Cần loại bỏ lợi ích nhóm

Cần loại bỏ lợi ích nhóm
TP - Cần chỉ rõ mô hình tăng trưởng giai đoạn tới là gì, nguồn lực ở đâu? Và đặc biệt, phải loại bỏ nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm thì Đề án mới có thể phát huy tác dụng.

> Đề án tái cơ cấu kinh tế chưa chú trọng phát huy nguồn lực

Đó là ý kiến ĐBQH thảo luận tổ về đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, hôm qua 24-5.

Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 24-5. Ảnh: Thông Tấn Xã Việt Nam
Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 24-5. Ảnh: Thông Tấn Xã Việt Nam.

Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Đề án của Chính phủ còn quá sơ sài, chưa hoàn thiện và mới chỉ là “bản phác thảo ban đầu. Cho nên, đọc nghe thì thú vị, nhưng không biết phải làm như thế nào”- Ông Ngân nói.

“Các giải pháp Chính phủ nêu ra còn khá chung chung, giống với mục tiêu chung. Đề án cần chỉ ra cái cụ thể phải làm, nguồn lực ở đâu để thực hiện, thậm chí cần có chỉ tiêu định lượng để đo lường chất lượng tái cơ cấu” - ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề nghị.

Theo ông, cần đi vào cái cụ thể, từng vấn đề, ví dụ phân bổ nguồn lực tới đây ra sao; hay đối với DNNN, phải tái cơ cấu về thể chế quản lý, cơ chế sở hữu, cho đến kiểm tra, giám sát, minh bạch thông tin; minh định trách nhiệm người thay mặt nhà nước quản lý vốn, tài sản.

Thậm chí, có thể phải hình thành cơ chế tổ chức việc thi tuyển Ban giám đốc ở các tập đoàn.

Không ít ĐB cho rằng, đề án đánh giá thực trạng nền kinh tế còn chung chung, nên có tổng rà soát thực trạng nền kinh tế, thông qua điều tra, nắm chắc nguồn lực để đưa ra chính sách phù hợp.

Lo lợi ích nhóm chi phối

 Một thời gian chúng ta đã có lỗi với nông nghiệp, nông thôn - nơi chiếm tới 70% dân số, hơn 48% lao động, đóng góp vào GDP tới 22%. Nhưng từ năm 2000-2010 chúng ta chỉ đầu tư cho lĩnh vực này nguồn vốn ít ỏi, chỉ chiếm 6,4% GDP mà thôi. Vì vậy cần cân đối lại 

ĐB Ngân kiến nghị

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đánh giá, đầu tư công hiện nay rất lãng phí, hàng ngàn dự án dở dang, tình trạng “làm được một đồng nhưng lại tiêu tới mười đồng” khá phổ biến.

Chính tham nhũng xảy ra do quản lý đầu tư lỏng lẻo ở lĩnh vực đầu tư công. Nêu dẫn chứng Vinashin còn đang tái cơ cấu, lại xảy ra Vinalines, ngân hàng mọc lên như nấm, bất động sản đầy rủi ro, lừa đảo… ông Đương cho rằng phải tìm ra nguyên nhân của những yếu kém.

Đã đến lúc phải khởi tố những dự án gây thất thoát tiền ngân sách để tìm ra nguyên nhân. Không ít ĐB lo ngại tình trạng tham nhũng hiện nay có thể ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu.

“Vì sao ta có thanh tra, Quốc hội có các Ủy ban tiến hành giám sát, nhưng lãng phí đầu tư, thất thoát vẫn cao. Phải giám sát kĩ việc sử dụng vốn ở các tập đoàn nhà nước vì đó tiền thuế của người dân, phải được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả” - ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cảm thấy “bị sốc” trước một Đề án quan trọng, sẽ tiêu hàng nghìn tỷ tiền ngân sách, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống nhân dân - nhưng QH chỉ cho ý kiến! “Chạy quyền, chạy chức, chạy dự án, tôi nghe thấy thế, nhưng không khéo chúng ta lại vào ma trận đó đấy”- Ông Quyền nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị đánh giá đúng thực trạng tham nhũng hiện nay (trong đề án) để lường trước khả năng cản trở của nó trong quá trình tái cấu trúc.

Theo ông, nếu vẫn con người ấy tham gia vào quá trình tái cơ cấu thì rất khó chuyển, bởi “làm sao mà người ta tự nhổ răng, tự cắt ruột thừa của mình?”. Cần đột phá, vượt qua sự chi phối của lợi ích nhóm trong các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công, tập đoàn… “Nếu không khắc phục, tình hình sẽ vẫn như cũ, kinh tế sẽ không thể cất cánh, mà sẽ kéo dài đi theo đường ngang, sẽ thất bại” - Ông Nghĩa lo ngại.

Cùng suy nghĩ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh đề cao tái cơ cấu nguồn lực con người - sử dụng cán bộ sao cho có thể loại bỏ được lợi ích nhóm. “Nếu không triệt tiêu được tư duy lợi ích nhóm thì tái cơ cấu cũng vô nghĩa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG