Những món quà tri ân thanh niên xung phong

Những món quà tri ân thanh niên xung phong
TPO - Sáng nay (13–7), báo Tiền Phong, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Tân Hoàng Minh tổ chức Lễ trao 30 sổ tiết kiệm tình nghĩa (5 triệu đồng/suất) cho cựu thanh niên xung phong TP Đà Nẵng.

Ngoài 30 sổ tiết kiệm do Tập đoàn Tân Hoàng Minh tài trợ, cũng trong buổi lễ sáng nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tặng 30 phần quà cho các cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP Đà Nẵng, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong đã điểm lại lịch sử đầy hi sinh gian khổ, nhưng rất hào hùng và nhiều chiến công, nhiều đóng góp thầm lặng của lực lượng TNXP, từ chiến trường Điện Biên Phủ tới mặt trận khai hoang Tây Bắc trong những năm đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc; từ các cung đường tuyến lửa trên tuyến vận tải chiến lược Bắc – Nam và đường tải đạn, quân lương trên các chiến trường chống Mỹ đến những vùng đất khai hoang phục hóa đầy bom mìn, muỗi vắt sau chiến thắng.

Cho đến hôm nay, TNXP vẫn là lực lượng đến những nơi khó khăn nhất, như các làng thanh niên nơi biên giới, hải đảo…

“Chiến tranh đã lìa xa nhưng những dư âm và hậu quả nặng nề của nó vẫn chưa chấm dứt. Lực lượng TNXP đóng vai trò quan trọng, góp nên những chiến thắng bằng sự hy sinh cao cả, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân. Chương trình Tặng sổ tiết kiệm cho gia đìnhTNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm tri ân, chia sẻ tình thương và tôn vinh lực lượng TNXP’ – Nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho biết: Chương trình trao sổ tiết kiệm cho cựu TNXP nằm trong chuỗi hoạt động hàng năm của Tân Hoàng Minh Group, nhằm thực hiện trách nhiệm cao cả và mong muốn tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, sắp tới, Trung ương Đoàn, Báo Tiền Phong cùng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và mội số đơn vị khác dự định phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật được truyền hình trực tiếp tôn vinh TNXP tại Truông Bồn (Nghệ An) – điểm nút trên cung đường vận tải chiến lược nổi tiếng khốc liệt thời kháng chiến chống Mỹ, nơi ghi dấu 13 TNXP anh dũng hy sinh sau đợt bom cuối cùng trước khi Mỹ dừng đánh phá miền Bắc (ngày 31–10–1968)…

Những hy sinh thầm lặng

Ngày 15–7–1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành lập đơn vị TNXP đầu tiên với 225 đội viên. Trong hai cuộc kháng chiến ác liệt, gần 300 nghìn TNXP Việt Nam làm nhiệm vụ trên các chiến trường, 10 nghìn người đã anh dũng hy sinh, 46 nghìn người bị thương, hơn 10 nghìn người nhiễm chất độc da cam…

Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đến giờ vẫn luôn nhắc đến Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Thị Thao, người chỉ huy Tiểu đoàn Anh hùng 232 (vẫn được quen gọi là Tiểu đoàn bà Thao) như một niềm tự hào về tấm gương anh dũng điển hình TNXP thời kỳ chống Mỹ.

Nói về Tiểu đoàn của mình, bà Thao, nay là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Đà Nẵng, nhớ lại: Tiểu đoàn nữ gồm 600 nữ TNXP tuổi từ 16 đến 20. Đây là tiểu đoàn nữ duy nhất gồm 4 đại đội vận tải, 1 trạm xá và đội sản xuất thuộc Cục Hậu cần QK5 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đạn, phá đường, tải thương. Dấu chân của những nữ TNXP ấy đã qua khắp các tuyến đường rừng từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, đường 9 Nam Lào...

Chiến tranh kết thúc, 58 người đã vĩnh viễn ở lại với núi rừng. Bà Thao và những người còn sống vẫn canh cánh nỗi niềm, hàng chục năm trời cơm đùm cơm muối đi tìm hài cốt đồng đội xưa.

Bà cho biết ngày mai, 14–7, Hội sẽ làm lễ quy tập cho 8 liệt sỹ TNXP vừa tìm thấy từ các nơi về Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Đà Nẵng. Trước đó, bà cùng các đồng đội đã tìm kiếm và quy tập được 10 bộ hài cốt khác.

Tháng 7-2009, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức gặp mặt các cựu TNXP và đó là lần đầu tiên sau nhiều năm các nữ TNXP của “Tiểu đoàn Bà Thao” gần 400 người đã gặp lại nhau.

Ngày 28-5-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phong tặng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232 Phạm Thị Thao danh hiệu Anh hùng LLVTND. Cũng trong năm 2010, Tiểu đoàn được phong tặng Đơn vị Anh hùng LLVTND.

Cần sự sẻ chia

Cô Bùi Thị Vụ (phường Hòa Thọ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), người được nhận quà đợt này, nói: Tôi hết sức cảm động khi nhận được món quà đầy ý nghĩa này. Đây là sự giúp đỡ rất lớn về vật chất và tinh thần cho chúng tôi trong cuộc sống hiện tại”.

Cô Vụ tham gia kháng chiến năm 1971, thuộc Đoàn xây dựng 670, đường 20 Quyết Thắng. Cô bị nhiễm chất độc da cam, chồng mất, cuộc sống hiện tại khó khăn, người con thứ hai bị tai nạn giao thông cách đây một tuần, cô phải chạy vạy mượn tiền chạy chữa. Cô cho biết, với số tiền này cô sẽ dồn vào chạy chữa cho đứa con chóng lành.

Bà Phạm Thị Thao, Chủ tịch Hội cựu TNXP TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện Đà Nẵng có hơn 1.000 hội viên cựu TNXP, phần lớn cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, mức sống thấp hơn nhiều so với mặt bằng xã hội. Tuy nhiên, việc làm hồ sơ chế độ cho hội viên còn gặp nhiều khó khăn do các đơn vị gốc của các cựu TNXP đã giải tán.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, nhấn mạnh: “Những hy sinh mất mát của các cựu TNXP trong kháng chiến là rất lớn. Nhưng, trên thực tế, lực lượng cựu TNXP rất thiệt thòi, chế độ chính sách với họ rất thiếu và bất cập. Nhiều người bị thương tật những không thể làm chế độ vì đơn vị cũ đã giải tán, nhiều gia đình cựu TNXP lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng không có cơ chế chính sách để giúp đỡ họ”.

“Ý thức được điều đó, là tờ báo của tuổi trẻ, cũng là của TNXP, Tiền Phong rất trăn trở và trở đi trở lại nhiều lần về vấn đề giải quyết chế độ cho TNXP trên mặt báo. Số báo hôm nay (13-7) đăng đến kỳ thứ 4 ghi chép của nhà báo Xuân Ba về những chiến công, những hi sinh trở thành huyền thoại của TNXP, và cả những thiệt thòi của họ. Cũng số báo hôm nay đăng tin về việc 100.000 TNXP chưa được nhận chế độ”.

“Chương trình trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho TNXP do Tiền Phong khởi xướng và phối hợp với các đối tác tổ chức nhằm thăm hỏi động viên các cựu TNXP và thu hút sự chú ý của toàn xã hội, của các cơ quan chức năng tới TNXP và các vấn đề của họ. Tiền Phong sẽ cố gắng liên tục trong công việc này, tổ chức thêm nhiều cuộc trao sổ tiết kiệm tình nghĩa nữa cho TNXP trong thời gian tới”.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Tân Hoàng Minh Group đã khẳng định với những sản phẩm chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh doanh XNK, sản xuất đồ nội thất mây tre cao cấp, kinh doanh khách sạn và dịch vụ vận tải công cộng bằng taxi, với các thương hiệu quen thuộc: mây tre Ratex, Taxi Tân Hoàng Minh V20, hệ thống khách sạn Elegant. Gần đây, Tân Hoàng Minh Group chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực Tài chính và BĐS, trong đó kinh doanh BĐS được xác định là hoạt động chính của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tài trợ trên 20 tỷ đồng cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” từ thiện xã hội, như hỗ trợ các hộ gia đình gặp thiên tai, bão lụt; xây dựng nhà tình nghĩa; chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ; bảo trợ phong trào “Thắp sáng tài năng trẻ”; tài trợ các cuộc thi phát động vì thanh thiếu niên nghèo vượt khó…

Theo Viết
MỚI - NÓNG