Hà Nội chi gần 2.000 tỷ đồng chống ùn tắc

Hà Nội chi gần 2.000 tỷ đồng chống ùn tắc
TP - Hôm qua, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2012-2015 với số tiền đầu tư lên tới 1.944 tỷ đồng.

Hà Nội chi gần 2.000 tỷ đồng chống ùn tắc

* Xây thêm 10 cầu qua sông Hồng 

TP - Hôm qua, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2012-2015 với số tiền đầu tư lên tới 1.944 tỷ đồng.

Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giảm 27 điểm và 40% thời gian ùn tắc

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, Chương trình mục tiêu tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung và dự án đầu tư để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại một số nút giao thông, tuyến đường, nhất là khu vực từ vành đai 3 trở vào và trên các trục đường hướng tâm.

Cụ thể, giảm tối thiểu 27/89 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc, duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới. Cải tạo và lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao thông nhằm giám sát tình trạng ùn tắc, vi phạm của phương tiện để phục vụ cho việc xử lý vi phạm bằng hình ảnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giải tỏa lấn chiếm lòng đường vỉa hè trên các tuyến hướng tâm quan trọng như QL1, QL6, QL32, QL5, QL21, QL 21B, đường Mai Dịch-Nội Bài.

Xây dựng thêm 8 cầu vượt kết cấu thép tại một số nút giao thông quan trọng thường xuyên ùn tắc. Ông Nguyễn Nguyên Quân, thành viên Ban Pháp chế HĐND thành phố, cho rằng, sau khi thông qua chương trình mục tiêu, UBND thành phố phải có kế hoạch và lộ trình rất cụ thể, quyết liệt trong triển khai thì mới mang lại hiệu quả.

Theo ông Quân, việc chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên tuyến QL6 và nhiều tuyến đường hiện nay được giao cho UBND các quận, huyện nhưng hiệu quả rất hạn chế, nhất là trong khâu chống tái lấn chiếm.

Về khả năng giảm 27 điểm ùn tắc, ông Quân nhận định, với những điểm có cầu vượt nhẹ thì sẽ xử lý được ùn tắc, nhưng vấn đề là các nút giao thông tiếp theo rất có thể sẽ rơi vào ùn tắc, nên cần tổ chức đồng bộ.

Làm sao phải giảm được lưu lượng phương tiện chờ ở các điểm khác và phải đặt các điểm trong sự liên thông.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số đại biểu cho rằng, nhiều công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội chậm tiến độ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những giải pháp trong Chương trình mục tiêu vì giao thông phải nằm trong hệ thống đồng bộ. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là rất nan giải.

Xây thêm nhiều tuyến cao tốc, 10 cầu qua sông Hồng

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Theo đó, sẽ xây dựng 9 tuyến đường cao tốc 6 - 8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn. Đại lộ Thăng Long và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được quy hoạch là cao tốc đô thị. Cải tạo, mở rộng 9 tuyến quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới.

Về mạng lưới đường ngoài đô thị, xây dựng 4 trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 85km; quy mô mặt cắt ngang mỗi đường có chiều rộng 40 tới 60m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới.

Xây dựng 27 trục đường tỉnh, đường liên huyện có tính chất quan trọng với tổng chiều dài 554km theo quy mô đường cấp III và cấp II đồng bằng trên cơ sở các đường tỉnh và bổ sung các trục mới gồm: Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam, đường trục phát triển kinh tế phía Nam, Trục Đỗ Xá- Quan Sơn, Đường trục Miếu Môn - Hương Sơn.

Đồ án Quy hoạch xác định rõ, xây dựng 16 công trình đường bộ vượt sông Hồng, trong đó có 4 cầu đã xây dựng; 2 cầu đang triển khai xây dựng là cầu Nhật Tân trên đường vành đai 2 và cầu Vĩnh Thịnh trên đường vành đai 5; cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu đô thị; xây dựng mới 10 cầu.

Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 3 cầu đang sử dụng; 1 cầu đang xây dựng là cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài.

Xây dựng mới 4 cầu. Xây dựng 3 cầu qua sông Đà, trong đó có cầu Trung Hà đang được sử dụng. Xây dựng cầu Trung Hà mới trên tuyến cao tốc phía Tây và cầu Đá Chông. Xây dựng các cầu trên các trục đường cắt qua sông Đáy.

Quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua khu vực thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi song song với đường sắt Thống Nhất hiện tại, có xem xét tránh khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên và kết thúc phạm vi Hà Nội sau khi đi qua địa phận huyện Phú Xuyên.

Xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng gồm: cầu Long Biên mới, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thượng Cát, cầu Lĩnh Nam.

Cải tạo, nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2030 và sau 2030, cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu và 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hoá/năm. Quy hoạch cảng hàng không Gia Lâm sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội khiếu kiện có tổ chức. Ngoài khiếu kiện về đất đai, trong hai tuần qua, vào ngày chủ nhật, tại trung tâm thành phố diễn ra việc tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo. Nhiều người tham gia biểu tình là những người khiếu kiện về đất đai bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh - trật tự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG