vũ khí nóng, không được sử dụng quân đội tham gia cưỡng chế” - Thủ tướng nói

Theo ông Hiển, đất đai là vấn đề phức tạp, nhưng tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế. Trong quá trình giải quyết, nhiều nơi chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, quá trình thẩm tra chưa đi sâu, tìm hiểu kỹ các tài liệu trong hồ sơ, chưa phân tích kỹ để xác định đúng chứng cứ nên có trường hợp áp dụng chưa phù hợp, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Một số nơi cán bộ địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn đúng cơ quan có thẩm quyền, để tình trạng người khiếu nại đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn gửi rất nhiều cơ quan nên tình trạng chuyển đơn lòng vòng vẫn xảy ra. Khi phát sinh khiếu kiện lãnh đạo các địa phương đã không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy, dẫn đến tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp lên trung ương.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng chủ tịch UBND huyện lại có nhiều việc phải thực hiện, thời gian và công sức bỏ ra để giải quyết KNTC chưa được nhiều nên ở một số nơi còn những vụ việc khiếu nại không được giải quyết kịp thời, chất lượng giải quyết không cao, dẫn đến tái khiếu kiện, thậm chí có những trường hợp vi phạm trong giải quyết KNTC.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha không đồng tình và cho rằng, không thể nói chủ tịch huyện bận nhiều việc nên không quan tâm giải quyết KNTC bởi chủ tịch cấp nào cũng bận cả. Nếu nói như vậy là thiếu trách nhiệm. Theo ông Pha, nơi nào chính quyền chủ động đối thoại thì giải quyết tốt, nơi nào dùng mệnh lệnh hành chính thì kết quả không tốt.

Mệt mỏi, day dứt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng thừa nhận, giải quyết KNTC nhiều lúc rơi vào tình trạng mệt mỏi, day dứt, thậm chí bất lực. “Tỉnh đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng kết quả không được như mong muốn, chúng tôi rất mệt mỏi và day dứt, có lúc gần như là bất lực, không tìm được lối ra”- Ông Nưng nói. Tuy nhiên, ông Nưng hứa với Chính phủ, An Giang sẽ quyết tâm, không bỏ cuộc, các vụ việc vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Về nguyên nhân khiếu kiện đông người và vượt cấp, ông Nưng cho rằng, do tâm lý người đi khiếu kiện là không tin cấp tỉnh, huyện. Chính sách chưa đồng bộ. Cơ chế giải quyết KNTC có lúc nghiêng về luật, có lúc nghiêng về chính trị, kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Ngoài ra, người dân còn có tâm lý khiếu nại cầu may, khiếu kiện không
mất gì.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, thành phố “không bảo thủ, luôn cầu thị”. Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì chưa đúng thì phải thừa nhận và kiên quyết sửa chữa. Tuy nhiên, những vụ việc nào qua rà soát thấy đúng thì phải khẳng định chứ không vì áp lực dư luận, người dân đeo bám mà không dám xử lý. Ông Điền cho rằng, phải xử lý đồng bộ các vấn đề. Hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhất là Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào cho biết, quá trình thực hiện vụ việc tại Văn Giang đã đảm bảo đúng trình tự pháp luật. “Ngày 22-4 vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các lực lượng hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sau cưỡng chế, tình hình nhân dân 3 xã trong dự án đã ổn định, nhiều hộ dân không nhận tiền hỗ trợ đền bù đã nhận ra sai lầm vì nghe nhóm chống đối xúi giục và kích động”- Ông Hào nói.

Giải quyết dứt điểm 528 vụ việc bức xúc, kéo dài

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm. Cả nước còn 528 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Nếu không quyết liệt, đề cao trách nhiệm, làm tới nơi tới trốn thì tình hình sẽ phức tạp, là mầm mống gây mất ổn định chính trị- xã hội nếu chúng ta không giải quyết tốt.

Đối với 528 vụ việc này, Thủ tướng đề nghị, hoàn thiện hồ sơ giải quyết từ cấp xã tới trung ương, còn khiếu nại điều gì, phương hướng sắp tới?. Lập Hội đồng thẩm định mới MTTQ, các đoàn thể, luật sư tham gia. Công khai phương án xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không để tình trạng chuyển đơn lòng vòng. Vụ nào chính quyền sai thì phải nhận lỗi và sửa. Nếu giải quyết đúng nhưng đời sống người dân quá khó khăn thì cần xem xét hỗ trợ cụ thể. Trường hợp những người cố tình không chấp nhận, bị đối tượng xấu kích động gây rối, thì vì lợi ích chung phải cưỡng chế
thi hành.

Thủ tướng yêu cầu, khi thu hồi đất làm khu kinh tế, đô thị phải rất chặt chẽ. Từ đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị là giá trị cao gấp nhiều lần. Nên nếu xử lý không khéo sẽ phức tạp. Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, hoàn thiện pháp luật về đất đai. Hiện nay trung ương quy định khung giá, chủ tịch tỉnh quyết định giá hằng năm. Tới đây đề xuất hướng, trung ương chỉ quy định phương thức định giá, còn địa phương quyết định mức giá theo hướng ổn định trong một giai đoạn chứ không thay đổi hằng năm. Thu hồi đất có giá trị sử dụng thấp chuyển sang đất có giá trị cao, đất nông nghiệp sang khu đô thị thì làm sao hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc hài hòa thế nào thì hiện nay chưa rõ, còn lúng túng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.