Còn độc quyền, giá điện chỉ có tăng

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu tại tổ Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu tại tổ Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bức xúc về cách thức đầu tư, quản lý của ngành điện và yêu cầu sớm thực hiện lộ trình giá điện cạnh tranh. Bởi còn độc quyền thì giá điện chỉ có tăng.

> Giá mua điện của EVN không thống nhất

Dân chấp nhận giá thị trường nhưng phải công khai

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, dự luật quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, nghe rất hay nhưng thế nào là “thị trường”, thế nào là “có sự điều tiết của nhà nước” lại không rõ.

Theo bà Hường, chỉ có thể thực hiện cơ chế thị trường khi có sự cạnh tranh bình đẳng, đồng cấp. Trong khi, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thực chất đang độc quyền, nhất là hạ tầng truyền dẫn, phân phối.

“Khi chưa có đối tác cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với EVN thì quy định cơ chế thị trường rất khó. Còn nếu đã theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh thì sự điều tiết của nhà nước như thế nào?”- Bà Hường nói.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đồng tình, về nguyên lý đã độc quyền thì không thể nào có sự cạnh tranh. Muốn theo thị trường phải xóa bỏ độc quyền.

Thực tế hiện nay, giá điện hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN. Với cơ chế xác định giá điện này, giá điện chỉ có tăng chứ khó có xu hương giảm bởi đầu tư tăng, lạm phát, tiền lương tăng…

Theo đề xuất của Chính phủ, giá điện được EVN trình hằng năm, thời gian tăng giá giữa hai lần là 3 tháng. ĐB Nguyệt Hường cho rằng, thời gian điều chỉnh như vậy là quá ngắn.

Ngoài ra, căn cứ tăng giá không chỉ dựa vào báo cáo kiểm toán chi phí, giá thành mà quan trọng hơn là sự hợp lý trong đầu tư của EVN. Giá điện được cấu thành bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên là đầu tư của ngành điện.

EVN huy động, sử dụng vốn ra sao? Nếu EVN phải vay lãi suất thương mại 20%, đầu tư không hiệu quả thì chi phí đầu tư sẽ rất cao, khó giảm giá điện. Chưa kể đến, tổn thất điện năng cao có lỗi trong đầu tư, giải pháp kỹ thuật của EVN cũng phải làm rõ.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng; Dân chấp nhận giá thị trường nhưng phải công khai, minh bạch chứ không phải tùy tiện muốn tăng là tăng.

Phải sớm thực hiện thị trường cạnh tranh

Theo quyết định của Chính phủ, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 giai đoạn với cấp độ là: (1) Thị trường phát điện cạnh tranh (2005 - 2014), (2) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015 - 2022) và (3) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau năm 2022).

Như vậy, phải đến sau năm 2022 Việt Nam mới có thể có thị trường điện hoàn chỉnh. Trong một số năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) kiến nghị, phải đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh càng sớm càng tốt. Để đến sau 2022 là quá chậm.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) nhận định, lộ trình thị trường điện cạnh tranh tương đối cứng nhắc. Tại sao không đan xen những giai đoạn để thúc đẩy thị trường cạnh tranh nhanh hơn.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) dẫn chứng, sau khi có thị trường cạnh tranh, giá dịch vụ viễn thông giảm mạnh.

Chứ hiện nay EVN thông báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng lại đầu tư ngoài ngành, lương cán bộ cao hơn nhiều mặt bằng xã hội. Cái đó là gì? Phải chăng do độc quyền.

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường trong bối cảnh EVN còn độc quyền thì cơ chế giám sát, kiểm toán phải tăng cường. Ngoài ra, quy hoạch điện phải phù hợp quy hoạch ngành.

Vừa qua, cấp phép ngoài quy hoạch 30 dự án thép khiến tiêu thụ điện tăng gấp 3 lần, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, thiếu điện. Theo quy hoạch điện 7, mỗi năm cần đầu tư cho các dự án điện gần 5 tỷ USD.

Trong khi tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay của EVN thu không đủ bù chi, thua lỗ nên huy động nguồn vốn bên ngoài rất khó. “Nếu ngân sách nhà nước bỏ ra 4- 5 tỷ USD/năm cho ngành điện là không khả thi”- Ông Thường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.