Khám bệnh xã hội hóa: Lạm dụng kỹ thuật cao

Xã hội hóa trong khám chữa bệnh là cần thiết nhưng phải có cách triệt tiêu nạn lạm dụng xã hội hóa để gia tăng các kỹ thuật cao không cần thiết (Ảnh minh họa)
Xã hội hóa trong khám chữa bệnh là cần thiết nhưng phải có cách triệt tiêu nạn lạm dụng xã hội hóa để gia tăng các kỹ thuật cao không cần thiết (Ảnh minh họa)
TP - Câu chuyện lạm dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh không mới thế nhưng có dịp mục sở thị tại bệnh viện mới thấy sự lạm dụng “đáng báo động” nhường nào.

> Giám sát độc lập để chống lạm dụng xét nghiệm

Bị đau bụng dưới, đích thân người viết bài này đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi được biết là cơ sở y tế được xã hội hóa cao với nhiều thiết bị hiện đại.

Sau khi mua phiếu khám bệnh hết 70 nghìn đồng, tôi được hướng dẫn đến khám tại Khoa Tiêu hóa của BV. Bác sỹ (BS) hỏi đau từ bao giờ, đại tiện ra sao. Rồi bà viết phiếu yêu cầu tôi đi nội soi gây mê và làm test HP với giá 1.420.000 đồng. “Có kết quả rồi quay lại đây”, nữ bác sỹ nói.

Không chỉ tôi, hầu hết các bệnh nhân khi đã vào đến Khoa Tiêu hóa của BV này đều được nội soi. Ngồi trước cửa phòng Nội soi 3, bệnh nhân tên Nguyễn Thị Phấn than thở bị đau bụng dưới, đi ngoài liên tục mấy hôm nay, dạ dày tưng tức.

Tôi hỏi: “Chị bị bệnh gì”, chị bảo: “Đã biết đâu. Vào đây họ yêu cầu nội soi đại tràng gây mê. Rồi lại yêu cầu nội soi dạ dày. Hết gần hai triệu đồng rồi mà vẫn chưa biết bệnh gì. Chắc phải đợi có kết quả nội soi mới biết được. Mà, đấy là tôi không chọn nội soi gây mê dạ dày nữa. Chứ, nếu không, tổng thể mất đến gần ba triệu bạc”.

Ở Khoa Nội, bệnh nhân tên Nguyễn Thị Cúc ở Thanh Chương, Nghệ An bị u tuyến giáp. Khi được hỏi về giấy tờ xét nghiệm chiếu chụp đang cầm trên tay, bà cho hay “Ở đây, mình khám một bệnh thôi nhưng người ta khám cho tổng thể. Toàn thân. Hết xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào gốc, rồi đến siêu âm. Thế mà giờ vẫn chưa xong”.

Đông đúc và tấp nập nhất có lẽ là ở Khoa Chẩn đoán Hình ảnh. Trước cửa phòng chụp X - Quang, phòng siêu âm, phòng CT, nhộn nhịp người đứng kẻ chờ. Ngồi cạnh tôi, một bệnh nhân nam chừng ngoài 30 tuổi phàn nàn: “Đã chụp X - Quang lại còn bắt đi siêu âm đầu gối”.

Anh bị ngã xe, đầu gối bị sưng. Bác sỹ yêu cầu anh thực hiện 12 xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng. Anh đưa tờ hóa đơn cho tôi xem. Đúng là 12 chỉ số cận lâm sàng được yêu cầu thực hiện như chụp xét nghiệm máu, chụp X - Quang, siêu âm đầu gối… Hết tổng số 786.000 đồng.

Hầu hết bệnh nhân có mặt ở Khoa Chẩn đoán Hình ảnh đều cầm trên tay giấy thu viện phí với 12-15 xét nghiệm, chiếu, chụp cận lâm sàng.

Một bác sỹ đề nghị giấu tên tiết lộ: “Các máy móc hiện đại bây giờ hầu hết là được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa. Càng nhanh thu vốn càng tốt. Thế nên các bệnh viện có máy móc hiện đại đều cố gắng sử dụng hết công suất. Có tỉnh, cứ bệnh nhân của tỉnh ấy chuyển lên tuyến trên thì bao giờ trong bệnh án cũng có kết quả chụp CT. Vì bệnh viện dưới tỉnh ấy mới sắm một cái máy CT”.

Với mỗi phiếu CT, bác sỹ đều có hoa hồng từ 5-10%. Vì thế, bệnh nhân bị va chạm ở đầu, nặng hay nhẹ đều được yêu cầu chụp CT.

“Vừa giúp khám hiệu quả hơn lại được hoa hồng. Thế thì dại gì mà không làm dù đa phần chụp CT xong bệnh nhân chẳng hề hấn gì”, vị BS này nói.

Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Cơ chế khuyến khích tăng thu sẽ dẫn đến việc các bệnh viện hạch toán kinh doanh các dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh nhân là đối tượng duy nhất có thể tăng thu.

Chưa có đánh giá cụ thể nhưng kết quả kiểm tra bước đầu tại một số bệnh viện cho thấy có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật cao, đặc biệt tại các cơ sở có đặt máy liên doanh liên kết.

Một số cơ sở do cán bộ nhân viên làm công tác chuyên môn của bệnh viện tham gia góp vốn, đóng cổ phần trong việc lắp đặt máy móc, trang thiết bị y tế.

Đấy là một phần nguyên nhân tăng cường chỉ định dịch vụ không cần thiết so với yêu cầu chuyên môn như tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, Bệnh viện Đa khoa số 2 Lào Cai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.