“Cò” thuốc trong bệnh viện

Ken cứng bệnh nhân ở nhà thuốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM Ảnh: L.N
Ken cứng bệnh nhân ở nhà thuốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM Ảnh: L.N
TP - Hàng loạt nhà thuốc tại các bệnh viện ở TPHCM phải đóng cửa khiến nhà thuốc còn lại ở các bệnh viện quá tải trầm trọng. Nhiều bệnh nhân bị “cò” “lùa ra các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện để mua thuốc với giá cắt cổ.

> Nhân viên y tế tiếp tay cò bệnh viện

“Đẩy” bệnh viện vào quá tải

Theo thông tư của Bộ Y tế ban hành ngày 19-4-2011, yêu cầu mỗi nhà thuốc của bệnh viện phải đạt chuẩn GPP và chỉ có một dược sĩ đứng tên. Còn bệnh viện nào muốn mở thêm một nhà thuốc mới trong bệnh viện thì phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện cho biết, bệnh viện là đơn vị hành chính sự nghiệp nên việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh để mở nhà thuốc là chuyện khó như “mò kim đáy bể”.

Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TPHCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân, trong đó có gần 1.000 bệnh nhân phải mua thuốc.

Tuy nhiên, hơn một tháng nay, một trong hai nhà thuốc của BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã phải ngưng hoạt động.

Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ - Giám đốc BV này, quá tải nhà thuốc trầm trọng hơn cả quá tải bệnh nhân.

Dược sĩ Phan Thị Đào - Trưởng khoa Dược của bệnh viện này cho biết: “Năm 2011, chúng tôi làm thủ tục cho một dược sĩ đứng tên trên giấy phép kinh doanh nhà thuốc số 2 nhằm giảm tải cho bệnh nhân chờ đợi mua thuốc nhưng vướng thông tư 15 nên đành chịu. Dẹp bớt một nhà thuốc khiến cho bệnh nhân phải chầu chực cả ngày mới lấy được thuốc”.

Cũng theo DS Đào, có nhiều người chờ 3-4 tiếng vẫn chưa đến lượt bởi bệnh nhân quá đông, trong khi nhà thuốc thì chỉ có một và không cơi nới thêm được nữa quá tải nhà thuốc cũng khiến tình trạng “cò” thuốc xuất hiện tràn lan.

Họ chèo kéo, đưa bệnh ra các nhà thuốc tư nhân mua thuốc nên chẳng ai quản lý được giá cả và chất lượng.

Dược sĩ Huỳnh Hiền Trung - Phụ trách khoa Dược BV Nhân dân 115 cho biết, lãnh đạo BV đã cho ngưng hai trong ba nhà thuốc của bệnh viện từ hơn một tháng nay.

“Một nhà thuốc mới xây lên dành cho khu khám bệnh cũng đã phải đóng cửa, vì vướng quy định” - dược sĩ Trung cho biết. Theo dược sĩ Trung, bệnh viện công không phải là doanh nghiệp nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, không thể cấp giấy phép kinh doanh.

“Không có giấy này thì cũng không thể có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc được” - dược sĩ Trung lý giải. Sau khi hai nhà thuốc bị ngưng hoạt động, hiện mỗi ngày nhà thuốc chính của BV Nhân dân 115 phải “gánh” 700 bệnh nhân mua thuốc/ngày nên quá tải trầm trọng.

TS-BS Nguyễn Đình Phú- Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 kiến nghị Bộ Y tế rằng, nếu quy định này không được tháo gỡ sẽ khó thực hiện chiến lược giảm tải bệnh viện vốn quá tải lâu nay.

Tại BV Hùng Vương, BV Phụ sản Từ Dũ, BV Mắt TPHCM…, tình trạng quá tải bệnh nhân mua thuốc cũng trầm trọng với 1.000-2.000 lượt người lấy thuốc mỗi ngày.

Đại diện các bệnh viện cho biết, không quá tải thể giải quyết được quá tải khi các nhà thuốc trong bệnh viện bị đóng cửa. “Nếu giải quyết quá tải bệnh nhân ở giường bệnh nhưng bệnh nhân lại “kẹt” ở nhà thuốc thì giống như đẩy quá tải từ nơi này sang nơi khác” - đại diện BV Từ Dũ nói.

Cơ hội cho “cò”

Gần hai tháng nay, ở khu nhà thuốc của BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM luôn xuất hiện những “người lạ” mà theo các nhân viên ở đây, đó là “cò” thuốc. “Lợi dụng quá tải ở nhà thuốc, họ trà trộn vào đám đông bệnh nhân, sau đó mồi chài người bệnh ra nhà thuốc bên ngoài mua thuốc để ăn chia hoa hồng” - một nhân viên nhà thuốc bệnh viện này cho biết.

Sáng 23-7, chúng tôi chen chân vào nhà thuốc của BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM để mua thuốc, lập tức một người đàn ông trung niên, với bộ dạng như xe ôm tiến tới.

“Anh lấy số mấy?” - người này hỏi. “Số 680”- tôi trả lời. Người này nhíu mày: Phải 3-4 giờ chiều mới đến lượt đó. Ra nhà thuốc H.H ở gần bệnh viện mà mua cho nhanh, giá cũng như đây thôi. Nói xong người này dẫn tôi ra nhà thuốc tư nhân ở cạnh bệnh viện rồi “giao” tôi cho nhân viên nhà thuốc này.

“Các loại thuốc liên quan đến các bệnh mà các bác sỹ ở bệnh viện này điều trị, chỗ em đều có hết và giá rẻ hơn” - người bán thuốc khẳng định, rồi lấy cho tôi toa thuốc điều trị cơ xương khớp, gồm 4 loại với giá 320.000 đồng.

Tuy nhiên, khi dò hỏi giá loại thuốc này tại nhà thuốc bệnh viện được biết nó chỉ có 214.000 đồng.

Tình trạng “cò” chèo kéo, mời chào bệnh nhân ở Bệnh viện Từ Dũ cũng rầm rộ. Do phải chờ đợi lâu, trong khi nhiều phụ nữ bụng mang dạ chửa, có con nhỏ mới sinh… nên dễ dàng bị “cò” lợi dụng.

Chồng của sản phụ Nguyễn Vân An, 27 tuổi ở Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết: “Chiều 18-7, vợ tôi được xuất viện. Bác sĩ cho toa thuốc về uống 5 ngày. Tuy nhiên, chờ lấy thuốc lâu do nhà thuốc quá tải nên tôi được một người phụ nữ bảo ra nhà thuốc trên đường Cống Quỳnh, quận 1 mua cho mau. Tôi mua hai loại thuốc tăng tiết sữa và chống nhiễm khuẩn hết 560 nghìn đồng. Đúng là không phải chờ đợi nhưng, tôi không rõ chất lượng thế nào”.

Ở khu chờ mua thuốc của BV Đại học Y dược TPHCM, ngoài “cò” bốc số khám sớm, “cò” bệnh nhân ra ngoài phòng khám tư còn có “cò” bệnh nhân ra các nhà thuốc lân cận mua thuốc đặc trị đắt tiền.

Tình trạng bệnh nhân bị “cò” thuốc chèo kéo diễn ra nhiều nhất ở khu vực nhà thuốc của BV Da liễu TPHCM.

Tại đây, “cò” giả làm người bệnh, lân la hỏi chuyện bệnh nhân chờ mua thuốc, sau đó lôi kéo bệnh nhân ra nhà thuốc tư nhân mua.

Lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng thừa nhận từ ngày các điểm bán thuốc trong bệnh viện đóng cửa, lượng bệnh nhân tập trung nhiều ở một nhà thuốc nên xảy ra chèo kéo bệnh nhân ra nhà thuốc tư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG