Phong bì 'bôi trơn': Phổ biến

Họp báo công bố PAPI 2011
Họp báo công bố PAPI 2011
TP - Số tiền người dân phải “bôi trơn”, trung bình lên tới 7,4 triệu đồng/năm. Trung bình toàn quốc chỉ có 12,86% số hộ gia đình bị thu hồi đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường.

> Nạn phong bì làm méo mó xã hội

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lượng khiếu kiện đất đai ngày một tăng và làm giảm sút niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền.

TS Đặng Ngọc Dinh nói, ông không bất ngờ về số tiền người dân phải “bôi trơn”
TS Đặng Ngọc Dinh nói, ông không bất ngờ về số tiền người dân phải “bôi trơn”.

Đây là công bố ngày 3- 5 của nhóm nghiên cứu về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2011 - cuộc khảo sát toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Hơn 13.600 người dân tham gia trả lời phỏng vấn về những kinh nghiệm thực tế liên quan hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền địa phương.

“Phong bì” phổ biến trong y tế, giáo dục

Về chỉ số kiểm soát tham nhũng, qua khảo sát cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công diễn ra khá phổ biến. 31% số người trả lời cho biết, đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh.

Đáng lưu ý, số tiền phải chi ngoài quy định cho y, bác sĩ lớn nhất lên tới 29,2 triệu đồng/lần ở Cà Mau, và thấp nhất ở Điện Biên với 5 nghìn đồng/lần.

Những con số này cho thấy “chung chi” hay “quà cảm ơn” mà bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cho cán bộ y tế mà nhiều người gọi là “văn hóa phong bì” đã thành thông lệ.

Theo nhóm nghiên cứu, ranh giới giữa một giá trị mang tính cám ơn qua 5 nghìn đồng với một giá trị lên tới gần 30 triệu đồng dễ dẫn đến sự nhầm lẫn và chấp nhận hành vi tham nhũng vặt trong y tế. “Quà cảm ơn” dẫn tới hệ quả cơ chế “xin- cho” có đất sống và tham nhũng trở thành vấn nạn mang tính phổ biến.

Nghiên cứu cũng cho thấy, có tới 50,18% số người đã đi khám, chữa bệnh hoặc có người thân đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện đã hối lộ cán bộ y tế để được chăm sóc tốt hơn.

Mức tiền hối lộ trung bình trên toàn quốc ở bệnh viện tuyến huyện là 2,6 triệu đồng, và ở trường tiểu học để học sinh được quan tâm đặc biệt hơn là 1,2 triệu đồng. Trong đó, giá trị lớn nhất chi ngoài quy định ở trường tiểu học là tại Hải Phòng với mức 11,2 triệu đồng.

Ngoài ra, hiện trạng đưa hối lộ khi đi làm thủ tục liên quan quyền sử dụng đất dường như phổ biến nhất ở Quảng Ninh. Đối với mức tiền hối lộ để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân Hải Phòng dường như phải chi nhiều nhất bởi giá trị trung bình là 9,8 triệu đồng…

Trả lời Tiền Phong về mức độ tham nhũng theo khảo sát, TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, cho rằng, người dân rất công bằng, không nói xấu cũng như nói toàn tốt về chính quyền.

Theo số liệu thu được, vấn đề cải cách hành chính được người dân đánh giá tốt. Nhưng khi được hỏi có phải “lót tay” ở bệnh viện, trường tiểu học không thì người dân trả lời rất rõ.

“Tôi không bất ngờ về số tiền người dân phải “bôi trơn”, trung bình lên tới 7,4 triệu đồng/năm trong các lĩnh vực. Tình hình tham nhũng ở Việt Nam đã trở nên phổ biến nên khắc phục phải cần thời gian dài”- ông Dinh nói.

Chỉ 12% hộ bị thu hồi đất hài lòng về giá đền bù

Họp báo công bố PAPI 2011
Họp báo công bố PAPI 2011.

Một phát hiện nghiên cứu quan trọng nữa đó là trong số gần 30% số hộ gia đình bị thu hồi đất, chỉ có một số ít cho biết giá đền bù đất xấp xỉ giá thị trường. Đặc biệt, 100% số hộ gia đình bị thu hồi đất ở Đắk Lắk cho biết giá đền bù thấp hơn giá thị trường.

Tính trung bình toàn quốc, chỉ có 12,86% số hộ gia đình bị thu hồi đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường, tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ 17% của năm 2010.

Theo PAPI, vấn đề đền bù thu hồi đất vẫn còn nan giải và đang tạo ra dư luận về khả năng tham nhũng đất đai.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới những bất bình trong người dân, số lượng khiếu kiện đất đai ngày một tăng, làm giảm sút niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có gần 20% người trả lời trên toàn quốc được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (năm 2010 là 24,5%). Thậm chí, ở Trà Vinh chỉ có 3,4% người dân được biết thông tin quan trọng này.

Ông Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện của QH cho rằng, PAPI đã phản ánh phần nào tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Những thông tin, số liệu, nhận định của PAPI rất quan trọng, là nguồn tham khảo của các đại biểu QH khi tham gia hoạt động lập pháp, giám sát, chất vấn tại QH.

Cố vấn về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP Jairo Acuna-Alfaro cho rằng, từ số liệu PAPI, lãnh đạo các địa phương sẽ biết được nhìn nhận của người dân, từ đó có những kế hoạch để giải quyết những hạn chế, cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Trên toàn quốc, chỉ có 22,95% số người được hỏi cho rằng chính quyền tỉnh/thành phố của họ đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Trong số 330 người trả lời trên toàn quốc cho biết cá nhân họ hoặc người thân trong gia đình đã bị cán bộ xã/phường vòi vĩnh, nhưng chỉ có 13,27% cho biết họ đã tố cáo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG