Mắt làng Rêu

Phạm Thị Ân đang tuyệt vọng vì bệnh tật
Phạm Thị Ân đang tuyệt vọng vì bệnh tật
TP - Bệnh “lạ” vẫn tiếp tục hoành hành ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Những con số người chết vẫn tăng lên, lạnh lùng. Trong khi đó, nói theo ngôn ngữ dân gian- “y học bó tay”.

> Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi: Vẫn hy vọng một con đường sống

Chúng tôi đã tìm đến làng Rêu - nơi bệnh hoành hành khốc liệt nhất, cận cảnh những người đang chết dần chết mòn trong sự bất lực của người thân và chính quyền địa phương.

Phạm Thị Ân đang tuyệt vọng vì bệnh tật
Phạm Thị Ân đang tuyệt vọng vì bệnh tật.

Không biết bao giờ sẽ chết…

Chị Phạm Thị Triêu, suốt buổi nói chuyện không nhìn vào khách, trừ cái nhìn chào lơ đễnh, như mệt mỏi, như nhàm chám, như vô cảm bởi những gương mặt xa lạ đã đến, đi rồi gặp, rồi đi.

Làng này còn có một chị tên Triêu, đã chết ngày 29-5-2012, bỏ lại chồng là Phạm Văn Trói cùng hai con là Phạm Thị Rên 10 tuổi và Phạm Văn Ri 3 tuổi. Tôi vừa đến nhà anh Trói.

Anh đang nằm ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Đã hai tuần nay, hai cháu nhỏ ở với cậu là Phạm Văn Trách, nhưng anh Trách cũng đã nhập viện. Rên đang cho em uống sữa. Thằng bé bị dị tật bẩm sinh, khóc ré lên khi thấy người lạ.

Rên nói giọng yếu ớt: “Hai chị em cháu ở nhà thôi, sợ lắm”. Rên ngước mắt nhìn như cầu cứu. Sau lưng tôi là nhà sàn trống hoác. Đằng kia là núi. Những van xin tan như mây, bởi biết bám vào đâu…

Chị Phạm Thị Triêu, có bố và con trai vừa chết
Chị Phạm Thị Triêu, có bố và con trai vừa chết.

Chị Triêu vẫn không ngẩng lên, trả lời nhỏ giọt, chậm rãi, không trọng âm như muốn “đăng đối” với những giọt nước mắt từ từ rơi xuống như mưa trên đá, tan vỡ và bốc hơi.

Con trai chị là Phạm Văn Thách, 9 tuổi, chết ở bệnh viện Nhi đồng 1 hôm 27-5-2012. Thằng bé này lạ lắm. Nó bị đau trước đó một tháng, nằng nặc đòi bỏ bệnh viện về khi hay tin ông ngoại mất hôm ngày 4-5, rằng ông ngoại kêu con đi cùng.

Lúc đó chị hoảng lên. Bố vừa mất, nghe con nói thế, chị có linh cảm không lành. Theo con vào Sài Gòn được một tuần rôi chị ôm xác con tan nát cõi lòng lạnh lẽo quay về.

Chồng chị nói, đến đầu con suối Bà Rằng, chị không đi nổi nữa, cứ nhìn đá lởm chởm bày thạch trận, rồi ngồi xuống khóc nức nở. Sau lần đó, ngay cả lúc đưa con về với giàng, với thần linh, ông bà, chị không khóc nữa, cũng chẳng nói năng gì, cứ nhìn như muốn hỏi và trả lời điều gì đó riêng chị biết.

“Đi đâu nữa, làm gì nữa, bố chết vì bệnh, con chết vì bệnh, con gái, vợ chồng em và mẹ cũng mang bệnh, không biết bao giờ sẽ chết, thì sống để làm gì, đi nương đi rẫy để làm gì? Tiền bạc cũng hết rồi, mà có tiền cũng chết, cúng chứ, tập tục mà, nhưng cúng cũng chết”.

Bây giờ không có những tiếng nổ to, mà chỉ có những rạn vỡ. Tôi nhớ mang máng ý thơ Văn Cao như thế, dù rằng ông viết với một tâm thế khác về một hoàn cảnh khác, nhưng không hiểu sao nó hiện về ngay lúc này.

Đôi mắt đặc trưng của người đàn bà miền núi, to tròn, đen láy, hoang hoải và sâu thằm, mà mỗi lần gặp như thấy cây rừng trong đó sau những năm tháng lang thang núi rừng, sao bây giờ tôi lại không thấy ở chị, mà chỉ thấy một vạt nắng muộn như gãy ra theo vệt khói chiều hoang lẩn quất rồi bay lên từ nếp nhà sàn đâu đó…

Thân phận của một cán bộ y tế làng

Bây giờ chỉ còn hai chị em Rên và Ry ở nhà
Bây giờ chỉ còn hai chị em Rên và Ry ở nhà.

Sự hoảng sợ đang tăng lên. Hiện số người bị bệnh “lạ” cả huyện đã lên đến 240 ca, trong đó có 16 ca đặc biệt nặng, chắc không qua khỏi. Bà con bỏ ruộng rẫy không đi làm.

Bệnh “lạ” là gì? Câu trả lời cụ thể và rõ ràng nhất, là những cái chết đã và đang đến, lúc dồn dập, lúc từ từ với người làng Rêu ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ này.

Người H’re bên Trà Bồng gần đó, loan tin: Bệnh đó không chữa được đâu, bệnh của trời đấy! Sống nơi núi rừng, có một niềm tin mãnh liệt chốn linh sơn, tai ương đến mà không lý giải, thì họ bảo đó là trời hại, dẫu rằng họ cũng chỉ là những sơn tràng chân chất, suốt đời làm lụng, sinh con, uống rượu và nhảy múa với thần linh.

Không ai trong họ nghĩ rằng, một ngày nào đó, thần linh nổi giận, bắt cả làng bị bệnh, rồi lan sang đến cả ba làng bên cạnh. Năm ngoái đến giờ, đã có 23 người chết.

Nghĩ đến những người thân yêu, một sáng một tối tình cờ, tay chân bỗng dưng lở loét, mắt nhìn quanh tìm xem thần chết đang ở đâu và bao giờ sẽ đưa người thân mình đi, nghĩ mà hãi hùng. Không có nỗi sợ hãi nào giống sợ hãi nào.

Không biết bao giờ sẽ chết, dù rằng cầm chắc cái chết, sự hoang mang ấy nên diễn đạt thế nào đây? Tôi ngồi với mẹ con chị Phạm Thị Soi, cố đọc trong mắt họ một câu trả lời nhỏ nhoi cho một niềm hy vọng, nhưng bế tắc như câu hỏi trời đến từ đâu.

Chị Soi, ánh mắt nhìn khách không khác gì nhìn con gái là Phạm Thị Ân đang gắng tựa vào mẹ. Mắt mẹ tuyệt vọng, xót xa. Mắt con mờ đục, vàng ệch pha xám ngắt.

Bác sĩ bảo, Ân là một trường hợp khá kỳ lạ, đau từ năm ngoái, đã đi 12 bệnh viện trong cả nước, nhưng không chết, trong khi những người phát bệnh cùng lúc với cô, đã xanh cỏ nơi chín suối rồi.

Ăn không được, bụng trướng to, sợ ánh nắng, không đi đứng được, Ân cứ nằm thế. Thần chết đùa sao? Năm ngoái, con trai cô cũng đã chết vì bệnh “lạ”. Ân là cán bộ y tế làng này. Vừa mất con là Ân đổ bệnh. Chồng cũng xa lánh từ đó. Biết mình sẽ chết, Ân viết thư để lại, phòng lúc ra đi, bố mẹ có chứng cứ để nói chuyện với người làng, rằng tiền bạc nếu ai phúng điếu thì phải giao cho bố mẹ, vì chồng đã bỏ bê lâu rồi.

Mắt Ân đục đờ ra, dấu hiệu của men gan cao, triệu chứng gây chết người phổ biến ở vùng bệnh “lạ”. Tôi nghe ông Lê Hàn Phong, chủ tịch huyện Ba Tơ thông tin, là mấy ngày qua, người bị bệnh đau tức ngực, bụng, nôn ói mà không lở tay chân ở xã này đột ngột tăng lên, xét nghiệm cho thấy men gan cao, nhưng không được thừa nhận là bệnh lạ.

Dân làng không cần biết điều đó, chỉ biết rằng sự hoảng sợ đang tăng lên. Hiện số người bị bệnh “lạ” cả huyện đã lên đến 240 ca, trong đó có 16 ca đặc biệt nặng, chắc không qua khỏi. Bà con bỏ ruộng rẫy không đi làm. Một lãnh đạo huyện nói rằng, khi xảy ra bệnh, chúng tôi đã lưu ý rằng, ở đây trâu bò mà uống nước suối, khi chết thì gan thối hết.

Bà con chết cũng vì suy gan. Bây giờ trung ương vào khảo sát nguồn nước, tìm cách tạo nguồn nước sinh hoạt mới cho bà con. Mọi sự không biết sẽ thế nào, nhưng nếu đúng là nguồn nước là tác nhân gây bệnh, thì có lẽ chúng ta đã chậm trễ…

 Dân trí thấp, khả năng của chúng tôi thì cũng có hạn, dân đau ốm rồi chết, cũng là anh em bà con họ hàng nhau cả, thấy như muốn chết theo họ và nói thật là cũng bế tắc rồi, chẳng biết trông chờ vào ai nữa. 

Ông Phạm Văn Bút, chủ tịch xã Ba Điền

Ông Phạm Văn Bút, chủ tịch xã Ba Điền thì bảo, dân trí thấp, khả năng của chúng tôi thì cũng có hạn, dân đau ốm rồi chết, cũng là anh em bà con họ hàng nhau cả, thấy như muốn chết theo họ và nói thật là cũng bế tắc rồi, chẳng biết trông chờ vào ai nữa.

Chị Soi vẫn không nói gì, suốt buổi cứ nhìn con gái, như muốn xoa dịu cơn đau đang hành hạ con, như muốn cố giữ, cố níu được chừng nào hay chừng đó giọt máu mình đẻ ra không biết ngày nào sẽ tan vào đất. Chồng chết, con chết, bố mẹ chết, người làng chết.

Tôi nhìn vào mắt Ân. Người sắp chết, nếu là người già, một kẻ đốn ngộ, thì nhiều khi là một tiếng cười về sự tồn tại vô nghĩa của cái gọi là cõi sống. Còn người mới 22 tuổi như Ân, mắt người trẻ mà chết trong tuyệt vọng, thì chắc đó câu hỏi về sự vô lý tại sao phải sinh ra rồi chết.

Còn mắt của những người đã chết về bệnh “lạ” ở làng Rêu này, có ai biết không? Tôi quay sang nhìn bà Soi, bỗng dưng xương sống như có điện đang chạy. Đôi mắt người mẹ già như đã khô, in bóng đôi bàn tay gầy guộc khua thảng thốt từ đáy vực…

Làng Rêu. Cái tên như định mệnh gieo vào mắt người làng Rêu. Mắt họ đã xanh rêu vì tuyệt vọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG