Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến vịnh Cam Ranh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên vịnh Cam Ranh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên vịnh Cam Ranh
TP - Trên tàu USNS Richard E. Byrd ở vịnh Cam Ranh ngày 3-6, ông Leon Panetta nói, đây là một chuyến đi mang tính lịch sử, khi Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ đến vịnh Cam Ranh, kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bắt đầu chuyến làm việc ba ngày tại Việt Nam bằng cuộc đi thăm tàu vận tải USNS Richard E. Byrd của Hải quân Mỹ, đang neo ở vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

Lên tàu trưa 3-6, ông Panetta nói, đây là một ngày lịch sử của Mỹ, một thời khắc rất xúc động với cá nhân ông. Chủ nhật trước, ông đến Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại Mỹ, để kỷ niệm 37 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Bây giờ, ông đứng trên tàu của Mỹ tại vịnh Cam Ranh, để đánh dấu 17 năm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

“Mỹ là một cường quốc tại Thái Bình Dương. Sẽ là việc rất tự nhiên nếu chúng tôi tìm kiếm các cơ hội để xây dựng quan hệ đối tác với các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam”, Bộ trưởng Panetta nói.

Theo ông Panetta, Mỹ và Việt Nam có một mối quan hệ rất phức tạp, nhưng hai nước sẽ không bị ràng buộc bởi quá khứ. Mỹ muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam, cụ thể bằng biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, được ký kết năm ngoái.

Hai nước đã phát triển quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực: tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, kiểm soát thảm hoạ và các hoạt động gìn giữ hoà bình, hàng hải.

Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề hàng hải quan trọng, như cải thiện tự do lưu thông hàng hải. Ông Panetta nhấn mạnh, Mỹ rất cảm kích sự hỗ trợ lâu dài của Việt Nam trong việc tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Ông nói Mỹ và Việt Nam có thể xây dựng một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, không những hàn gắn vết thương chiến tranh trong quá khứ, mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho hai nước.

Việc tàu Richard E. Byrd đang đậu ở vịnh Cam Ranh, được sửa chữa bởi những người bạn Việt Nam là một biểu tượng quan trọng, chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện rất nhiều.

Trước khoảng 40 nhà báo Việt Nam và quốc tế trên tàu Richard E. Byrd, ông Panetta nói, một trong những nguyên tắc chính của chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là xây dựng quân đội Mỹ dễ triển khai hơn, linh động hơn và sử dụng các công nghệ tối tân nhất.

Khu vực Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược mới; trong tương lai, khoảng 60% lực lượng hạm đội Mỹ sẽ được chuyển đến khu vực này.

Vì vậy, làm việc với các đối tác như Việt Nam, để có thể sử dụng các cảng khi đưa tàu đóng tại nơi khác đến khu vực Thái Bình Dương là điều rất quan trọng.

Nỗ lực của Mỹ trong hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương là để phát triển khả năng tự bảo vệ của các nước này, đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực biển Đông, cũng như tại các nơi khác, ông nói. Mỹ ủng hộ việc các nước ASEAN và Trung Quốc bàn bạc xây dựng bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông.

Từ tháng 2-2010, khi tàu Richard E. Byrd được Cty Công nghiệp Tàu thủy Cam Ranh sửa chữa nhỏ và tiếp liệu, đến nay đã có 3 tàu hải quân Mỹ được sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng tại vịnh Cam Ranh. Riêng tàu Richard E. Byrd đã vào vịnh Cam Ranh bảo dưỡng 3 lần, lần thứ 3 này giá trị bảo dưỡng khoảng 400.000 USD.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.