Được mía, mất rừng

Được mía, mất rừng
TP - Ven quốc lộ 26 từ buôn Tương (Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) lên đèo Phượng Hoàng (M’Drak) trước kia là rừng căm xe (còn gọi là cẩm xe) xanh tốt, nay chỉ còn vài đám cây căm xe giữa các rẫy mía.

> Mía khô, dân khổ

Rẫy mía lấn dần rừng căm xe
Rẫy mía lấn dần rừng căm xe.

Tấm bảng lớn bằng bê tông, ghi: “Rừng căm xe, nghiêm cấm khai thác, chặt, đốt cây, làm rẫy” đứng lạc lõng giữa những rẫy mía, những đống mía vừa chặt, chờ xe chở đi.

Anh Tăng Văn Thông cho biết, bốn anh em anh theo cha mẹ từ Diễn Châu (Nghệ An) vào Ninh Tây lập nghiệp, hiện nay đại gia đình anh có gần hai chục hécta mía, thu nhập mỗi năm dăm trăm triệu đồng. Cùng buôn Tương, anh Y Nghi, dân tộc Ê Đê đang thu hoạch đám mía cuối cùng trong rẫy mía hơn 2 ha. “Trừ mọi chi phí, mỗi hécta còn khoảng 30 triệu đồng” - Y Nghi nói.

Theo ông Lê Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, toàn xã có 1.005 hộ dân nhưng có đến 2.100 ha mía, sản lượng mỗi năm trên 100.000 tấn, là xã nhiều mía nhất tỉnh Khánh Hòa.

Cây mía giúp nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu, nhưng diện tích mía tăng cũng làm giảm đáng kể diện tích rừng căm xe. Khi thực hiện định canh định cư theo dự án 327, đồng bào Raglay, Ê Đê được cấp đất ven quốc lộ 26, từ giáp đường trở vào không quá 100m.

Do rừng căm xe ở ngay sau rẫy, địa hình bằng phẳng, đất màu mỡ, nên khi trồng mía có lãi, đồng bào tìm cách phá rừng trồng mía. Cách phổ biến là “lấn dần từng bước”, bằng cách lột vỏ, hoặc khoét lỗ ở thân cây rồi bỏ muối vào, cho cây chết dần. Trước kia, ở Ninh Tây có trên 600 ha rừng căm xe, nay chỉ còn khoảng 400 ha.

Theo ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa (HKLNH), UBND thị xã đã chỉ đạo ngăn chặn kịp thời tình trạng chặt phá rừng căm xe tại xã Ninh Tây, xử lý một số vụ điển hình. Nhưng do người dân lấn dần rừng ở nhiều điểm rải rác xa nhau, nên khó bị phát hiện. Khi phát hiện vi phạm, việc xử lý cũng khó khăn.

Có 52 hồ sơ vụ việc phá rừng ở Ninh Tây năm 2011 chưa xử lý được, hầu hết do Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa (RPHNH) chuyển giao cho HKLNH.

Các biên bản lập không phát hiện phạm pháp quả tang, không tạm giữ được tang vật, phương tiện vi phạm, đương sự không ký tên vào biên bản, không có người chứng kiến.

Một số trường hợp lập biên bản khi diện tích rừng bị phá đã được trồng mía, số cây căm xe bị chặt ít.? Do vậy, tất cả các trường hợp trên đều không có căn cứ để xử lý vi phạm, theo quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý RPHNH tiếp tục chuyển cho HKLNH thêm 21 hồ sơ phá rừng ở Ninh Tây, nhưng không đủ cơ sở, chứng cứ pháp lý để xử lý vi phạm.

Ông Lê Xuân Tuyên cho biết, xã đã vận động được trên 90% số hộ dân ký cam kết không phá rừng. “Đồng bào cam kết thế, nhưng với việc phá rừng để trồng mía dễ, xử lý khó, việc giữ diện tích rừng căm xe sẽ rất khó khăn”, ông Tuyên nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.