'Máu' rừng vẫn chảy vì lợi nhuận ngang... ma túy

'Máu' rừng vẫn chảy vì lợi nhuận ngang... ma túy
TPO – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần cho rằng, dù quyết liệt truy quét, nhưng buôn lậu gỗ nghiến có lợi nhuận ngang ma túy, nên chặt phá rừng vẫn còn là vấn nạn ở địa phương này.

> Kỳ 1: Phá rừng, đánh bạc trên đỉnh núi

Tổ công tác liên ngành trong đợt truy quét, tiêu huỷ 16 lán trại của lâm tặc ở khu Lân Đất đỏ, thuộc xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai. Ảnh tư liệu.
Tổ công tác liên ngành trong đợt truy quét, tiêu huỷ 16 lán trại của lâm tặc ở khu Lân Đất đỏ, thuộc xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai. Ảnh tư liệu.

Nhiều khó khăn

Cũng như Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đang phải đương đầu với nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật hết sức phức tạp.

Dẫn chúng tôi thực tế “đại bản doanh” của lâm tặc, anh Hứa Văn Tiến – Tổ trưởng tổ kiểm lâm cơ động và phóng cháy chữa cháy rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết, không ít lần, lực lượng kiểm lâm đối đầu với sự chống trả quyết liệt của lâm tặc.

Anh Tiến kể, nhớ nhất trong hai năm làm nghề này là vụ chống người thi hành công vụ ngày 5-4-2012.

“Nhận tin ba đối tượng đi trên ba xe máy đang vận chuyển gỗ từ trong rừng ra xóm Bản Trang, mỗi xe chở 5 thanh gỗ, tổ công tác kiểm lâm cơ động bí mật theo dõi, rồi bất ngờ chặn lại. Ba đối tượng vứt xe và gỗ bỏ chạy".

"Chưa đầy 5 phút sau, trong lúc tổ công tác đang lập biên bản, thì ba đối tượng trên kéo theo một đoàn khoảng 40 người, mang dao, gậy, gạch đá xông đến lăng mạ, chửi bới, giằng co với lực lượng kiểm lâm,cướp xe, gỗ. Một đối tượng dùng dao chặt đứt dây buộc gỗ trên xe, cướp đi một chiếc xe máy" - Anh Tiến nhớ lại.

'Máu' rừng vẫn chảy vì lợi nhuận ngang... ma túy ảnh 2
"Đại bản doanh" của lâm tặc trên đỉnh núi xã Nghinh Tường bị lực lượng kiểm lâm triệt phá.

Theo anh Tiến, trước tình hình đó, đồng chí Vũ Thế Cường – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thần Sa – Phượng Hoàng phải nổ súng chỉ thiên. Nhưng, đối tượng Trịnh Văn Được (ở xóm Bản Trang) tiếp tục liều lĩnh nhảy vào cướp xe khác.

Đồng chí Ngô Hồng Văn trong tổ công tác nổ súng cảnh cáo lần nữa nhưng người này vẫn lao vào, buộc anh Văn phải bắn vào chân đối tượng. Hoảng sợ, đồng bọn của tên Được vội vàng tháo chạy.

Ngay sau đó, tổ công tác mời chính quyền địa phương, công an huyện và các đơn vị khác đến, lập biên bản xử lý hiện trường, đưa đối tượng Được đi sơ cứu ở trạm xã.

Anh Tiến cũng cho biết, dù đã chuyển hồ sơ sang công an huyện, nhưng kết thúc điều tra, đối tượng Được cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

“Do xử phạt chưa nghiêm, chưa triệt để nên chỉ khoảng nửa tháng sau, đối tượng này lại huy động khoảng chục thanh niên tới ném gạch đá vào trạm kiểm lâm, hiện vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” – anh Tiến nói.

Theo kiểm lâm nơi đây, Ban quản lý và Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiền nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có 38 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng chỉ có năm người, được trang bị một khẩu AK, một khẩu đạn cay, gậy điện, bình xịt, xe máy cá nhân, bảo vệ hơn 17.000 ha rừng đặc dụng.

Trong khi đó, các “chim lợn” của lâm tặc luôn bám sát nhất cử, nhất động của kiểm lâm. Chúng thường sử dụng loại xe hoán cải không giấy tờ, không biển kiểm sát để vận chuyển gỗ lậu. Bên thành xe, chúng để sẵn con dao quắm. Khi bị truy đuổi, chúng sẽ chặt đứt dây thừng buộc gỗ, tháo chạy.

Gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, thu giữ ở Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, thu giữ ở Hạt kiểm lâm
Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Lợi nhuận cao nên 'máu' rừng vẫn chảy

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, gỗ được khai thác trong khu vực rừng đặc dụng, thuộc Khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng, rồi lâm tặc vận chuyển theo nhiều đường khác nhau.

Chẳng hạn, tại khu vực xã Thần Sa, gỗ được khai thác và vận chuyển trái phép bằng ngựa, xe máy ra hướng xã Như Cố - Chợ Mới (Bắc Kạn); tại khu vực xã Thượng Nung, lâm tặc vác gỗ ra ngoài, sau đó vận chuyển vào hướng Sảng Mộc qua đèo Sang - Nghinh Tường đi Tân Tri, Bắc Sơn (Lạng Sơn);

Tại xã Nghinh Tường, gỗ được vác bộ xuống đường, sau đó lâm tặc vận chuyển bằng xe máy đi Tân Tri, Bắc Sơn (Lạng Sơn); số khác được vác bộ và chuyển bằng ngựa đi đường rừng, men theo xã Tân Hòa - Bình Gia về Tân Tri - Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

'Máu' rừng vẫn chảy vì lợi nhuận ngang... ma túy ảnh 4
"Ngựa sắt" của lâm tặc bị kiểm lâm Thái Nguyên thu giữ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng địa phương chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng gỗ nghiến bị tàn phá trong khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng, mới chỉ có số liệu báo cáo về kết quả bắt giữ gỗ và các phương tiện vi phạm từ những đơn vị kiểm lâm, nhưng cũng ở mức độ rất nhỏ lẻ.

Ông Đặng Viết Thuần - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Với quan điểm quyết liệt đấu tranh với lâm tặc, nhiều năm qua, Thái Nguyên liên tục có nhiều biện pháp như luân chuyển cán bộ kiểm lâm, mở nhiều đợt truy quét lâm tặc, nhưng do việc buôn lậu gỗ nghiến tại đây có lợi nhuận ngang với ma túy, nên chặt phá rừng trái phép vẫn còn là vấn nạn dai dẳng…”.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng thừa nhận thực trạng phá rừng đang xảy ra ở Thái Nguyên.

Ông Hải cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, do sự truy quét quyết liệt của các lực lượng chức năng, những đầu nậu gỗ từng làm mưa làm gió tại Thái Nguyên như Hiếu "khỉ", Sơn Viễn, Phương Thủy… đã phải từ bỏ việc tiếp tay cho lâm tặc. Hiện chỉ còn những đầu nậu gỗ nhỏ lẽ. Các đầu nậu này bỏ tiền thuê những đối tượng cộm cán, côn đồ, nghiện hút… luồn sâu vào lõi rừng lập lán, triệt hạ những cây quý rồi vác bộ đến điểm tập kết bí mật. Gỗ được vận chuyển bằng nhiều phượng tiện…”.

Nhiều vụ cán bộ kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí “bắt tay” lâm tặc phá rừng cũng đã bị xử lý.

Tại điểm nóng "nghiến tặc" hoành hành ở xã Nghinh Tường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường Ngô Hồng Văn đã bị luân chuyển sang khu vực khác.

Hai cán bộ kiểm lâm bị xử lí tại Trạm kiểm lâm Sàng Mộc gồm: Trạm trưởng Nguyễn Công Thông bị khiển trách, cán bộ kiểm lâm Đinh Văn Thông bị cảnh cáo.

Trước đó, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hợp Tiến Phạm Văn Cường, thuộc Hạt Kiểm lâm Đại Từ, cũng bị cách chức vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Theo thống kê của UBND huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về việc xử lý vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2006 đến năm 2010, số vụ vi phạm ngày càng tăng theo các năm.

Cụ thể: năm 2006, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 393 vụ vi phạm hành chính, tịch thu 256,34m3 gỗ, thu nộp kho bạc nhà nước 1 tỷ đồng;

Năm 2009 có tới 463 vụ vi phạm, tịch thu 207,83m3 gỗ, thu nộp kho bạc nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng;

Năm 2010, số vụ vi phạm tăng lên tới 592 vụ, tịch thu 305,594m3 gỗ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng.

* Trong năm 2011, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai bắt giữ tổng số 112 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Sáu tháng đầu năm 2012, Hạt kiểm lâm Võ Nhai lập biên bản xử lý 16 vụ vi phạm, tịch thu gỗ các loại quy tròn 33,035m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước gần 260 triệu đồng.

Riêng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, sáu tháng đầu năm 2012, Hạt Kiểm lâm tại đây bắt giữ và xử lý 123 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, khai thác rừng trái pháp luật: 13 vụ; phá rừng trái phép: 1 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật: 51 vụ; cất giữ lâm sản trái pháp luật: 53 vụ; mang công cụ cơ giới vào rừng: 4 vụ; đốt nương làm rẫy trái phép trong rừng: 1 vụ.

Tổng khối lượng lâm sản bị tịch thu (quy tròn): 390,178m3. Trong đó, gỗ tròn các loại là 312,657m3 (riêng gỗ tròn quý hiếm nhóm II là 5,179m3); gỗ xẻ các loại 48,451m3 (riêng gỗ xẻ quý hiếm nhóm II chiếm 48,349m3); tịch thu sung quỹ nhà nước 6 cưa xăng, 52 xe máy; thu nộp ngân sách nhà nước, nộp tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Võ Nhai khoảng 947 triệu đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG